Vinastas cáo lỗi về thông tin "nước mắn nhiễm arsen"

01/12/2016 - 10:30

PNO - Kết quả khảo sát của Vinastas đã đồng nhất khái niệm arsen với thạch tín không đúng, khiến việc đưa ra các thông tin ban đầu gây hoang mang cho người tiêu dùng và lo lắng cho các nhà sản xuất, kinh doanh nước mắm.

Sau hơn một tháng kể từ ngày 17/10/2016, khi Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas) công bố thông tin sai lệch liên quan đến chất lượng nước mắm, Vinastas mới có văn bản chính thức cáo lỗi với người tiêu dùng, doanh nghiệp và các nhà kinh doanh nước mắm về sự cố khảo sát nước mắm nhiễm arsen.

Theo nội dung cáo lỗi, Chủ tịch Vinastas - ông Đoàn Phương cho rằng, nhóm thực hiện chương trình đã thông tin về kết quả khảo sát chưa thận trọng, rõ ràng. Kết quả khảo sát của Vinastas đã đồng nhất khái niệm arsen với thạch tín không đúng, khiến việc đưa ra các thông tin ban đầu gây hoang mang cho người tiêu dùng và lo lắng cho các nhà sản xuất, kinh doanh nước mắm. Lãnh đạo Vinastas cũng hứa sẽ nghiêm túc kiểm điểm trách nhiệm của các cá nhân liên quan, kiện toàn tổ chức, quy chế làm việc để không xảy ra sai sót tương tự.

Vinastas cao loi ve thong tin
Ảnh minh họa.

Trước đó, trong kết luận báo cáo ngày 8/11 về kết quả kiểm tra hoạt động của Vinastas liên quan tới khảo sát chất lượng nước mắm của Đoàn thanh tra liên bộ Công thương - Y tế - Khoa học và công nghệ - Liên hiệp các hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam, đã kết luận việc khảo sát nước mắm của Vinastas không đảm bảo tính độc lập, tin cậy và minh bạch do được thực hiện dưới sự tài trợ từ tổ chức bên ngoài. Nhiều khâu không được các cấp có thẩm quyền của Vinastas phê duyệt và giám sát.

Kết quả khảo sát không đảm bảo tính độc lập như quy định tại điều 28, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Đoàn kiểm tra khẳng định: Việc Vinastas đồng nhất khái niệm arsen nêu tại Quy chuẩn Việt Nam QCVN 8-2:2011/BYT với “thạch tín”, một chất cực độc, đồng thời khẳng định “95,65% số mẫu khảo sát có độ đạm từ 400 trở lên được đánh giá là hàm lượng thạch tín vượt ngưỡng quy định” là không đúng, không có cơ sở khoa học, gây nhầm lẫn, hoang mang cho người tiêu dùng.

P.V

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI