Lớp học thêm trong đại dịch: Cứu cánh hay gánh nặng?

07/11/2021 - 07:38

PNO - Thời đại dịch, các lớp học thêm trực tuyến tại phương Tây giúp học sinh theo đuổi chương trình giáo dục hoặc bạn bè cùng khóa. Ngược lại, tại châu Á, các lớp học thêm lại gia tăng áp lực lên học sinh.

Cứu cánh giữa đại dịch

Khi Trường trung học ngoại ô Dallas, bang Texas (Mỹ) chuyển sang dạy trực tuyến vào mùa xuân năm 2020 vì đại dịch, Charvi Goyal - một học sinh 17 tuổi - nhận thấy những người bạn cùng trường mà cô dạy kèm không chính thức sau giờ học vẫn cần được trợ giúp. Vì vậy, Goyal quyết định đưa lớp dạy kèm lên internet.

Goyal và ba người bạn cùng khóa tạo ra TutorScope, một dịch vụ dạy kèm miễn phí, do các học sinh trung học điều hành. Từ việc hướng dẫn, giúp đỡ anh chị em của bạn bè trong thành phố, sáng kiến đã phát triển thành một nhóm gồm hơn 40 gia sư tại Texas, Arizona, Ohio… giúp hàng trăm học sinh từ những vùng xa của nước Mỹ, thậm chí là Hàn Quốc.

 

 

Charvi Goyal, 17 tuổi, dạy toán trực tuyến cho một học sinh trung học cơ sở - ẢNH: AP
Charvi Goyal, 17 tuổi, dạy toán trực tuyến cho một học sinh trung học cơ sở - Ảnh: AP

Goyal nói: “Tôi có thể thấy trước rằng các trường học sẽ dần chuyển sang thế giới số. Thế nhưng, đi cùng với đó là một số vấn đề khi sự tương tác giữa học sinh và học sinh, học sinh và giáo viên suy yếu”. TutorScope cung cấp hỗ trợ trực tiếp mà giáo viên đưa ra trong lớp học bình thường nhưng giờ đây trở nên bất khả thi do hạn chế về thời gian và công nghệ mà việc học trực tuyến gây nên.

Vào một đêm gần cuối học kỳ, gia sư Avi Bagchi giúp cặp song sinh bảy tuổi Monika và Massey Newman “xử lý” một bài đọc hiểu về sự phân biệt giữa thực tế và quan điểm. Trong cuộc trò chuyện video dài nửa giờ, vị gia sư 16 tuổi đã cung cấp cho những đứa trẻ nhiều ví dụ - cây bút màu đỏ là thực tế nhưng việc thích hay không thích cây bút là ý kiến cá nhân (quan điểm). Đôi khi bài học cũng đi lạc đề do những câu hỏi của bọn trẻ nhưng phần lớn thời gian, Bagchi đều xoay xở rất tốt. Cô Sarah Newman - mẹ của hai đứa trẻ - cho biết các buổi học TutorScope của cặp song sinh thực sự hữu ích, giúp cô và cậu con trai lớn 17 tuổi tập trung vào công việc của mình.

 

 

Một giáo viên kiểm tra thân nhiệt học sinh tại một trường mẫu giáo công lập ở Gwangju vào tháng 4/2021 - ẢNH:  YONHAP
Một giáo viên kiểm tra thân nhiệt học sinh tại một trường mẫu giáo công lập ở Gwangju vào tháng 4/2021 - Ảnh: YONHAP

Cô nói: “Các gia sư rất kiên nhẫn với những đứa trẻ nhỏ tuổi - điều mà một người mẹ như tôi thậm chí còn không thể. Tôi kiên nhẫn trong những việc khác nhưng chắc chắn không phải trong việc giảng dạy". Newman biết đến TutorScope vào học kỳ mùa thu năm 2020. Ngay lập tức, cô đăng ký cho con tham gia một giờ mỗi tuần cho mỗi môn. Về phần các gia sư, nhờ công việc này, họ có được kinh nghiệm tuyệt vời khi nộp đơn vào đại học hoặc xin việc - một lợi thế lớn khi nhiều hoạt động ngoại khóa khác bị hủy trong thời kỳ đại dịch.

Tương tự TutorScope, Step Up Tutoring là một tổ chức phi lợi nhuận kết nối các gia sư tình nguyện với các giáo viên có học sinh lớp Bốn - Sáu cần hỗ trợ học tập bổ sung ở Los Angeles. Stan Gambrill - một bác sĩ đã nghỉ hưu sống ở thành phố Davis, bắc California - đã tham gia Step Up Tutoring sau khi việc dạy kèm trực tiếp của ông với một chương trình khác phải ngừng lại do dịch bệnh. Gambrill hoàn thành một số bài tập và tham gia khóa đào tạo giảng dạy kéo dài một giờ. Tiếp đến, ông được ghép với một học sinh lớp Năm gặp khó khăn trong môn toán. Sau khi gia sư và học sinh bắt cặp, họ sẽ cùng nhau thiết lập các buổi học hai lần một tuần, ít nhất 45 phút/buổi. 

TutorScope và Step Up Tutoring không phải những tổ chức đầu tiên cung cấp dịch vụ dạy kèm trực tuyến. Đây chỉ là một trong những sáng kiến mà thế giới đã nghĩ ra nhằm giáo dục trẻ em trong đại dịch. Một giáo viên ở Nigeria quyết định chấm bài tập về nhà cho học sinh từ khắp nơi trên thế giới hay sáng kiến trường học vỉa hè ở Mexico cung cấp hướng dẫn trực tuyến cho trẻ em, bao gồm cả những trẻ mắc kẹt ở biên giới, chờ được tị nạn tại Mỹ. Dù vậy, không phải lớp học thêm nào trong đại dịch cũng hứa hẹn đem lại niềm vui cho trẻ.

Áp lực

Trong nhiều thập niên, Hàn Quốc đã cố gắng điều chỉnh lĩnh vực dạy thêm vì lợi nhuận. Theo Cục Thống kê Hàn Quốc, gần 3/4 học sinh nước này đi học tại các lớp ngoại khóa vào năm 2019. Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), chi tiêu trung bình cho giáo dục tư thục trên mỗi trẻ em ở Hàn Quốc cao hơn bất kỳ quốc gia châu Á nào khác. Các trường dạy thêm ở Hàn Quốc được gọi là "hagwon". 

 

 

Sau khi tham gia các lớp học bình thường trong ngày, học sinh Hàn Quốc thường đến thẳng các trường luyện thi tư nhân, gọi là hagwon, để nâng cao trình độ - ẢNH: AP
Sau khi tham gia các lớp học bình thường trong ngày, học sinh Hàn Quốc thường đến thẳng các trường luyện thi tư nhân, gọi là hagwon, để nâng cao trình độ - Ảnh: AP

Tính đến năm 2020, có hơn 73.000 cơ sở dạy thêm ở Hàn Quốc, khoảng một nửa trong số đó nằm tại thủ đô, nơi các chiến dịch quảng cáo của họ là một phần nổi bật của cảnh quan đô thị. Theo số liệu do Cục Thống kê Hàn Quốc tổng hợp, bất chấp đại dịch, tổng chi tiêu ngành giáo dục tư thục cho học sinh tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông lên đến 8,1 tỷ USD vào năm 2020, chỉ giảm 16,3% so với năm 2019. 

Ở Seoul, trong khi trẻ em tại các trường mẫu giáo công và tư do Bộ Giáo dục giám sát phải học trực tuyến mà không có sự tương tác với giáo viên và bạn bè, những đứa trẻ đang theo học cái gọi là "trường mẫu giáo tiếng Anh" vẫn có các lớp học ngoại tuyến như chúng vốn có do loại hình này được phân loại là học viện tư nhân - "hagwon". Các học viện giáo dục tư nhân vẫn có thể hoạt động đến 22 giờ, vì vậy trẻ tham gia lớp mẫu giáo tiếng Anh không thể thoát khỏi áp lực học thêm từ rất nhỏ.

Kim - một người mẹ ở quận Nowon, phía bắc Seoul cho biết: "Tôi đã giữ con ở nhà vào năm 2020 khi trường mẫu giáo chuyển sang học trực tuyến, nhưng giáo dục trực tuyến không có kết quả tốt vì cháu còn quá nhỏ để tập trung vào các lớp học từ xa. Khi biết các trường mẫu giáo tiếng Anh không bị ràng buộc về thời gian hoạt động ngay cả khi các yêu cầu giãn cách xã hội được tăng cường, tôi quyết định cho con gái mình tham gia".

Trong khi đó, tại Trung Quốc, chiến dịch của Chủ tịch Tập Cận Bình nhằm giảm gánh nặng bài tập về nhà và việc học thêm cho trẻ em Trung Quốc đang tạo ra sự bùng nổ các câu lạc bộ thể thao và nghệ thuật.

Guoguo (7 tuổi) tập luyện ba buổi/tuần với huấn luyện viên tại một câu lạc bộ quyền anh ở phía đông Bắc Kinh. Cậu bé chỉ được nghỉ khi bị bệnh nặng  - ẢNH: BLOOMBERG
Guoguo (7 tuổi) tập luyện ba buổi/tuần với huấn luyện viên tại một câu lạc bộ quyền anh ở phía đông Bắc Kinh. Cậu bé chỉ được nghỉ khi bị bệnh nặng - Ảnh: BLOOMBERG

Đài truyền hình trung ương Trung Quốc đưa tin: 33.000 lớp học nghệ thuật và thể thao đã thành lập chỉ trong hơn một tháng sau khi chính phủ công bố chính sách “Giảm tải kép” vào cuối tháng 7. Chính sách mới cấm hoạt động dạy thêm học thêm trong các ngày cuối tuần và ngày lễ, đồng thời ra lệnh cho các trường học giảm cả số lượng và thời gian cần thiết cho bài tập. Kết quả, các bậc cha mẹ tranh nhau đăng ký cho con họ theo các lớp học kỹ năng nhằm mang lại lợi thế trẻ trong thị trường lao động và giáo dục cạnh tranh gay gắt của quốc gia.

He Jianwei, chủ một câu lạc bộ quyền anh ở phía đông Bắc Kinh, cho biết: “Gần đây, hầu như ngày nào tôi cũng nhận được điện thoại từ các bậc phụ huynh hỏi về các khóa học của trẻ em".

Các “bà mẹ hổ” của Trung Quốc có lý do để đưa con vào các lớp học kỹ năng. Chính quyền đã cam kết “tăng dần” điểm số các môn thể thao trong kỳ thi tuyển sinh trung học phổ thông. Một số khu vực như tỉnh Hải Nam đã liệt kê bơi lội, bóng đá, bóng rổ và bóng chuyền là những lựa chọn để học sinh lấy thêm tín chỉ.

Nhìn chung, áp lực học tập và rèn luyện đang khiến thế hệ trẻ của Trung Quốc ngày càng bị béo phì, cận thị và trầm cảm. Dữ liệu của Ủy ban Y tế quốc gia cho thấy hơn một nửa số trẻ em đang đi học của Trung Quốc bị cận thị và gần 1/5 trong độ tuổi từ 6 - 17 bị thừa cân hoặc béo phì. Do đó, các lớp học thể chất hứa hẹn đem đến sự thay đổi về sức khỏe. Thế nhưng, nếu chúng không xuất phát từ sở thích và duy trì hợp lý, gánh nặng học thêm để cạnh tranh vẫn tiếp tục đè nặng lên vai trẻ em. 

Ngọc Hạ

 

 

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI