Xét xử vụ trường Gateway: Nhân viên không có hợp đồng, giáo viên không mở được phần mềm quản lý học sinh

14/01/2020 - 13:11

PNO - Tại phần xét hỏi sáng nay, bà Quy khai không ký hợp đồng mà chỉ có "thoả thuận miệng" với công ty đưa đón, còn giáo viên chủ nhiệm ở trường Gateway thì cho biết không mở được phần mềm quản lý học sinh.

Sáng 14/1, TAND quận Cầu Giấy (Hà Nội) mở phiên tòa xét xử vụ việc cháu Lê Hoàng Long (6 tuổi) học sinh tại trường Gateway tử vong trên xe đưa đón. 3 bị cáo bị đưa ra xét xử là Doãn Quý Phiến (sinh năm 1966, tài xế lái xe đưa đón), Nguyễn Bích Quy (sinh năm 1964, người đưa đón học sinh) và Nguyễn Thị Thủy (giáo viên chủ nhiệm).

Làm việc bằng "thoả thuận miệng", không có hợp đồng, không được tập huấn

Trả lời câu hỏi của HĐXX, bà Nguyễn Bích Quy cho biết mình từng làm nhiệm vụ đưa đón học sinh trường Gateway vào tháng cuối năm 2018, sau đó nghỉ một thời gian. Khi bà Quy quay lại làm công việc đưa đón học sinh cho Công ty Ngân Hà được 2 ngày thì xảy ra vụ việc đau lòng.

Tại tòa, bị cáo Quy khẳng định không ký hợp đồng với Công ty Ngân Hà mà chỉ "thỏa thuận miệng" với Phó giám đốc Công ty Ngân Hà là ông Đoàn, để đi theo xe làm nhiệm vụ đưa đón học sinh.

"Anh Đoàn có hướng dẫn cụ thể công việc thế nào không"- HĐXX hỏi.

Trả lời câu hỏi này, bị cáo Quy cho biết mình không được tập huấn gì khi làm việc cho Công ty Ngân Hà, chỉ nhận lương 2,8 triệu đồng/tháng.

Bị cáo Nguyễn Bích Quy
Bị cáo Nguyễn Bích Quy

Tuy nhiên tại tòa, ông Lê Đoàn cho rằng năm học 2018-2019 trường Gateway có tổ chức tập huấn. Chương trình tập huấn này được trường gửi thông báo qua công ty bằng email.

"Công ty Ngân Hà cũng đã thông báo cho bị cáo Phiến và Quy về buổi tập huấn này nhưng họ đều nói nhà bận việc. Ngoài ra, tôi đã trao đổi riêng với bà Quy về quy chế mới và lịch trình đưa đón học sinh của trường Gateway. Tôi có nói mình không làm cái sơ cứu vì nó rất nguy hiểm, thêm nữa nếu để quên học sinh dưới 10 phút sẽ bị phạt 1 triệu đồng", ông Đoàn nói.

Còn về tài xế Phiến, ông Đoàn cho biết, trong buổi gặp mặt tại quán cà phê để trao đổi kế hoạch năm mới, công ty cũng có thông báo và trao đổi về nhiệm vụ với tất cả các nhân viên trong công ty.

Giáo viên chủ nhiệm không nắm rõ phần mềm quản lý học sinh

Đến phần xét hỏi với giáo viên chủ nhiệm Nguyễn Thị Thủy, bị cáo này trả lời một cách nhát ngừng, khó nghe trước những câu hỏi của HĐXX. Nguyễn Thị Thuỷ cho biết, mình được nhà trường tập huấn từ năm 2015 về việc quản lý học sinh. Trong ngày xảy ra vụ việc, bị cáo đã không liên hệ với phụ huynh học sinh khi cháu Long vắng mặt, mà chỉ báo với giáo vụ cháu Long vắng mặt.

"Với học sinh vắng không phép thì cần phải làm gì? Bị cáo có liên hệ với phụ huynh không?" - HĐXX đặt câu hỏi.

"Ngày hôm đó là triển khai năm học mới bận nhiều việc quá nên bị cáo xao nhãng việc đó (liên hệ phụ huynh - PV)", bị cáo Thủy nói.

Bị cáo này cũng khai rằng, ngày 7/8/2019, khi cơ quan điều tra làm việc với trường Gateway, có yêu cầu bị cáo mở phần mềm quản lý học sinh Sycamore. Bị cáo Thủy không mở được phần mềm nên đã gọi giáo vụ để nhờ chụp ảnh nội dung bên trong và khi đó mới biết được cháu Long được đánh dấu nghỉ học không phép.

Bà Thủy trả lời trước tòa
Bị cáo Nguyễn Thị Thủy trả lời trước tòa

Về việc sử dụng phần mềm quản lý học sinh Sycamore, bà Bùi Thị Lệ Hằng - Hiệu trưởng trường Gateway - cho biết, trong năm học mới nhà trường có tổ chức tập huấn sử dụng cho giáo viên chủ nhiệm, chính bà Hằng chịu trách nhiệm việc tập huấn. Theo đó, có khoảng 20 đầu mục giáo viên phải làm hàng ngày, cụ thể là đầu giờ sáng là điểm danh, kiểm tra đồng phục và thẻ học sinh...

Sau đó, giáo viên chủ nhiệm sẽ điểm danh và ghi lên bảng sĩ số, tên học sinh vắng mặt, có phép hay không phép rồi cập nhật vào phần mềm để báo lên hệ thống. Trong hướng dẫn cũng ghi rõ phần liên hệ với giáo viên nhà trường trong trường hợp nào. 

"Việc giáo viên Thủy trình bày tại tòa, thể hiện chưa thành thạo thao tác trên phần mềm. Thực tế diễn ra vào ngày xảy ra vụ việc là không tự cập nhật được, sau đó phải nhờ giáo vụ Trang. Cô giáo Thủy lại chịu trách nhiệm tập huấn cho phụ huynh, nhà trường thấy thế nào?" - HĐXX hỏi.

"Chúng tôi đã thông báo rõ cho phụ huynh và giáo viên là sẽ có IT sẵn sàng hỗ trợ" - bà Hằng nói.

Trước những lời khai của các bị cáo và nhân chứng, trong phần ý kiến của mình, gia đình cháu Lê Hoàng Long cho rằng cái chết của bé Long còn nhiều điều chưa sáng tỏ, không logic, đề nghị HĐXX làm rõ những nội dung, uẩn khúc mà gia đình muốn làm rõ.

An Vũ

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI