Vợ chồng giành nhau tiền lì xì của con

30/01/2020 - 05:19

PNO - Tổng kết mấy ngày tết năm con Chuột này, vợ chồng Phụng bất ngờ vì số tiền lì xì của con lên đến hơn chục triệu đồng.

Vợ chồng Phụng có cửa hàng nội thất nhỏ. Hàng năm, bà con, khách khứa cũng lì xì cho con đôi va triệu đồng, nhưng số tiền chưa khi nào lớn tới mức này.

Phụng bất ngờ vì tiền lì xì của con đến hàng chục triệu. Ảnh minh họa
Phụng bất ngờ vì tiền lì xì của con đến hàng chục triệu. Ảnh minh họa

Bất ngờ nhất là phong bì của chú Tám, những mười triệu đồng. Chú nói lì xì cu Bin, đồng thời vỗ vai chồng Phụng: “Chúc hai cháu năm mới phát đạt. Nội thất nhà cháu đã mang lại may mắn cho chú. Sáng mua bộ sa-lon của bây, chiều tao vô một tấm độc đắc nên lì xì thằng cháu hơi nhiều, bây đừng ngại nhé”.

Phụng nhẩm tính, số tiền lì xì của con không nhiều cũng không ít, nếu mở một sổ tiết kiệm cho con thì quả là một kỉ niệm quý giá mà cần thiết. Sau này có việc gì của con, liên quan học hành sách vở, hay đi trại hè, đem chi ra cũng đỡ tiếc. Nhưng chồng Phụng bảo: “Nhà mình hôm trong tết đã nhập hàng nên không còn dư nhiều tiền. Nay có hơn chục triệu của cu Bin, em đưa anh cho chú Út mượn để trả nợ nhé”.

Chú Út là em trai út của chồng. 27 tuổi, có nghề thợ hồ hẳn hoi, nhưng chú ấy làm ít xài nhiều. Tuần nào cũng nhậu nhẹt đề đóm, chẳng còn dư bao nhiêu. Nhiều khi con bệnh nhà hết tiền, vợ chú Út còn gọi điện xin vợ chồng Phụng.

Hết vợ chú Út gọi, thì mẹ chồng Phụng lại nhắn tin, than mùa màng thất bát, công việc của Út chẳng suôn sẻ, con Út ấm đầu sổ mũi hoài. Thương mẹ chồng già cả còn còn khổ vì con, nên Phụng luôn gửi cho bà những khoản tiền hơn cả phần bà hỏi.

Nhưng lần này, lấy tiền lì xì của Bin mà cho em chồng thì không được rồi. “Anh hãy nói cho rõ vì sao chú Út nợ? Cái tết này em vẫn gửi quà và tiền cho mẹ và vợ con chú dư chi dùng. Thì tại sao mới qua mấy ngày  đầu năm nó đã nợ hàng chục triệu?”, Phụng hỏi gắt.

“Ờ thì… do tết vui, em nó lỡ dại chơi mấy cây bài nhưng thua. Tội nghiệp, có cái xe nát cũng gửi vô tiệm cầm đồ mất rồi. Qua tết không biết lấy gì đi làm nuôi vợ con hết em ơi”, chồng thểu não.

Phụng dứt khoát: "Chú ấy không phải lỡ dại, mà là tật xấu không bỏ được. Nếu anh cứ ra tay giúp, thì chú sẽ ỷ lại cả đời”.

“Sao em cố chấp quá vậy? Không đưa thì thôi. Không phải dạy đời. Mà anh mượn tiền lì xì của con rồi trả, chứ có lấy luôn đâu, cũng nào có đụng tới tiền của em đâu?”. Chồng Phụng bực tức làm một tràng rồi phừng phừng xách xe bỏ đi.

Phụng biết chồng sẽ chẳng đi đâu xa, chỉ là ra quán cà phê đầu ngõ mà thôi. Anh được cái tốt nết là vậy, cứ gây với vợ đến cao trào là bỏ ra quán ngồi đến khi nguội sẽ về.

Nhưng Phụng sẽ không đưa số tiền đó cho em chồng trả nợ bài bạc. Ảnh minh họa
Nhưng Phụng sẽ không đưa số tiền đó cho em chồng trả nợ bài bạc. Ảnh minh họa

Trong nhà, Phụng khẽ khàng gọi điện cho mẹ chồng, thưa rằng sẽ gửi bà khoản tiền sinh hoạt phí tháng này gấp hai lần để mẹ mua thêm ít thuốc bổ. Còn việc nợ nần do bài bạc của chú Út thì Phụng nhất quyết sẽ thủ thỉ với chồng, để cho chú ấy gặp một lần khó khăn mà bỏ tật, chứ anh chị không thể dang tay ra mà lo cho mãi được.

Trang Đào

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI