Vừa phát hành, sách của GS Phan Văn Trường đã tái bản

10/07/2022 - 17:13

PNO - Cuốn sách "Công dân toàn cầu - Công dân vũ trụ" của GS Phan Văn Trường được tái bản ngay khi vừa ra mắt. Các tác phẩm của ông được nghe nhiều trên Fonos.

GS Phan Văn Trường tại buổi ra mắt sách vào sáng ngày 10/7
GS Phan Văn Trường tại buổi ra mắt sách vào sáng ngày 10/7

Công dân toàn cầu - Công dân vũ trụ là cuốn sách thứ 4 của GS Phan Văn Trường, sau bộ ba cuốn Một đời thương thuyết, Một đời quản trị và Một đời như kẻ tìm đường (thuộc bộ sách Kết tinh một đời, Nhà xuất bản Trẻ ấn hành).

GS Phan Văn Trường là cố vấn thường trực của chính phủ Pháp về thương mại quốc tế từ thập niên 1990. Ông hai lần được Tổng thống Pháp phong Hiệp sĩ (Đài Ghi Công - 1990, Bắc Đẩu Bội Tinh - 2006) và được Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam tặng Huy chương Vì sự nghiệp giáo dục (2010).

Những cuốn sách ông viết đều được đông đảo bạn đọc trẻ đón nhận, các tựa sách đã được tái bản nhiều lần. Tác phẩm mới nhất Công dân toàn cầu - Công dân vũ trụ vừa phát hành đã được tái bản ngay sau đó, tổng số bản in tính đến thời điểm hiện tại là 5.000 bản.

Bà Thái Minh Châu, Giám đốc đối ngoại Fonos, cho biết các bản sách nói của bộ sách Kết tinh một đời cũng thu hút đông đảo bạn đọc tìm nghe trên ứng dụng Fonos.

Buổi ra mắt sách Công dân toàn cầu - Công dân vũ trụ tại Nhà văn hóa Thanh Niên vào sáng ngày 10/7, rất đông bạn trẻ đã đến nghe GS Phan Văn Trường chia sẻ về "công dân toàn cầu". Ông đã nhìn nhận khái niệm này theo góc nhìn hoàn toàn mới và đặc biệt, ông kiến giải khái niệm mới mẻ: "công dân vũ trụ".

GS Phan Văn Trường cho biết ông chuẩn bị viết cuốn sách tiếp theo Công dân toàn cầu - Công dân vũ trụ
GS Phan Văn Trường cho biết ông chuẩn bị viết cuốn sách tiếp theo sau Công dân toàn cầu - Công dân vũ trụ

Công dân toàn cầu theo giáo sư Phan Văn Trường là một "phong thái văn hóa". Họ có thể không cần phải là những người đã du học, làm việc xuyên quốc gia mà những gì họ đã và đang làm truyền tải và lan tỏa những thông điệp có ý nghĩa về những vấn đề toàn cầu. Đây không phải là định nghĩa của khoa học mà là một cách hiểu trong sự nhìn nhận rộng mở của GS về khái niệm này.

"Công dân toàn cầu yêu địa cầu, không tự giới hạn dưới những biên giới giả tạo, tôn trọng mọi người và sinh vật y như chính mình; người công dân toàn cầu tạo giá trị, không phá giá trị và luôn tích cực, có tư duy thương thảo và thỏa hiệp; hiếu kỳ và hiếu học, siêng năng tự học suốt đời..." - những phẩm cách chuẩn mực của "công dân toàn cầu" được nêu trong cuốn sách cũng là những giá trị phẩm cách của con người.

"Hai bàn tay này đang mang giá trị gì để tạo nên sự thay đổi tích cực cho toàn thế giới" - lời của Arkita R.Tyner, được trích dẫn trong cuốn sách. Những trang viết cho người đọc sự tự nhận thức về vai trò và giá trị của mỗi người trong thời đại sống, trước những vấn đề toàn cầu, ý nghĩa về những đóng góp có thể của mỗi cá nhân...

Đông đảo bạn trẻ yêu thích tác phẩm của GS
Đông đảo bạn trẻ yêu thích tác phẩm của GS Phan Văn Trường

Trong cuốn sách, tác giả kể câu chuyện về một doanh nhân người Mexico, một phụ nữ Pháp gốc Việt, một chú bé cần mẫn nhặt rác làm sạch bãi biển Nha Trang... Họ, với những giá trị tạo ra, những hành động dẫu nhỏ bé đều là cùng nhau xây dựng, kiến tạo và bảo vệ hành tinh xanh.

Công dân toàn cầu - Công dân vũ trụ cho người đọc tiếp nhận những giá trị phổ quát, lớn lao nhưng lại được dẫn dắt cuốn hút, bằng những câu chuyện/con người cụ thể và những kiến giải đầy giá trị.

"Mẫu người kế tiếp "công dân toàn cầu" sẽ là con người sống cách giãn mọi thứ, nhưng vẫn rất gần, ở làng quê nhưng vẫn tạo được những giá trị mà người ta tưởng rằng chỉ trong đô thị mới tạo được. Con người mẫu mới này sẽ có thời gian làm việc với hiệu năng cao hơn khi được sống bên bờ suối, xem mẹ vịt nuôi con, xem sương mai tô son cho những nụ hoa dại bên đường, trở lại với các món ăn dân dã, hít sâu, hít mạnh khí trời lành.

Những người này sẽ làm cho cỏ cây vui tươi hơn, sinh vật nhộn nhịp hơn. Những người này sẽ tạo nên sự êm đềm trong niềm vui tự tại, tự lập, tự quản và tự do. Hạnh phúc của họ là do chính vũ trụ nhắc nhở họ phải trân quý và đưa lên hàng ưu tiên của cuộc sống, chứ không phải là sự chồng chất của cải để rồi có quá nhiều và không biết để làm gì" - một góc nhìn và diễn giải về "mẫu người mới" đã và đang hình thành, mà GS Phan Văn Trường gọi họ là "công dân vũ trụ", những người đang góp phần xây đắp và tái tạo, bảo vệ hệ sinh thái.

Song Giang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI