VietinBank ‘thoát’ trách nhiệm dân sự trong đại án Huyền Như

30/05/2018 - 12:19

PNO - HĐXX phúc thẩm bác kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của bị cáo Võ Tuấn Anh và cho rằng kháng cáo đòi VietinBank bồi thường của các nguyên đơn dân sự là không có cơ sở.

Ngày 30/5, sau hai ngày xét xử và nghị án, TAND Cấp cao tại TP.HCM tuyên giữ nguyên bản án sơ thẩm là tù chung thân đối với bị cáo Huỳnh Thị Huyền Như (nguyên trưởng phòng giao dịch Điện Biên Phủ, Ngân hàng VietinBank chi nhánh TP.HCM) và 7 năm tù đối với Võ Anh Tuấn (nguyên cán bộ văn phòng Vietinbank chi nhánh TP.HCM) về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

VietinBank ‘thoat’ trach nhiem dan su trong dai an Huyen Nhu
"Siêu lừa" Huyền Như tươi cười sau phiên xử

Trước đó, bị cáo Anh Tuấn và các nguyên đơn dân sự đã có đơn kháng cáo bản án sơ thẩm giai đoạn 2 hồi tháng 2/2018. Theo đó, các nguyên đơn được xác định là 5 công ty gồm: công ty CP chứng khoán Saigonbank - Berjaya (SBBS), công ty CP bảo hiểm Toàn Cầu, công ty Chứng khoán Phương Đông, công ty Đầu tư và thương mại An Lộc và công ty CP đầu tư Hưng Yên.

Ở phiên xét xử giai đoạn 1 của vụ án, TAND tối cao tại TP.HCM đã tuyên hủy một phần bản án sơ thẩm để điều tra lại nhằm làm rõ hành vi tham ô tài sản của Huyền Như và các đồng phạm trong việc chiếm đoạt 1.085 tỷ đồng của 5 công ty nêu trên. Tòa phúc thẩm cho rằng số tiền 1.085 tỷ đồng là do Huyền Như tham ô của Vietinbank chứ không phải lừa đảo chiếm đoạt tài sản của các khách hàng.

VietinBank ‘thoat’ trach nhiem dan su trong dai an Huyen Nhu
Bị cáo Võ Anh Tuấn bị áp giải

Tại phiên tòa phúc thẩm lần này, HĐXX quyết định bác kháng cáo của bị cáo Tuấn vì cho rằng mức án sơ thẩm là phù hợp, cũng như ở phiên xử này bị cáo không đưa được tình tiết mới để HĐXX cân nhắc thêm. Đồng thời, tòa cũng bác kháng cáo của các nguyên đơn dân sự. 

Theo HĐXX, Huyền Như đã thể hiện ý thức chiếm đoạt từ khi làm thủ tục mở tài khoản cho các công ty. Các thủ tục mở tài khoản dù hợp pháp nhưng thực tế đã bị đánh tráo, nữ “siêu lừa” đã giả chữ ký, làm phiếu chi giả để chiếm đoạt tiền.

Về trách nhiệm dân sự, HĐXX nhận định việc bốn công ty đòi VietinBank bồi thường là không có cơ sở, bởi quá trình điều tra truy tố lại các cơ quan tố tụng không truy tố Huyền Như về tội “Tham ô tài sản”. Từ đó có thể thấy, án sơ thẩm buộc bị cáo Huyền Như bồi thường cho các công ty trên là phù hợp.

Theo bản án sơ thẩm, Huyền Như đã dẫn dụ người môi giới, người đại diện của 5 công ty để họ gửi tiền vào Vietinbank để hưởng lãi suất cao vượt trần. Sau đó, “siêu lừa” thông qua tài khoản của Vietinbank, dùng nhiều thủ đoạn như làm giả con dấu, giả hồ sơ để chiếm đoạt của 5 đơn vị này số tiền 1.085 tỷ đồng.

Về trách nhiệm dân sự, bản án sơ thẩm cho rằng 5 công ty này đã vi phạm pháp luật cả về nội dung lẫn hình thức khi gửi tiền vào Vietinbank lấy lãi suất cao và sau đó bị chiếm đoạt. Trong vụ án này, Huyền Như đã chiếm đoạt 1.085 tỷ đồng, trong đó có 200 tỷ đồng chiếm đoạt do bị cáo Tuấn giúp sức. Do đó, bị cáo Như phải bồi thường thiệt hại cho 4 công ty, liên đới với bị cáo Tuấn bồi thường hơn 200 tỷ đồng cho công ty Hưng Yên.

Hiện nữ “siêu lừa” đang thụ án tù chung thân cho cả hai tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức được xét xử ở giai đoạn 1.

Thiên Phú

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI