Việt Nam lỡ nhiều cơ hội làm phim hợp tác quốc tế

29/10/2021 - 06:47

PNO - Theo luật, nếu đoàn phim có biên kịch, đạo diễn hoặc nhà sản xuất là người nước ngoài thì phải xin thẩm định kịch bản, xin giấy phép để quay phim, nhưng trên thực tế, khi đoàn phim sử dụng nhân sự nước ngoài không thuộc ba vị trí trên đến các địa phương, vẫn bị yêu cầu trình giấy phép của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Kênh quảng bá hình ảnh đất nước

Trong phiên thảo luận tại tổ (kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV) về dự án Luật Điện ảnh sửa đổi vài ngày trước, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh vai trò của ngành công nghiệp điện ảnh: “Nhiều nước dùng công nghiệp điện ảnh quảng bá hình ảnh đất nước, như ở châu Á có Hàn Quốc; còn việc quảng bá hình ảnh Việt Nam ra nước ngoài chưa được bao nhiêu”. 

Đạo diễn phim Kong: Skull Island Jordan Vogt-Roberts từng nói, ông bị chinh phục bởi vẻ đẹp siêu thực của Việt Nam ẢNH: WARNER BROS. PICTURES
Đạo diễn phim Kong: Skull Island Jordan Vogt-Roberts từng nói, ông bị chinh phục bởi vẻ đẹp siêu thực của Việt Nam - Ảnh: Warner Bros. Pictures 

Sự chuyển dịch và vận động của thị trường điện ảnh trong nước cũng như xu hướng làm phim trên thế giới đòi hỏi sự hợp tác quốc tế trong lĩnh vực điện ảnh. Nhưng đến nay, những kết quả đạt được là chưa đáng kể. Theo đạo diễn Phan Đăng Di, Việt Nam đang là một trong những thị trường hấp dẫn nhất trong khu vực, nhiều “ông lớn” của ngành điện ảnh thế giới muốn nhảy vào và tìm cơ hội đầu tư: “Ta cần một tư duy đón đầu, đặc biệt là đón đầu bằng chính sách, cơ chế để khuyến khích sự hợp tác này”.

Bà Lê Thị Phương Thảo - Giám đốc điều hành Công ty Thaole Entertainment  - kể, có nhiều đoàn phim Holywood liên lạc với công ty bà để hợp tác, quay phim thay vì quay ở Thái Lan, ở Malaysia… Nhưng chúng ta đã vuột mất cơ hội đó bởi các quy định trong luật pháp của ta chưa thật sự khuyến khích hợp tác quốc tế.  

Những năm gần đây, ngoài trường hợp đoàn làm phim Kong: Skull Island đến Việt Nam năm 2016 và dự án hợp tác giữa đạo diễn Phan Đăng Di với HBO trong loạt (sê-ri) tám tập Food Lore có tên Chàng dâng cá, nàng ăn hoa năm 2019, chưa có thêm dự án đáng kể nào. 

HBO bắt tay đạo diễn Phan Đăng Di trong sê-ri tám tập Food Lore có tên Chàng dâng cá, nàng ăn hoa năm 2019 - Ảnh chụp màn hình
HBO bắt tay đạo diễn Phan Đăng Di trong sê-ri tám tập Food Lore có tên Chàng dâng cá, nàng ăn hoa năm 2019 - Ảnh chụp màn hình

Theo nhà sản xuất Trần Thị Bích Ngọc, điện ảnh là lĩnh vực rất tốt để quảng bá văn hóa và hình ảnh Việt Nam ra thế giới. Bên cạnh đó, khi có cơ hội làm việc với các đoàn phim chuyên nghiệp quốc tế, đội ngũ làm phim trong nước sẽ học hỏi được rất nhiều về chuyên môn, kinh nghiệm sản xuất. Chưa kể, lợi ích kinh tế từ sự hợp tác là rất lớn. Bà dẫn chứng, trong năm 2019, có tới 740 đoàn làm phim quốc tế đến Thái Lan và nước này đã thu về 150 triệu USD; còn trong năm 2018, điện ảnh Hungary thu về 323 triệu USD, trong đó 90% đến từ các dự án hợp tác quốc tế. 

Theo bà Bích Ngọc, tự thân sự hợp tác này sẽ mở ra các phim trường hiện đại, các thiết bị hay nguồn lực đủ chất lượng để đáp ứng nhu cầu và thị trường sẽ phát triển theo hướng đi lên: “Thủ tục, chính sách cởi mở sẽ thúc đẩy quy mô của thị trường điện ảnh”. Còn theo bà Phương Thảo, để cọ xát, cần có nhiều đoàn phim nước ngoài đến nước ta: “Cần tạo chính sách, hành lang pháp lý đơn giản, thoáng hơn để bạn bè quốc tế vào Việt Nam. Khi đó, nền điện ảnh Việt Nam mới cất cánh được”. 

Nên hậu kiểm, thay vì tiền kiểm

Trong dự thảo Luật Điện ảnh sửa đổi (bản số 8), những quy định liên quan đến hợp tác quốc tế đang nằm rải rác ở các điều về đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực điện ảnh, quy định cung cấp phim nước ngoài, cũng như thu hút các tổ chức nước ngoài sử dụng dịch vụ sản xuất phim tại Việt Nam. Bà Trần Thị Bích Ngọc gợi ý: “Nên chăng trong Luật sửa đổi, tích hợp các nội dung này thành một điều chung mà ở đó sẽ có ba hạng mục: cung cấp dịch vụ phim nước ngoài, hợp tác sản xuất và phim nội địa có nhân sự nước ngoài”?

Thị trường điện ảnh Việt Nam đang “phát triển nóng”. Nhu cầu và số lượng phim sản xuất ra hằng năm tăng rất nhanh, nhân sự chưa đáp ứng kịp, nên việc sử dụng nhân sự nước ngoài trong các đoàn phim trở nên phổ biến. Hơn nữa, trong bối cảnh hội nhập quốc tế, sự gắn kết, liên kết giữa các quốc gia ngày càng chặt chẽ hơn nên mô hình hợp tác quốc tế cũng trở nên phong phú, đa dạng. 

Đó là xu thế hết sức bình thường của thế giới, nhưng lại không ăn khớp với luật ở ta. Khi có một sự thay đổi hay phát sinh, đoàn phim lại phải ngụp lặn trong mớ bòng bong thủ tục, như quy trình xin cấp phép, thẩm định kịch bản. Nhà sản xuất Nguyễn Trinh Hoan (Hãng phim HKFilm) dẫn chứng, khi quay xong phim Ròm, mới có sự tham gia của hai người có quốc tịch nước ngoài (nhà đầu tư Bảo Nguyễn, đạo diễn Trần Anh Hùng) ở phần hậu kỳ. Để đúng luật, dự án phải bỏ tên hai người này ra khỏi những vị trí quan trọng. 

Khi chưa nhìn thấy chính sách ưu đãi nào, lại phải trình kịch bản để xét duyệt, các đoàn phim quốc tế hết sức e ngại. Đặc biệt, trong bối cảnh cạnh tranh rất khốc liệt giữa các hãng phim, các studio lớn, kịch bản là một tài sản vô cùng quan trọng, cần phải bảo mật. Để chủ động hơn trong vấn đề hợp tác quốc tế, giới làm phim đề xuất chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm, tức chỉ nên thẩm định và phân loại phim trên bản phim hoàn chỉnh và quy định nhà sản xuất phía Việt Nam phải chịu trách nhiệm về nội dung, không vi phạm pháp luật và thuần phong mỹ tục Việt Nam. Theo đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp, điều này giúp  đơn giản hóa thủ tục, hấp dẫn các đoàn phim quốc tế vào Việt Nam và phát triển quy mô thị trường mà vẫn đảm bảo vấn đề quản lý nhà nước. 

Theo Vogt-Roberts, Việt Nam đã mang lại “nét thẩm mỹ hoàn hảo” giúp Kong: Skull Island trở nên khác biệt với những phần trước đó và các phần phim khác về Kong - Nguồn: Warner Bros
Theo Vogt-Roberts, Việt Nam đã mang lại “nét thẩm mỹ hoàn hảo” giúp Kong: Skull Island trở nên khác biệt với những phần trước đó và các phần phim khác về Kong - Nguồn: Warner Bros

Ông Fraser Thompson - Giám đốc điều hành Công ty Tư vấn AlphaBeta (Singapore) - gợi ý thêm: “Khi chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm, Việt Nam có thể thành lập một trung tâm để người xem phản ánh, khiếu nại về sản phẩm mà họ xem. Cơ quan nhà nước sẽ dựa vào đó để xem xét những dự án sau đó. Ai cũng muốn làm ăn, hợp tác lâu dài nên họ sẽ tăng cường hơn nữa về mặt trách nhiệm”.

Giới làm phim góp ý, Luật Điện ảnh sửa đổi nên cụ thể hóa các nội dung, tránh những “hiểu nhầm” không đáng có. Nhà sản xuất Trần Thị Bích Ngọc dẫn chứng, theo luật, nếu đoàn phim có biên kịch, đạo diễn hoặc nhà sản xuất là người nước ngoài thì phải xin thẩm định kịch bản, xin giấy phép để quay phim, nhưng khi đoàn phim sử dụng nhân sự nước ngoài không thuộc ba vị trí trên đến các địa phương để quay phim, lại bị coi là phim có yếu tố nước ngoài và yêu cầu trình giấy phép của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. 

Bà Lê Thị Phương Thảo đề xuất: “Có thể mời những doanh nhân trong ngành điện ảnh tham gia vào ban tư vấn soạn thảo luật. Họ là những người bôn ba thương trường, giao lưu quốc tế, nắm được xu hướng thực tế, có thể góp ý để điều chỉnh những chính sách theo hướng có lợi cho các bên, vừa bảo vệ thể chế, vừa giúp chúng ta bắt kịp nền điện ảnh của thế giới”.

Việt Nam đã xây dựng được hình ảnh một đất nước cởi mở và hội nhập, toàn cầu hóa rất cao. Bà Trần Thị Bích Ngọc cho rằng, điện ảnh cũng cần những điều kiện, cơ chế tương ứng để có thể tương tác được với thế giới và khu vực, không thể cứ đóng cửa làm phim một mình mãi được.

“Để điện ảnh Việt Nam phát triển tương xứng với quy mô của nền kinh tế, việc sửa đổi những điều khoản không còn phù hợp với tình hình thực tế cũng như xu hướng của thế giới là rất cần kíp, là động lực lớn để kích thích các đoàn phim nước ngoài đến Việt Nam đầu tư và hợp tác. Từ đó, chúng ta mới có hy vọng về tương lai của nền điện ảnh, về sự phát triển của các ngành công nghiệp văn hóa ở nước ta” - bà Trần Thị Bích Ngọc nói. 

“Các bạn quốc tế thường hỏi tôi, là người có kinh nghiệm trong lĩnh vực này, sao bạn không có ý kiến về việc tạo ra một môi trường thông thoáng cho chúng tôi đến Việt Nam đầu tư, sản xuất phim? Chúng tôi có thể gúp các bạn. Người Việt Nam cần cù thông minh, cảnh đẹp, văn hóa phong phú nhưng chúng tôi cũng cần những quy định cụ thể, cởi mở, thông thoáng để hợp tác”.

Bà Lê Thị Phương Thảo
Giám đốc điều hành Công ty Thaole Entertainment

Cốc Vũ

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI