Vũ Cát Tường: "Con người tôi chỉ để cảm nhận, không để phân tích"

26/11/2015 - 08:01

PNO - "...Tôi không chọn cách ngồi trên núi quan sát, cũng không chọn cách chỉ lao thân trải nghiệm. Tôi chọn cả hai."

Năm lớp 7, cô học trò Vũ Cát Tường từ Long Xuyên (An Giang) lặn lội lên TP.HCM luyện piano để thi vào Nhạc viện, nhưng đành trở về vì quá tuổi cộng với việc cha đổ bệnh. Cô tự học kéo violon, học đệm guitar Ukulele, học đánh trống Bongo...

Ngày Học viện âm nhạc Soul Academy khai trương, cô đến đăng ký tham gia với lời đề nghị được đóng học phí từng đợt. Ở đó, con người âm nhạc Vũ Cát Tường như được khai phá. Ca khúc Đông (Trúc Nhân hát ở mùa Giọng hát Việt đầu tiên) là “bài thu hoạch” sau ba tháng cô học tập ở Học viện.

Còn có một Vũ Cát Tường khác - thí sinh của Giọng hát Việt mùa hai khi đang là sinh viên khoa Kỹ thuật y sinh của Đại học Quốc tế (thuộc Đại học Quốc gia TP.HCM). Cô hát Mưa nghẹn ngào cảm xúc. Á quân Giọng hát Việt, rồi Gương mặt triển vọng Làn sóng xanh, Nghệ sĩ mới triển vọng giải Cống hiến… mà cô đạt được đều chỉ là những bước đi đầu tiên.

Từ một nữ sinh đến thí sinh Giọng hát Việt, là bước chuyển lớn với Vũ Cát Tường. Nhưng Vũ Cát Tường của album đầu tiên cách đây một năm, Giải mã, so với cô ở thời điểm hiện tại, còn biến chuyển rõ hơn..

Vu Cat Tuong:

* Chị từng nói cảm thấy thú vị khi tự nghiên cứu bản thân. Vũ Cát Tường là ai sau hành trình nghiên cứu ấy?

- Tôi chỉ là người gọi tên hành trình đó một cách rõ ràng, còn việc nghiên cứu bản thân thì ai cũng có cả. Buổi đêm, khi mọi thứ tất bật qua đi, mỗi người về nhà đặt lưng xuống và nghĩ mai mình sẽ đi chợ mua gì, muốn ăn gì, bao lâu nay mình như thế nào, mình muốn mình ở ngày mai ra sao… Những câu hỏi đó hiện diện trong mỗi người, thúc đẩy chúng ta hành động theo hướng hôm nay chúng ta thấy tốt hơn hôm qua.

Nghiên cứu để hiểu và “kiến tạo” bản thân, là việc cả đời và không có giới hạn nào. Tôi vẫn đang nghiên cứu mình, nghiên cứu cuộc sống, nhưng không bằng những khái niệm, logic lẫn tình cảm. Con người Vũ Cát Tường giờ không phải để giải mã, phân tích mà là để cảm nhận.

Tôi nhớ hôm ra album Giải mã, cô Hồng Nhung (ca sĩ Hồng Nhung, huấn luyện viên của Vũ Cát Tường tại Giọng hát Việt) có nói rằng, cô biết tôi đang cố làm gì và cô chắc chắn rằng tôi chưa thể giải mã được. Nhưng đó là câu chuyện một năm về trước. Vũ Cát Tường bây giờ khác, không “mở toang” bản thân rồi tuyên bố thế này thế kia. Tôi vẫn “mở”, nhưng để cho người khác cảm nhận và đánh giá.

* Có điều gì đặc biệt đã xảy ra trong một năm qua?

- Không có sự cố hay biến cố gì cả. Có lần tôi ngồi nhìn những chú cá vàng bơi trong hồ, bỗng dưng trong đầu lóe lên như kẻ mò mẫm tìm thấy công tắc đèn trong căn phòng tối. Hành trình mò tìm thì lâu, nhưng chỉ cần một giây sau khi tìm được công tắc, căn phòng sáng rỡ, mọi thứ rõ ràng.

Việc làm điều gì đó để lưu dấu ấn trong cuộc đời, tôi nghĩ khác cách đây một năm. Mỗi người có một công tắc, được mở bằng tay của chính người đó. Đường ai người nấy đi, đèn ai nấy bật, không ai có thể đưa ra chỉ dẫn cho người khác được cả.

* Chị vừa là người lý trí của khoa học kỹ thuật y sinh, vừa là kẻ nhạy cảm của âm nhạc…

- Người ta thường nghĩ dân nghiên cứu hẳn tỉnh táo, lý tính lắm. Nếu hỏi sự nhạy cảm của con người âm nhạc có cần cho nghiên cứu không, câu trả lời là có. Người sáng tạo không hẳn là người phát kiến điều gì mới mà đơn giản họ đào sâu được từ những thứ cơ bản nhất, và nhìn thấy mối nối giữa những điều bình thường nhất. Nghiên cứu khoa học hay thả cảm xúc vào âm nhạc đều có những mối nối cả.

Vu Cat Tuong:

* Suy nghĩ của chị “già” và “bất thường” đối với một cô gái trẻ…

- Tôi nhớ một tối khuya ở Singapore, anh đồng nghiệp ngồi bẹp ở lề đường, nói rằng ngoài loài người ra còn có một loài nữa, và hai đứa mình nên được xếp vào loài đó. Nó không giống ai cả. Lúc ấy tôi bật cười, nhưng nghĩ lại thấy đúng quá.

Tôi không lạ chuyện nhiều người bảo mình già trước tuổi. Tôi cũng không quan tâm người ta nhận định gì về mình. Cùng điểm đích, khoa học chứng minh phân tích các kiểu đã đến nơi, nhưng một ông thiền sư chỉ ngồi yên, cũng vẫn đến được điểm đó.

Trải nghiệm là một cách, tĩnh tâm để quan sát, cảm nhận cũng là một cách. Tôi thấy tịnh tâm theo cách của thiền sư “nguy hiểm” hơn. Nhưng tôi không chọn cách ngồi trên núi quan sát, cũng không chọn cách chỉ lao thân trải nghiệm. Tôi chọn cả hai.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI