Việt Nam quyết tâm khoanh vùng, dập dịch trong vòng 10 ngày

29/01/2021 - 06:50

PNO - “Vi-rút này lây nhanh thì chúng ta phải nhanh hơn trước, quyết tâm 10 ngày khoanh và dập gọn”, Phó thủ tướng nhấn mạnh và kêu gọi người dân cùng chống dịch.

Trong chiều 28/1, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam có buổi làm việc trực tuyến với các tỉnh, thành về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. 

Theo nhận định ban đầu, vi-rút SARS-CoV-2 đã tồn tại ở ổ dịch Chí Linh tối thiểu 10 ngày. Tới chiều 28/1, tỉnh Hải Dương và Quảng Ninh đã lấy mẫu xét nghiệm tới F3 với hơn 4.600 mẫu ở Hải Dương, và hơn 600 mẫu ở Quảng Ninh.

Sáng 28/1, Thủ tướng Chính phủ đã điều hành phiên họp khẩn về tình hình dịch COVID-19 ngay tại phòng họp Đại hội XIII của Đảng ẢNH: TTXVN
Sáng 28/1, Thủ tướng Chính phủ đã điều hành phiên họp khẩn về tình hình dịch COVID-19 ngay tại phòng họp Đại hội XIII của Đảng ẢNH: TTXVN

Phó thủ tướng nhận định, trong đợt xét nghiệm sáng 29/1, còn có thể cho kết quả nhiều ca mắc COVID-19, tuy nhiên, không phải vì số lượng lớn mà lo ngại, bởi chúng ta đã khoanh vùng và lấy mẫu rất rộng.

Cũng trong ngày, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký, ban hành Chỉ thị 05/CT-TTg về một số biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19. Theo đó, Thủ tướng yêu cầu phong tỏa toàn bộ TP.Chí Linh thuộc tỉnh Hải Dương trong vòng 21 ngày, kể từ 12g ngày 28/1. 

Chủ trì cuộc họp trực tuyến chiều 28/1 với Sở Y tế Quảng Ninh và Hải Dương về phòng, chống dịch COVID-19, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long yêu cầu mọi hành khách đi từ sân bay Vân Đồn (Quảng Ninh) và Chí Linh (Hải Dương) về địa phương khác từ ngày 15/1 đến nay bắt buộc phải liên hệ cơ quan y tế để được hướng dẫn lấy mẫu xét nghiệm và cách ly. 

Bộ Y tế xác định đợt bùng phát này liên quan đến biến chủng vi-rút SARS-CoV-2, tốc độ lây lan nhanh nên việc khoanh vùng, truy vết và lấy mẫu được tiến hành rộng hơn, mạnh hơn. 

Phác đồ điều trị, vắc-xin hy vọng vẫn “hợp thời”

Tiến sĩ Nguyễn Hồng Vũ, Viện Nghiên cứu ung thư City of Hope (Mỹ), đang cùng đồng nghiệp nghiên cứu chế tạo vắc-xin ngừa COVID-19, phân tích: chủng biến thể gần đây ở Anh được đặt tên là “VUI - 202012/01”. Chủng này có 17 đột biến trên bộ gen của nó. Trong đó, đột biến mà các nhà khoa học quan tâm nhất là N501Y, dẫn đến sự thay đổi trình tự amino a-xít trên protein S của vi-rút ở vị trí 501. Sự biến đổi này có thể làm tăng lực gắn kết protein S của vi-rút và thụ thể ACE2 của tế bào con người, khiến vi-rút dễ bám và xâm nhập vào tế bào hơn, dễ lây nhiễm hơn.

Lực lượng chức năng hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch tại khu phố 6, P.Hồng Hà, TP.Hạ Long sáng 28/1 - ảnh: baoquangninh.com.vn
Lực lượng chức năng hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch tại khu phố 6, P.Hồng Hà, TP.Hạ Long sáng 28/1 - ảnh: baoquangninh.com.vn

Điều này giải thích tại sao số lượng người nhiễm chủng biến thể này chiếm đa số. Chủng này được phát hiện lần đầu tiên vào tháng 9/2020 nhưng đến tháng 11/2020 đã chiếm khoảng 1/4 số trường hợp nhiễm COVID-19 ở London; con số này đạt gần 2/3 số trường hợp vào giữa tháng 12/2020. 
Tuy nhiên, hầu hết các vắc-xin ở đầu danh sách trong cuộc đua hiện nay đều nhắm đến chiến lược nhận biết vi-rút SARS-CoV-2 qua protein S. Do vậy, việc đột biến một vài amino a-xít trên protein S ở các chủng biến thể hiện nay khó có thể làm thay đổi hoàn toàn đặc điểm nhận dạng miễn dịch ở các vắc-xin đã nghiên cứu. 
Tại Việt Nam, các nhà khoa học cũng cho rằng, vắc-xin Nanocovax có thể thích ứng với tất cả các đột biến cũ, mới. Kết quả thử nghiệm hiện nay rất lạc quan. Hai loại vắc-xin ngừa COVID-19 của Việt Nam dự kiến đưa vào sử dụng cuối 
năm 2021. 
Tiến sĩ - bác sĩ Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới Bệnh viện Chợ Rẫy, nhận định: đợt bùng phát COVID-19 lần này ở tỉnh Hải Dương và Quảng Ninh rất đáng lo ngại. Điều trị sẽ gặp khó nếu số lượng bệnh nhân tăng quá nhanh trong thời gian ngắn. Tuy nhiên, bác sĩ Việt Nam đã có kinh nghiệm điều trị thành công nhiều trường hợp nặng trước đây. Đối với các chủng biến thể mới của vi-rút SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, vẫn chưa có thay đổi hay có thêm gì khác trong phác đồ điều trị. Đặc biệt, nhiều bệnh viện đã có kỹ năng điều trị cho bệnh nhân COVID-19 nặng, kể cả trường hợp rơi vào cơn bão cytokine như: Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM, Bệnh viện dã chiến Củ Chi, Bệnh viện COVID-19 Cần Giờ, Bệnh viện Đà Nẵng…

Phòng bệnh nhưng không hoang mang

Trao đổi với phóng viên Báo Phụ nữ TP.HCM, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM, cho biết: có sáu trường hợp ở thành phố tiếp xúc gần với bệnh nhân 1.553 tại tỉnh Quảng Ninh. Tất cả đã được cách ly, lấy mẫu xét nghiệm. 

Phó giáo sư - tiến sĩ - bác sĩ Tăng Chí Thượng, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, nhận định: TP.HCM vừa đánh giá tiêu chí bệnh viện an toàn, đồng thời cho các phòng khám tư nhân đánh giá theo bộ tiêu chí phòng khám an toàn của Bộ Y tế. TP.HCM đã yêu cầu các bệnh viện phải có phòng cấp cứu sàng lọc, bởi bệnh nhân thường được đưa thẳng vào phòng cấp cứu, sau đó chuyển lên khoa điều trị. Nếu không kiểm soát, sẽ lây lan ra toàn 
bệnh viện. 

Bác sĩ Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM, cho biết tốc độ xét nghiệm của các cơ sở y tế tại TP.HCM nếu huy động hết công suất sẽ đạt khoảng 10.000 - 15.000 mẫu/ngày. Tết này, nhân viên y tế tại các trung tâm y tế sẽ phải tuân thủ các quy định riêng để đáp ứng nhanh nhất công tác phòng, chống dịch như mở điện thoại 24/24, không ra khỏi TP.HCM.

Thành phố sẽ áp dụng kinh nghiệm năm 2020 để chống dịch. Đó là luôn giữ thế chủ động (triển khai sớm giám sát, xây dựng khu cách ly, chuẩn bị đủ phương tiện bảo hộ...), đánh giá đúng nguy cơ trong từng giai đoạn (hiện nay nguy cơ là từ người nhập cảnh); tăng tốc xét nghiệm để cắt đứt chuỗi lây nhiễm, dùng phần mềm quản lý chuỗi lây nhiễm; phòng thủ vững chắc tại cơ sở khám chữa bệnh; truyền thông kêu gọi người tiếp xúc ca nghi nhiễm; phối hợp sức mạnh từ nhiều tổ chức và cộng đồng. 

Hiếu Nguyễn - Huyền Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI