Vụ Hồng Tỷ Nam Kinh: Chỉ đơn giản là quan hệ đổi chác?

12/07/2025 - 15:59

PNO - Tôi nghĩ không có nỗi cô đơn nào trong vụ việc “Hồng Tỷ” và 1.691 nạn nhân, chỉ có một hiện thực: người ta rơi vào bẫy lừa vì người ta “muốn”!

Vụ việc Hồng Tỷ - người đàn ông 38 tuổi ở Nam Kinh (Trung Quốc) giả gái để lừa tình và quay lén gần 1.691 người đàn ông không - chỉ gây chấn động vì quy mô, thủ đoạn lừa đảo quá đơn giản mà còn làm bùng lên nhiều tranh luận, phân tích tâm lý: Đâu là lý do khiến hàng ngàn người đàn ông dễ dàng cho qua giới tính thật của “Hồng Tỷ” để ở lại “vui vẻ”.

Những người đàn ông đến với Hồng Tỷ không phải vì cô đơn mà vì để thỏa mãn nhu cầu tình dục với chi phí rất thấp, đôi khi chỉ là 1 con cá
Có ý kiến cho rằng những người đàn ông đến với "Hồng Tỷ" không phải vì cô đơn mà vì để thỏa mãn nhu cầu tình dục với chi phí rất thấp, đôi khi chỉ là 1 con cá

Không ít lập luận trên mạng xã hội cho rằng đây là hệ quả của một xã hội mất cân bằng giới tính, quá nhiều đàn ông không thể lấy vợ hay có người yêu vì nghèo, vì phụ nữ có quyền kén chọn nên ham vật chất, đàn ông mất lòng tin vào tình yêu chân thành, chỉ còn biết tìm kiếm sự an ủi nhất thời... Tuy nhiên, tôi lại thấy bản chất vụ việc này đơn giản hơn nhiều: Đàn ông tới với "Hồng Tỷ" chỉ đơn thuần để thỏa mãn nhu cầu sinh lý.

Việc không ít người đàn ông có học thức, có bạn gái, có gia đình, đã đồng thuận quan hệ dù đã biết rõ “Hồng Tỷ” là trai giả gái, thậm chí quay lại nhiều lần, cho thấy rằng điều níu giữ họ không phải là một “tâm hồn biết cảm thông”, mà là kỹ năng tình dục điêu luyện và sự thuận tiện, miễn phí, không ràng buộc...

Nếu lý giải theo hướng như vậy, những lời ngọt ngào, sự tán dương mà “Hồng Tỷ” dành cho những người đàn ông không nhằm mục đích chữa lành gì cả, mà đơn giản là một kỹ năng khơi gợi để dẫn dụ các “con mồi”. Đổi lại, những người đàn ông kia cũng không cô đơn hay tổn thương gì, đơn giản họ đến, ở lại, rồi quay lại,… vì muốn được giải tỏa ham muốn với chi phí thấp (nửa can dầu ăn, 1 con cá, túi giấy vệ sinh,…).

Trong bài viết Từ câu chuyện 'Hồng Tỷ Nam Kinh' đến sự cô đơn không thể gọi tên, tác giả bày tỏ lo ngại: “Phải chăng con người ngày càng cô đơn và mất niềm tin vào tình yêu đích thực?”, theo tôi chưa hẳn là như vậy.

Không ai đang tổn thương tinh thần hay cô đơn lại tìm đến một cô gái lạ (sau hóa ra lại là đàn ông), quan hệ tình dục trong căn phòng chật hẹp như một liệu pháp tinh thần. Càng không thể viện lý do cô đơn để giải thích việc quan hệ tình dục không ràng buộc, thậm chí quay lại nhiều lần. Đó là một lựa chọn có tính toán, không phải biểu hiện của “nỗi cô đơn không thể gọi tên”.

Phải thẳng thắn nhìn nhận rằng, ngày nay nhiều người ngại đầu tư vào những mối quan hệ chân thành. Vì yêu thương thật sự thì cần thấu hiểu, cam kết và trách nhiệm; trong khi đó, quan hệ tình dục với chi phí rất thấp thì đơn giản và dễ dàng hơn nhiều. 1.691 người đàn ông ấy có lẽ không tìm kiếm tình yêu, họ tìm kiếm sự phục vụ không điều kiện - điều mà “Hồng Tỷ” cung cấp rất chuyên nghiệp.

Hồng Tỷ là tội phạm, không phải là nạn nhân của sự cô đơn hay tổn thương
Không ít người cho rằng "Hồng Tỷ" là tội phạm, không ai là nạn nhân của sự cô đơn hay tổn thương trong vụ việc này

Nêú đứng ở góc nhìn đó, “Hồng Tỷ” là tội phạm với kế hoạch lừa đảo rõ ràng. “Chị” có đến 4 năm lôi kéo, dụ dỗ, quay lén, đăng lên các nền tảng có thu phí để trục lợi. Nếu không bị phát hiện, tội ác này còn tiếp tục và số nạn nhân sẽ không dừng lại....

Tóm lại, tôi cho rằng vụ việc Hồng Tỷ phơi bày một hiện thực trần trụi: người ta rơi vào bẫy lừa vì người ta “muốn”!

Còn quan điểm của bạn thì sao? Bạn thấy gì qua vụ việc ồn ào này?

Mai Bình (Tây Ninh)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI