Vừa đẩy mạnh tiêm vắc-xin, vừa chủ động phòng lây nhiễm

06/05/2021 - 05:57

PNO - Trao đổi với phóng viên Báo Phụ Nữ TPHCM, phó giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ Bùi Quang Vinh (Trường đại học Y Dược TP.HCM) đưa ra những phân tích liên quan đến vắc-xin mà theo ông, người dân cần hiểu và thực hiện trong tình hình cấp bách hiện nay, bên cạnh các biện pháp phòng dịch theo nguyên tắc 5K của Bộ Y tế.

Vắc-xin cũng có tác dụng điều trị 

Phóng viên: Người dân vẫn có tâm lý e ngại với việc tiêm vắc-xin ngừa COVID-19 dù theo Bộ Y tế, phản ứng sau tiêm vắc-xin COVID-19 tại Việt Nam thấp tương đương khuyến cáo. Xin ông cho biết ý kiến về vấn đề này?

Ông Bùi Quang Vinh: Bản chất vắc-xin là chủ động đưa tác nhân gây bệnh xâm nhập vào cơ thể, giúp hình thành kháng nguyên chống lại vi-rút. Tác dụng phụ của vắc-xin AstraZeneca tại Việt Nam khá ít.

Hiện có sáu loại vắc-xin COVID-19, gồm vắc-xin siêu vi chết (whole inactivated virus), tỷ lệ hình thành kháng thể của loại này không cao; vắc-xin siêu vi sống giảm độc lực (live attenuated virus), ví dụ các vắc-xin của Trung Quốc; vắc-xin siêu vi mang vector, là vắc-xin mang gen mã hóa cho protein gai, loại này hiện có vắc-xin AstraZeneca (Anh/Thụy Điển), Johnson & Johnson (Mỹ), Sputnik V (Nga) và CanSino (Canada phối hợp Trung Quốc sản xuất nhưng giữa chừng bị hủy bỏ); vắc-xin di truyền (genetic vaccine) chứa mRNA mã hóa cho protein gai trong vỏ nanolipid, loại này hiện có vắc-xin Pfizer và Moderna (Mỹ); vắc-xin protein gai từ các tiểu đơn vị (protein subunit vaccine) như vắc-xin Novavax của Canada đang thử nghiệm, chưa được chấp thuận; vắc-xin phân tử giống vi-rút (virus-like particle vaccine) đã lấy mất nhân RNA, loại này hiện chưa có.

Trước đại dịch COVID-19, đối với các bệnh truyền nhiễm khác, chỉ có vắc-xin loại một, hai và năm được sử dụng. Hai vắc-xin loại ba và bốn chưa từng được chấp thuận dùng rộng rãi. Cho đến nay, hiệu quả sinh kháng thể trung hòa theo báo cáo của từng vắc-xin là: Pfizer đạt 95%, Moderna 94%, Johnson & Johnson 66%, Oxford/AstraZeneca 67%, Sputnik V 92% và các vắc-xin do Trung Quốc sản xuất xấp xỉ 50%. 

Tác dụng phụ của các vắc-xin phòng COVID-19 có thể chia thành ba nhóm: nhóm tại chỗ như phản ứng viêm sưng, nóng, đau nhức; nhóm liên quan vi-rút adeno mang vector như sốt, đau nhức, mệt mỏi, rối loạn hô hấp, rối loạn tiêu hóa và nhóm hiếm gặp như huyết khối tĩnh mạch hang ở não, huyết khối tĩnh mạch lách hay thường gọi là đông máu.

Ấn Độ “chết” chính là bài học về sự chần chừ tiêm vắc-xin. Sau đó, số ca bùng lên như vũ bão đã làm hệ thống y tế gãy đổ vì không đủ máy thở, ô-xy… Tôi thấy có một điều đáng chú ý liên quan vắc-xin COVID-19, đó là có một tỷ lệ nhất định người được tiêm không gặp biến chứng nặng nếu nhiễm vi-rút. Nghe có vẻ nghịch lý nhưng xin nhắc lại, một loại vắc-xin như của Johnson & Johnson chỉ tạo ra 66% kháng thể bảo vệ; những người trong khoảng 34% còn lại nếu mắc COVID-19 đều nhẹ, không dẫn đến tử vong. Có nghĩa là, dù không có hiệu quả chống lây nhưng nó lại có khả năng phòng ngừa các biến chứng nặng của bệnh. Điều này được giải thích là, có thể bản thân vi-rút COVID-19 gây ra các hoạt động miễn dịch nào đó có lợi, giúp cho bệnh nhân nếu có mắc cũng không biến chứng nặng hoặc 
tử vong.

* Ý ông là vắc-xin COVID-19 cũng có tác dụng tương tự như một loại thuốc điều trị?

- Đúng. Hiện ở Mỹ, chưa có trường hợp tử vong trên những người tiêm vắc-xin Johnson & Johnson. Có người bị lây nhưng chỉ ở mức độ nhẹ. Tuy nhiên, tất cả còn là giả thuyết, chưa có bằng chứng rõ ràng.

Đến lúc này, chúng ta có thể nghĩ đến tình huống tích cực là sau khi đột biến, vi-rút thường sẽ “hiền” đi, nhưng chưa biết chắc chắn về mặt thời gian. Hiện nay, người ta vẫn chưa xác định được gen độc tính của COVID-19, chưa hiểu biết hết về cơ chế sinh lý bệnh cực kỳ phức tạp của nó. Việc xác định độc tính có ý nghĩa quan trọng vì từ đó, có thể tìm ra thuốc điều trị hay vắc-xin hoặc để chẩn đoán chính xác hơn.

 

 phó giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ Bùi Quang Vinh
Phó giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ Bùi Quang Vinh

Tiếp tục khống chế lây nhiễm trong cộng đồng 

* Hiện đợt bùng phát thứ tư của đại dịch COVID-19 đang quét qua châu Á. Ông dự báo thế nào về tình hình dịch ở Việt Nam?

- Dự đoán tương lai là một điều khó khăn, dự đoán về COVID-19 lại càng khó. COVID-19 mang đặc tính của nhiều loại vi-rút khác nhau. Còn rất nhiều điều bí ẩn về nó, nhất là nguồn gốc và cơ chế sinh lý bệnh trên phổi hoặc ngoài phổi, về khả năng gây ảnh hưởng của vi-rút trước mắt và lâu dài, cũng như quy luật tiến hóa của vi-rút. Người ta chưa biết bao giờ nó bất động và bao giờ giảm tỷ lệ tử vong. Thông thường là 18 tháng nhưng có lẽ trong trường hợp này, chúng ta cũng không thể tiên đoán được nhiều.

Tôi chỉ có thể nói rằng, dấu hiệu cho thấy đại dịch suy yếu là khi tỷ lệ tử vong giảm hẳn ở từng quốc gia và trên toàn thế giới. Đại dịch sẽ chấm dứt khi chúng ta có miễn dịch cộng đồng. Và điều này lại phải bàn về tỷ lệ tiêm vắc-xin theo từng quốc gia. Nếu theo điều kiện nhỏ giọt như hiện tại, chỉ có một số nước như Mỹ, Anh và Israel mới đạt được miễn dịch cộng đồng nhanh. Còn lại, hầu hết nhân loại phải cần đến 6-7 năm nữa mới có thể đạt tỷ lệ miễn dịch cộng đồng từ 60-70% trở lên để từ đó giảm dịch.

Khi chưa có vắc-xin, Việt Nam may mắn và nỗ lực thành công trong việc giảm tỷ lệ lây nhiễm trong cộng đồng gần như bằng không. Do đó, theo tôi, chúng ta vẫn phải tiếp tục cố gắng khống chế tỷ lệ nhiễm trong cộng đồng bằng không, đồng thời giữ cho không có ca nào tử vong kể từ tháng 8/2020, khi dịch bùng phát ở Đà Nẵng.

Nếu bị lây nhiễm từ nước ngoài vào và trong điều kiện không tạo được nhanh miễn dịch cộng đồng, dịch sẽ bùng lên chẳng kém gì ở Campuchia hay Lào gần đây. Nếu để xảy ra nặng như Campuchia thì tình huống xấu nhất sẽ như Vũ Hán, tác hại cực lớn lên kinh tế, sinh mạng và ảnh hưởng lâu dài. Nhưng cho dù chúng ta khống chế tốt mà xung quanh vẫn bị nhiễm ồ ạt thì khả năng đợt thứ tư này sẽ khó khống chế vào tháng Sáu. 

* Nhà nước có nên đẩy mạnh sản xuất, nhập khẩu vắc-xin bên cạnh các biện pháp vẫn làm, thưa ông?
- Một số ca như hồi cuối tháng Giêng ở Hải Dương cho thấy, có việc để nguồn lây từ bên ngoài vào Việt Nam. Và bài học từ Ấn Độ cho thấy, nước nào cũng có nguy cơ xuất hiện ca mắc trong cộng đồng. Vì thế, đúng là phải đẩy mạnh tiêm vắc-xin. Nhưng vấn đề là, hiệu quả của từng loại vắc-xin khác nhau và tất cả đều không đạt 100%. Vì vậy, vẫn phải kết hợp biện pháp khẩu trang, giữ khoảng cách an toàn, cấm tụ tập đông người và hạn chế các lễ hội không cần thiết.

Dịch có thể ngưng sớm sau 18-24 tháng nhưng cũng có thể kéo dài nhiều năm trước khi trở thành cúm mùa. Điều này phụ thuộc vào tỷ lệ nhiễm của từng quốc gia, tỷ lệ hình thành miễn dịch sau bệnh hoặc do tiêm chủng, tỷ lệ xét nghiệm sàng lọc và các biện pháp đeo khẩu trang, giãn cách cho từng cá nhân, các biện pháp hạn chế tập trung, cách ly trong cộng đồng và cả tỷ lệ các biến chủng lây nhanh cũng như thời tiết... 
* Xin cảm ơn ông. 

Quốc Ngọc (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI