Xin đừng vội trách phụ huynh

04/04/2022 - 16:09

PNO - Áp lực công việc, đời sống, chuyện học của con. Đến một lúc nào đó, nạn nhân không phải là những đứa trẻ mà có thể sẽ là cha mẹ của chúng.

Các em đồng nghiệp trẻ kể: “Toán, Lý, Hóa, Văn, Anh văn. Môn nào cũng phải học thêm, anh ơi. Riêng Toán, Lý, Hóa để mai mốt thi Đại học nên phải học 2 lớp. Một lớp học với thầy (cô) đang dạy trong trường, một lớp học với thầy (cô) chuyên dạy luyện thi Đại học”.

Mỗi chiều hết giờ làm việc, nhiều em vội vã rời cơ quan để về nhà kịp đưa con đến lớp học thêm. Hôm nào con học gần, quay về nhà đợi, hôm nào học xa thì phải tìm quán cà phê ngồi, chờ đón con ra,  chở đến lớp khác. Rồi lại rước con. Đó là ngày “cao điểm”. Các ngày khác có khi chỉ 1 lần đưa rước. Nhưng không có ngày nào không có lớp học thêm. Thứ Bảy, Chủ Nhật thời giờ rộng rãi hơn nhưng cũng có từ 3 đến 4 lớp học thêm. Nhiều hôm cơ quan có tiệc liên hoan các em phải xin đến trễ. Và cũng phải thập thò để vừa có mặt bên bàn tiệc, vừa tròn nhiệm vụ đưa rước con.

Cả chục năm “gian lao” của vợ chồng, con cái chỉ nhằm một mục đích cho con đậu vô các trường đại học danh tiếng và xa hơn là ra trường tìm được việc làm có lương tính bằng nghìn đô. Hay mơ ước cao hơn là con có học bổng, học ở nước ngoài, có học vị thạc sĩ , tiến sĩ và có việc làm, định cư bên ấy. Điều kiện cần là học bạ phải là học sinh giỏi xuất sắc. Điểm thi đại học phải trên điểm sàn (mà điểm sàn bây giờ là 29-30 điểm cho 3 môn thi). Bao nhiêu nỗ lực của cả nhà. Vậy mà con cứ mãi chơi game, chát chít với bạn bè. Cha mẹ không kiểm tra đôn đốc thì lén lút coi phim, nghe nhạc… trong khi bài vở chưa xong. Hỏi sao mà không bực dọc!

Cũng biết mỗi người đều có khả năng riêng, dù ép kiểu nào cũng không thể vượt qua giới hạn. Nhưng giới hạn ở đâu? Như tôi chẳng hạn. Con tôi giờ đã lớn, làm ra tiền, sống độc lập. Nhưng nhìn nó hàng ngày hai lần ngược xuôi trên đường phố luôn đông xe, đầy khói bụi. Công việc thì nặng nề, lương bổng không được như ý muốn. Nhiều khi tôi nghĩ “Phải chi hồi đó mình ráng “cày bừa”để cho con đi học nước ngoài”, hay “Phải chi ngày xưa mình thúc ép nó nhiều hơn”.

Lo lắng cho con cái học hành giờ khó lắm. Ngày bọn tôi đi học cha mẹ chỉ cần biết con mình được học trường công mỗi năm, mỗi lên lớp là đủ. Giờ ngay từ mẫu giáo cha mẹ đã phải chạy trường. Lên cấp 3 còn mong mỏi con mình đậu vào trường chuyên. Họ đâu ham hố gì các danh vị học sinh giỏi hão huyền. Nhưng ở đó giáo viên được xem là dạy tốt, con mình học chung với mấy bạn giỏi sẽ nỗ lực để giỏi theo. Mà dù học trường nào cũng phải trông chừng xem chúng có “gần mực mà đen” hay không? Đầy trên báo mạng các vụ đua xe, chơi ma túy, theo băng đảng đâm chém nhau…mà nghi phạm cỡ tuổi con mình. Ai dám rời mắt khỏi con?

Áp lực công việc, áp lực đời sống, áp lực chuyện học của con. Đến một lúc nào đó nạn nhân không phải là những đứa học sinh mà có thể sẽ là cha là mẹ của chúng. Xin hãy tìm cách giúp đỡ họ hơn là chê trách.

Nguyễn Huỳnh Đạt

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI