Vụ lao động Việt Nam tử vong tại Đài Loan: Nỗi đau người ở lại

09/07/2017 - 19:46

PNO - Từ khi nhận được tin chồng mất tại biển Đài Loan, chị Tiếp không dậy nổi khỏi giường, các y bác sỹ của trạm xá phải chuyền nước liên tục. Cứ tỉnh dậy là chị đòi đi tìm chồng, khóc nghẹn rồi lại ngất lịm.

Trong những ngày qua, không khí buồn đau, tang tóc bao trùm lên những làng quê nghèo của hai tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh. Những người dân chân chất vì cuộc sống mưu sinh, họ chấp nhận làm lao động “chui” sang xứ người. Chuyến đi định mệnh đầy rủi ro đã khiến những con người ấy rời xa mãi quê hương, gia đình.

Chuyến đi định mệnh của những lao động “chui”

Ngày 30/6, Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Quảng Châu (Trung Quốc), ông Vũ Hoàng đã cấp giấy phép nhập cảnh tro cốt của anh Đào Sỹ Hùng (28 tuổi, trú tại xã Kỳ Giang, huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh) theo đơn đề nghị của ông Đào Hữu Thiên (48 tuổi, bố anh Hùng).

Vu lao dong Viet Nam tu vong tai Dai Loan: Noi dau nguoi o lai
Chị Hồ Thị Tiếp (vợ nạn nhân Hùng) đau đớn khi, không gượng dậy nổi trong ngày lo hậu sự cho chồng.

Thi thể của anh Hùng được cơ quan chức năng thành phố Chu Hải, tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) phát hiện dạt vào bờ biển của thành phố này. Thông tin được báo cho Tổng lãnh sự quán Việt Nam cùng gia đình nạn nhân nhận diện, xác minh. Sau khi làm các thủ tục cần thiết, thi thể của anh Hùng được người thân đưa về nước mai táng.

Làng quê nghèo nghẹn ngào tiếng khóc của người thân nạn nhân, quặn đau khi hình hài còn chỉ là nắm tro tàn và di ảnh lạnh lẽo. Theo ông Đào Hữu Thiên (48 tuổi, bố nạn nhân) cho biết, Hùng đã có 2 đợt xuất khẩu lao động làm việc ở Đài Loan với thời gian 6 năm. Đầu năm 2017, sau khi hết phép đợt 2, Hùng trở về nhà và được bạn bè giới thiệu cho một người môi giới tên là Minh Đen (trú tại huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang) để nhờ làm thủ tục sang Trung Quốc rồi vượt biên bằng đường biển qua Đài Loan với chi phí 40 triệu đồng.

Đạt thỏa thuận với người môi giới, Hùng cùng với một người khác ở huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh) lên xe rời xa quê hương để tiếp tục kiếp mưu sinh tại xứ người. Cuối tháng 2/2017, 23 lao động từ các tỉnh Hà Tĩnh, Nghệ An, Quảng Trị, Hải Phòng, Bắc Giang... có mặt tại Hà Nội, tại đây, các lao động nộp cho người môi giới số tiền từ 40 đến 50 triệu. Ngày 31/3, họ sẽ lên tàu vượt biên. Sau khi sang tới Trung Quốc, họ tiếp tục mua một tàu biển cũ rồi vượt biển sang Đài Loan làm việc. Tuy nhiên, đến gần bờ biển của Đài Loan thì con tàu bị nạn, những người trên tàu bị mất tích.

Vu lao dong Viet Nam tu vong tai Dai Loan: Noi dau nguoi o lai
Vợ con anh Hùng trong giây phút đưa tiễn chồng, cha về nơi an nghỉ cuối cùng.

Đầu tháng 4, gia đình ông Thiên không thấy con trai gọi điện về và mất liên lạc từ ngày vượt biên. Đến giữa tháng 6, một người ở Quảng Bình sang Trung Quốc nhận thi thể con và có chụp ảnh các nạn nhân gặp nạn cùng con của họ. Người này sau đó đăng hình ảnh các nạn nhân lên Facebook để nhờ tìm người thân cho các nạn nhân xấu số. Cũng từ nguồn tin này, gia đình ông Đào Hữu Thiên thấy có hình ảnh con mình nên tá hỏa bắt xe ra nhà của người môi giới ở Bắc Giang để nắm rõ lại tin tức.

“Tại nhà người này, tôi chỉ biết được con gái họ nói với gia đình khi lên tàu có tất cả 21 người Việt Nam. Cho đến khi nhận được tin báo từ lãnh sự Bộ Ngoại giao, mới tìm được 13 thi thể chủ yếu là người Nghệ An và Bắc Giang. Hiện 7 thi thể đã được người thân sang nhận về, 6 thi thể còn lại vẫn chưa xác định được danh tính các nạn nhân vì không có giấy tờ tùy thân”, ông Thiên cho biết thêm.

Quặn đau người ở lại

Trong tang lễ đưa tiễn anh Hùng, mọi người rơi nước mắt, ngậm ngùi trước tiếng khóc xé lòng của người vợ trẻ và đứa con thơ 8 tuổi. Chị Hồ Thị Tiếp (vợ anh Hùng) vùng vẫy khỏi sự níu giữ của người thân để mong được ôm tro tàn thi thể chồng lần cuối. Vật vã, ngã quỵ trên đường, phút ly biệt đưa chồng lên đường mưu sinh vào 5 tháng trước giờ đây là khoảng cách âm dương. Đứa con thơ 8 tuổi, con quá nhỏ để hình dung nỗi đau mất cha, thấy mẹ khóc quằn quại bên nấm mồ mới được đắp lên, ôm di ảnh cha trên tay, con nhìn người qua lại đắp nắm đất lên hài cốt đã nằm lạnh lẽo dưới kia.

Nằm quằn quại trên giường, chị Tiếp nén nỗi đau: “Khi anh Hùng ra tới Bắc Giang thì gọi điện về báo tin rằng, sẽ ở lại Bắc Giang khoảng 1 tuần để chờ các lao động khác về tập trung đông đủ. Cuối tháng 3 thì anh Hùng qua đến Trung Quốc và gọi điện thoại về báo tin lần nữa, nói ở bên đó đang có bão nên chưa thể lên thuyền được. Đến ngày 31/3, anh Hùng gọi điện về cho biết là mọi người quyết định lên tàu để vượt biên. Anh ấy căn dặn tôi ở nhà giữ gìn sức khỏe lo cho con ăn học, anh ấy đi kiếm tiền ít năm sẽ về”. Nước mắt chảy dài trên đôi má gầy của người thiếu phụ.

“Từ khi nhận được tin chồng mất tại biển Đài Loan, chị Tiếp không dậy nổi khỏi giường, các y tá, bác sỹ của Trạm xá phải chuyền nước liên tục. Cứ tỉnh dậy là chị ấy đòi đi tìm chồng, khóc nghẹn rồi lại ngất lịm. Đứa con 8 tuổi, nó nhỏ như thế có biết gì đâu. Anh em, hàng xóm thay nhau túc trực, hỗ trợ gia đình qua giai đoạn khó khăn”, một hàng xóm cho biết thêm.

Cũng giống như nỗi đau của gia đình nạn nhân Hùng, ông Trần Ngọc Bá - người nhà của nạn nhân Lưu Xuân Hòa (SN 1990, trú tại xã Nam Lộc, huyện Nam Đàn, Nghệ An) đau đớn kể lại phút giây Hòa ra đi mưu sinh nơi quê người. Ông Bá kể: “Ngày nó nói đi làm việc ở Đài Loan, gia đình vay mượn tiền cho nó đóng góp tiền đi, hi vọng khi nó về sẽ có cuộc sống mới, không còn khó khăn như cha mẹ, nào ngờ nhận tin báo từ Bộ Ngoại giao báo tin đi xác minh xét nghiệm ADN, tìm nhân thân của nạn nhân. Gia đình gục ngã hoàn toàn”.

Vu lao dong Viet Nam tu vong tai Dai Loan: Noi dau nguoi o lai
Gia đình nạn nhân Lưu Xuân Hòa đợi chờ xác minh tin tức tử nạn của người thân.

Theo đó, vào chiều 7/7, Bộ Ngoại giao Việt Nam phát thông cáo về thông tin liên quan đến công dân Việt Nam thiệt mạng khi đang vượt biên từ Trung Quốc sang Đài Loan bằng thuyền đánh cá.

“Theo thông tin từ Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Quảng Châu (Trung Quốc), thời gian qua, ngư dân Trung Quốc tại Sán Vĩ, Chủ Hải (thuộc tỉnh Quảng Đông), đã vớt được thi thể của 9 người nghi là công dân Việt Nam bị thiệt mạng tại vùng biển khu vực này”, thông cáo nêu.

Ngay sau khi nhận được những thông tin trên, Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Quảng Châu đã phối hợp với các cơ quan chức năng Trung Quốc và trong nước xác minh, phối hợp cùng gia đình các nạn nhân đối chiếu mẫu ADN. Qua đó đã xác định được 7 thi thể là người Việt Nam, trong đó có 3 nạn nhân ở Nghệ An, 2 nạn nhân ở Quảng Bình, 1 nạn nhân ở Hải Dương, 1 người ở Hà Tĩnh. 2 thi thể vẫn chưa xác định được danh tính. Tổng Lãnh sự quán đã hỗ trợ thân nhân những người bị nạn sang Trung Quốc đưa di hài về nước.

Bộ Ngoại giao sau khi nhận được yêu cầu của 7 gia đình đề nghị tìm người thân bị mất tích đã chỉ đạo Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Quảng Châu liên hệ và đề nghị các cơ quan chức năng Trung Quốc tiếp tục hỗ trợ tìm kiếm và sớm thông báo cho phía Việt Nam.

“Các cơ quan chức năng của Trung Quốc cho biết, gần đây vùng biển này có hiện tượng tổ chức đưa người vượt biên sang Đài Loan bằng thuyền đánh cá. Các cơ quan chức năng của Việt Nam đang phối hợp điều tra vụ việc”, thông cáo của Bộ Ngoại giao nêu rõ.

Phan Quỳnh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI