TPHCM tập huấn tiêm chủng an toàn cho hơn 3.000 cán bộ y tế

19/06/2021 - 21:10

PNO - Sở Y tế TPHCM, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật và Đại học Y dược TPHCM đã tổ chức tập huấn trực tuyến an toàn tiêm chủng vắc xin COVID-19 cho các cơ sở trên địa bàn TP.

 

Công nhân của Công ty TNHH Nipro Pharma Việt Nam được tiêm vắc xin ngừa COVID-19 sáng 19/6, ảnh Trọng Nguyễn
Công nhân Công ty TNHH Nipro Pharma Việt Nam được tiêm vắc xin COVID-19 sáng 19/6 - Ảnh: Trọng Nguyễn

Chiều 19/6, Sở Y tế TPHCM, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật và Đại học Y dược TPHCM đã phối hợp tổ chức tập huấn trực tuyến an toàn tiêm chủng vắc xin COVID-19 cho các cơ sở tiêm chủng trên địa bàn TP. Đây là hỗ trợ từ Bộ Y tế nhằm đảm bảo công tác tiêm chủng an toàn tại 1.000 điểm tiêm chủng cộng đồng.

Đại diện Phòng Nghiệp vụ y, Sở Y tế TPHCM cho biết, TPHCM đang triển khai chiến dịch tiêm chủng trong cộng đồng lớn nhất từ trước đến nay, nên có nhiều điểm mới. Ngoài việc các đơn vị tiêm chủng cử lực lượng tinh nhuệ nhất để thực hiện, thì việc tham gia tập huấn đầy đủ sẽ giúp lực lượng nắm vững mọi vấn đề kiến thức, kỹ năng để thực hiện tại hiện trường tốt nhất. Đồng thời, có sự phối hợp kịp thời giữa các bên, đảm bảo việc tiêm an toàn, chất lượng, hiệu quả.

TS.BS Nguyễn Huy Luân - Trưởng đơn vị tiêm chủng Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM cho biết, chiến dịch tiêm chủng trong cộng đồng lần này, các cơ sở tiêm chủng phải thực hiện kỹ khâu khám sàng lọc, phân loại đối tượng tiêm chủng. Cụ thể:

Theo quyết định mới nhất của Bộ Y tế, những trường hợp chống chỉ định tiêm chủng gồm tiền sử phản vệ độ 2 với tất cả dị nguyên (một chất có thể gây ra các phản ứng dị ứng); trường hợp bệnh nhân có chống chỉ định theo công bố của nhà sản xuất.

Những trường hợp cần trì hoãn tiêm chủng gồm người mắc các bệnh cấp tính, người mắc bệnh mãn tính đang tiến triển chưa kiểm soát, người suy giảm đáp ứng miễn dịch nặng, người bị xơ gan mất bù, người ung thư giai đoạn cuối, người đã mắc COVID-19 trong vòng 6 tháng, phụ nữ mang thai và phụ nữ đang nuôi con bằng sữa mẹ…

Đề phòng tình huống có người dân chưa từng đi khám sức khỏe, không biết bản thân mắc bệnh gì, người khám sàng lọc cần hỏi kỹ về tiền sử bệnh. Nếu có nhiễm trùng, tái phát nhiều lần, nhiễm nấm, thủy đậu lần 2… cần nghi ngờ có suy giảm miễn dịch. Lúc này cần chuyển bệnh nhân đến bệnh viện để khám xác định, quyết định có tiêm chủng hay không.

Những người trong vòng 14 ngày trước có điều trị corticoid liều cao hoặc đang điều trị hóa trị, xạ trị thì cần đánh giá nguy cơ có suy giảm miễn dịch hay không. Nếu có, cần trì hoãn tiêm chủng.

Các đối tượng phải thận trong tiêm chủng vắc xin COVID-19 gồm người có tiền sử dị ứng với các dị nguyên; những người có bệnh nền nặng; người bệnh mãn tính được điều trị ổn định; người mất tri giác, mất năng lực hành vi; người trên 65 tuổi; người có tiền sử giảm tiểu cầu và/ hoặc rối loạn đông máu; người có bệnh mạn tính…

Nhân viên y tế khám sàng lọc cần hỏi kỹ hơn về những biểu hiện dị ứng với các nhóm thuốc, thức ăn. Những đối tượng trong nhóm thận trọng cần được khám sàng lọc kỹ, tiêm chủng tại bệnh viện hoặc cơ sở y tế đủ năng lực hồi sức cấp cứu ban đầu…

Bên cạnh việc trang bị đầy đủ trang thiết bị dụng cụ tiêm chủng, đúng tiêu chuẩn, dụng cụ sẵn sàng trong xử trí sốc, hồi sức cấp cứu, việc theo dõi và xử trí sau tiêm cần thực hiện chặt chẽ.

Theo PGS.TS.BS Nguyễn Văn Chính - Đại học Y dược TPHCM, các cơ sở tiêm chủng cần thực hiện nghiêm việc theo dõi phát hiện phản ứng; xử trí phản ứng nặng và báo cáo sau tiêm. Cần bố trí vị trí thuận lợi để người tiêm lưu lại 30 phút. Sẵn sàng trang thiết bị, hộp thuốc chống sốc, nhân sự can thiệp khi phát hiện các phản ứng sau tiêm.

Lưu ý các dấu hiệu khó chịu, buồn nôn, phát ban, sưng tại chỗ tiêm có thể là biểu hiện của phản ứng dị ứng.

Dặn người dân tiếp tục theo dõi tại nhà trong vòng 7 ngày sau tiêm, không đắp bất cứ gì vào vị trí tiêm đồng thời theo dõi thân nhiệt. Nếu sốt có thể dùng thuốc hạ sốt đúng liều lượng, nếu có bất cứ biểu hiện bất thường, cần báo nhân viên y tế ngay để được hướng dẫn tiếp nhận xử trí.

Các trường hợp giảm tiểu cầu huyết khối miễn dịch, đông máu xuất hiện từ 4 - 28 ngày sau tiêm cần được can thiệp, chuyển đến các tuyến được quy định.

Bên cạnh các bài tập huấn về chuyên môn, các nhân viên y tế đã được hướng dẫn sử dụng hệ thống thông tin tiêm chủng quốc gia trong quản lý tiêm chủng vắc xin COVID-19.

Phạm An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI