Người tiêm vắc xin vẫn mắc COVID-19 là bình thường, nhưng bệnh sẽ không nặng hay gây tử vong

13/06/2021 - 19:18

PNO - Những trường hợp mắc COVID-19 sau khi tiêm vắc xin được xem là nhiễm đột phá. Các nhà khoa học không bất ngờ trước hiện tượng này.

Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM ghi nhận 52/53 nhân viên mắc COVID-19 dù đã được tiêm đủ 2 liều vắc xin AstraZeneca. Theo các nhà khoa học, vấn đề hiện nay là phải tăng tốc nhanh hơn nữa trong việc nâng độ bao phủ trong tiêm vắc xin ngừa COVID-19.

BS. TS. Phạm Nguyên Quý, Khoa Ung thư Nội khoa, Bệnh viện Kyoto Miniren, Đại học Kyoto (Nhật Bản) cho biết hiện nay không có loại vắc xin ngừa COVID-19 nào có hiệu quả bảo vệ 100%. 3 loại vắc xin được cấp phép sử dụng tại Hoa Kỳ là Pfizer, Moderna và Johnson & Johnson –tỉ lệ bảo vệ cũng chỉ ở mức 70-95%. Điều này có nghĩa là dù phần lớn người nhận vắc xin sẽ được miễn dịch, vẫn có một nhóm người không tạo đủ hàng rào bảo vệ để chống lại sự tấn công của virus SARS-CoV-2.

Tại Hoa Kỳ, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) ngày 15/4/2021 vừa qua báo cáo rằng có 5.800 người nhiễm virus SARS-CoV-2 dù đã tiêm phòng đủ hai liều.

Tiêm vắc xin AstraZeneca cho nhân viên y tế tại BV Bệnh Nhiệt đới TPHCM.
Tiêm vắc xin AstraZeneca cho nhân viên y tế tại BV Bệnh Nhiệt đới TPHCM.

Theo BS. Trần Tịnh Hiền – nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM, sau khi theo dõi thực tế (không phải trong nghiên cứu), những người đã tiêm vắc xin AstraZeneca, có hiệu quả bảo vệ là 60% sau 28 ngày. Đây là khảo sát trên 159.930 người lớn từ 70 tuổi trở lên ở Anh từ tháng 12/2020 đến tháng 2/2021 khi chủng B1.1.7 (alpha) đang nổi lên.

Tuy vậy, các bác sĩ, nhà khoa học đều đồng ý việc tiêm vắc xin ngừa COVID-19 sẽ mang lại những lợi ích sau:

- Giúp những người mắc COVID-19 không bị nặng hay tử vong. 

- Giúp giảm bớt những trường hợp nhiễm trùng không triệu chứng.

- Qua hai lợi ích đó, tạo ra một lợi ích to lớn hơn là miễn dịch cộng đồng cho người dân khi tỷ lệ tiêm chủng lên đến 70-80%.

BS. Trần Tịnh Hiền khẳng định: Ở Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM hay ở bất cứ cộng đồng nào đã tiêm vắc xin, nếu có xảy ra những trường hợp dương tính ở tỷ lệ 5-10% thì không phải là sự thất bại của tiêm chủng. Tác động tốt của vắc xin là không thể chối cãi đang được chứng tỏ ở Mỹ, Anh, Israel... và con đường duy nhất để thoát đại dịch là tiêm vắc xin có chất lượng tốt, càng nhiều càng tốt, càng sớm càng tốt.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh – Bệnh viện Nhi đồng 1, TPHCM cũng khẳng định: Việc chích vắc xin ngừa COVID-19 chính là để người mắc bệnh không dễ dàng lây cho người khác. Người mắc COVID-19 nếu sau khi đã chích vắc xin sẽ không bị nặng hơn, không tử vong.

Hiếu Nguyễn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI