Thái Lan tiếp nhận lao động Việt Nam làm nghề đánh bắt cá, xây dựng

14/11/2015 - 07:51

PNO - Chính phủ Thái Lan thông báo qua tờ trình của Bộ Lao động nước này liên quan đến việc nhập khẩu lao động từ các nước ASEAN, trong đó có Việt Nam.

Để giúp người lao động (NLĐ) hiểu rõ hơn vấn đề này, PV báo Phụ Nữ đã trao đổi với bà Trần Thị Vân Hà - Trưởng phòng Thông tin (Cục quản lý lao động ngoài nước, Bộ LĐ - TB - XH).

* Đây là một tin vui người lao động Việt Nam (VN) chờ đợi thời gian qua, bà có thể cho biết cụ thể?

- Thái Lan (TL) cho phép NLĐ VN sang TL với visa du lịch trước ngày 10/2/2015 được đăng ký và hoàn tất các thủ tục để được LĐ hợp pháp tại nước này trong thời gian một năm. Những người nhập cảnh vào TL sau thời điểm trên sẽ phải về nước. Mức phí thị thực đối với LĐ VN sẽ giảm từ 2.000 baht (khoảng 57 USD hoặc 1.240.000 VNĐ) xuống còn 500 baht, ngang bằng mức dành cho LĐ từ Myanmar, Lào và Campuchia làm việc tại TL.

Tuy nhiên, chỉ những NLĐ đủ điều kiện theo quy định trong biên bản ghi nhớ về hợp tác LĐ giữa TL và VN mới được phép vào TL làm việc. Ngoài ra, NLĐ VN muốn xin giấy phép làm việc phải qua kiểm tra y tế và mua bảo hiểm y tế của Bộ Y tế TL trong thời gian được ấn định tại giấy phép làm việc. Quy định này cũng được áp dụng với các LĐ Myanmar, Lào và Campuchia.

Thai Lan tiep nhan lao dong Viet Nam lam nghe danh bat ca, xay dung
Bên cạnh việc xuất khẩu lao động sang Đài Loan, Trung Quốc, Nhật Bản... sắp tới người lao động Việt Nam có cơ hội làm việc tại Thái Lan theo ghi nhớ hợp tác giữa hai nước - Ảnh minh họa: P. Huy

* Trước đó, Bộ trưởng Bộ Lao động TL cùng Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH VN đã ký kết bản ghi nhớ về hợp tác LĐ và bản thỏa thuận về phái cử, tiếp nhận LĐ giữa hai nước, bà có thể giới thiệu thêm về thị trường LĐ TL?

- TL hiện đang thiếu hụt LĐ có chuyên môn, tay nghề và LĐ phổ thông ở nhiều lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực xây dựng, LĐ kỹ thuật cao. Do nguồn cung LĐ trong nước không đáp ứng được nên nhu cầu tiếp nhận LĐ nước ngoài rất lớn.

TL đã thu hút một số lượng lớn LĐ trong lĩnh vực quản lý và LĐ lành nghề từ nhiều quốc gia như Nhật Bản, Trung Quốc, Ấn Độ, Philippines, Anh, Bắc Ireland và Hoa Kỳ. Bên cạnh đó, TL còn thu hút LĐ nước ngoài với mức lương thấp từ các quốc gia có chung biên giới như Myanmar, Campuchia, Lào…

Theo ước tính của các cơ quan chức năng TL, số lượng người VN đang làm ăn tại đây khoảng hàng chục ngàn người. Số LĐ này sang TL dưới hình thức miễn thị thực giữa hai nước rồi tìm cách ở lại tìm việc làm bất hợp pháp, chủ yếu làm các công việc phổ thông như phục vụ tại các nhà hàng, bán hàng, giúp việc gia đình… Do sang làm việc trái phép nên điều kiện làm việc và quyền lợi của họ không được đảm bảo, dễ gặp rủi ro.

* Danh chính ngôn thuận sang TL làm việc thay vì làm việc trái phép như trước, LĐ VN sẽ được bảo vệ theo khung pháp lý nào, thưa bà?

- Việc ký bản ghi nhớ về hợp tác LĐ và thỏa thuận về phái cử và tiếp nhận LĐ giữa VN và TL sẽ mở ra cơ hội cho LĐ VN đi làm việc hợp pháp tại TL. Đây là khung pháp lý cho hoạt động phái cử LĐ VN sang làm việc hợp pháp tại TL và cũng là căn cứ pháp lý để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của LĐ VN đi làm việc tại quốc gia này.

Thỏa thuận này có 15 điều, quy định các cơ quan có thẩm quyền của hai chính phủ; quyền và trách nhiệm của NLĐ; quyền và trách nhiệm của người sử dụng LĐ; quy trình phái cử và tiếp nhận LĐ; hợp đồng LĐ; định hướng và đào tạo; visa, giấy phép LĐ và các dịch vụ y tế; giải quyết tranh chấp...

Theo đó, LĐ VN đi làm việc tại TL theo thỏa thuận này sẽ được đối xử như NLĐ bản địa, dựa trên các nguyên tắc cơ bản về không phân biệt đối xử và bình đẳng, không phân biệt giới tính, sắc tộc và khác biệt tôn giáo; được bảo vệ và hưởng các quyền và lợi ích phù hợp với HĐLĐ, luật LĐ và các quy định hiện hành của TL.

* Với việc ký kết này, chúng ta sẽ đưa LĐ VN sang nước bạn thí điểm ở nghề nào? Dự kiến mức lương ra sao?

- Với thỏa thuận này, trong thời gian tới, LĐ VN có cơ hội trong nhiều ngành nghề kỹ năng thấp mà TL đang thiếu hụt, trước mắt thỏa thuận sẽ áp dụng thí điểm cho hai nghề là xây dựng và đánh bắt cá. Về tiền lương, tại TL, chính phủ không xây dựng mức lương tối thiểu toàn quốc mà áp dụng lương tối thiểu theo từng vùng.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI