Với vắc xin, TPHCM hy vọng chặn đứng dịch COVID-19

15/07/2021 - 12:16

PNO - Công nhân là đối tượng đầu tiên được tiêm vắc xin trong chiến dịch tiêm chủng lớn nhất của TPHCM.

Dùng công nghệ hỗ trợ tiêm chủng

Ngày 18/6, chị Nguyễn Ngọc Nữ, 40 tuổi, nhân viên Công ty phần mềm FPT, nhận được tin nhắn từ Sở Y tế TPHCM. Nội dung tin nhắn thông báo cho chị biết sáng hôm sau, chị sẽ được tiêm vắc xin ngừa COVID-19 của hãng AstraZeneca tại Khu công nghệ cao, TP.Thủ Đức vào lúc 7g30. Tin nhắn cũng lưu ý chị khi đi tiêm vắc xin cần ăn uống đầy đủ, mặc áo ngắn tay, đem theo giấy tờ tùy thân, khai báo y tế trong vòng 24 giờ…

Tin nhắn nhắc đi tiêm chủng lần đầu tiên xuất hiện tại TPHCM. Đây cũng là khởi đầu cho chiến dịch tiêm vắc xin COVID-19 lớn nhất của TPHCM với sự vào cuộc nhanh chóng và bài bản.

Chị Ngọc Nữ cho biết, do dịch COVID-19 đang lan rộng nên được tiêm vắc xin là điều vô cùng quý giá với chị và gia đình. Hầu như các đồng nghiệp khác đều mong chờ được tiêm vắc xin. 

Chị cũng đánh giá việc tổ chức tiêm chủng với hơn 500 người tại Công ty phần mềm FPT được tổ chức khá bài bản và chu đáo. Là dân công nghệ, nhưng chị cũng khá bất ngờ vì TPHCM đã đưa công nghệ vào quản lý tiêm chủng trong lần này.

Chị cho biết trong khi chờ 30 phút sau tiêm, chị được hướng dẫn dùng ứng dụng Sổ sức khỏe điện tử. Theo Sở Y tế TPHCM, với ứng dụng này, người được tiêm có thể tự cập nhật phản ứng sau tiêm trong 72 giờ tiếp theo, xem kết quả tiêm và đây là cơ sở để có hộ chiếu vắc xin về sau.

Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM Tăng Chí Thượng cho biết, việc ứng dụng công nghệ vào tiêm chủng sẽ giúp rút ngắn thời gian người dân làm các thủ tục hành chính trước khi tiêm; đồng thời giúp đảm bảo tuân thủ các quy định về phòng, chống dịch COVID-19, nhất là khai báo y tế và sàng lọc trước khi tiêm. 

Tạo lá chắn ở khu công nghiệp, khu chế xuất

Sau ngày đầu tiên tiêm chủng cho khoảng 1.000 người làm việc ở Khu công nghệ cao, TP.Thủ Đức, ngày 20/6, việc tiêm vắc xin tiếp tục triển khai cho 3.000 công nhân của Công ty May Nhà Bè và khoảng 5.000 công nhân tại Khu chế xuất Tân Thuận, Q.7. 

Số lượng công nhân tại các khu công nghệ, khu chế xuất của TPHCM là 280.000 người, tại Khu công nghệ cao là 45.000 người. Như vậy, với 320.000 liều vắc-xin được phân bổ cho nhóm đối tượng này, có thể nói gần như TPHCM sẽ bảo vệ được hoạt động sản xuất ở nơi vô cùng trọng yếu này. 

Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn, Trưởng bộ phận thường trực của Bộ Y tế tại TPHCM, phân tích: “Trong bối cảnh dịch bệnh này, công nhân là nhóm đối tượng đầu tiên được tiêm vắc xin ngừa COVID-19, đặc biệt là công nhân tại các khu công nghiệp, khu chế xuất để các hoạt động sản xuất được vận hành thông suốt. Đây là lực lượng trực tiếp sản xuất của cải vật chất cho xã hội”. 

Các nhóm lao động ở khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao được thông báo ưu tiên đăng ký tiêm gồm: người tiếp xúc với các trường hợp F1 sau khi hết cách ly; người sinh sống tại các vùng có người mắc bệnh hoặc từ nơi có ổ dịch về; lãnh đạo các cơ sở sản xuất, các phân xưởng, bộ phận; người giao hàng, cung cấp hàng hóa và một số đối tượng làm công tác dịch vụ bảo vệ, vệ sinh, phục vụ suất ăn trong các khu công nghiệp, khu chế xuất.

Ngoài công nhân và lực lượng tuyến đầu chống dịch, đợt tiêm vắc xin lần này, TPHCM còn phân bổ cho giáo viên, nhân viên ở đơn vị hành chính, người trên 65 tuổi, người dân sinh sống trong vùng có dịch ở Q.Gò Vấp, P.Tân Thới Nhất, P.Thạnh Lộc (Q.12). 

Nếu so với những đợt tiêm vắc xin COVID-19 trước, con số 836.000 liều là rất lớn; gấp 11,6 lần so với đợt 3 với 71.800 liều. TPHCM đã có 54.591 người được tiêm đủ hai mũi vắc xin COVID-19.

Với 836.000 liều này, TPHCM có thể tiêm được mũi một cho thêm 1 triệu người. Tổng số người từ 18 tuổi trở lên tại TPHCM là khoảng 7,2 triệu người. Như vậy, TPHCM đang có một công cụ rất quan trọng để có thể phòng vệ trước sự bùng phát dữ dội của COVID-19. 

 

Công nhân, người lao động tại Công ty phần mềm FPT, Khu công nghệ cao, TP.HCM được tiêm vắc-xin vào ngày 19/6
Công nhân, người lao động tại Công ty phần mềm FPT, Khu công nghệ cao, TP.HCM được tiêm vắc xin vào ngày 19/6

Tính đến 6g ngày 20/6, có 1.796 trường hợp mắc bệnh phát hiện tại TPHCM được Bộ Y tế công bố. Trong đó, 1.549 trường hợp nhiễm trong cộng đồng, 243 trường hợp nhập cảnh, bốn trường hợp lây trong khu cách ly.

Phó chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức đánh giá tình hình dịch bệnh tại TPHCM đang diễn biến phức tạp: “TPHCM đã trải qua thời gian giãn cách theo Chỉ thị 15 của Thủ tướng Chính phủ, ổ dịch lớn nhất liên quan đến điểm nhóm truyền giáo Phục Hưng đã cơ bản được kiểm soát. Tuy nhiên, TPHCM phát sinh một số ổ dịch mới, trong đó Q.Bình Tân và H.Hóc Môn có nhiều ca nhiễm. Do đó, TPHCM quyết định thực hiện các biện pháp nghiêm ngặt hơn nhằm xử lý triệt để các ổ dịch phát sinh và chặn đứng sự lây lan của biến chủng mới”.

Theo đó, TPHCM sẽ áp dụng các biện pháp giãn cách cụ thể tùy theo từng khu vực, trong đó sẽ thực hiện biện pháp mạnh ở những khu vực có nguy cơ cao, nới lỏng hơn với những khu vực ít nguy cơ. Việc áp dụng quy định về giãn cách sẽ dựa trên mức độ nguy cơ của từng khu vực theo quy định của Bộ Y tế. 

Hiếu Nguyễn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI