Về Hội An xem hội đèn lồng

23/12/2021 - 06:47

PNO - Về phố cổ, đi dạo thong dong, lắng nghe tiếng nhạc du dương, thưởng thức tách cà phê hay thả hồn trong những không gian đặc biệt khác. Và khi màn đêm buông xuống, cùng nhau thưởng ngoạn màu sắc huyền bí từ đèn lồng phố để trọn vẹn cảm nhận về đời sống văn hóa tinh thần của một vùng đất đặc biệt ở Việt Nam.

Nhắc tới du lịch Việt Nam, Quảng Nam người ta sẽ nghĩ ngay đến Hội An. Mới đây nhất trang web Holidu của Anh chuyên về du lịch quốc tế đã đưa Hội An lọt vào danh sách "Những thành phố tuyệt vời nhất trên thế giới để kết hợp công việc và nghỉ ngơi".

Hội An đẹp, đó là điều không ai bàn cãi. Bên cạnh những giá trị nổi bật toàn cầu, phố cổ còn đẹp lung linh bởi những chiếc đèn lồng. Nó trở thành một phần đặc trưng của phố. Khoảng tầm 18 giờ trở đi, những con đường trung tâm trong lòng thương cảng xưa được khoác một màu sắc khác lạ so với ban ngày.

Hội An ngày và đêm mang hai vẻ đẹp khác nhau hoàn toàn. Ban ngày phố mang vẻ đẹp bên ngoài của nàng thiếu nữ, ban đêm là vẻ đẹp nội tâm sống động kích thích người ta khám phá. Đó là vẻ đẹp mà càng ngắm lâu, càng ở lâu, người ta sẽ càng mến.

Những chiếc lồng đèn đã tô điểm cho phố thêm huyền bí. Thương cảng Hội An tấp nập trên bến dưới thuyền một thời đã nổi bật nhờ những chiếc đèn trang trí đủ loại từ hình dáng đến kích thước. Trong quá trình giao thương buôn bán, tiếp xúc, giao lưu văn hóa, tục trang trí, treo lồng đèn đã ra đời từ xưa, cách nay vài trăm năm.

Trong quá trình giao lưu văn hóa ấy, ông bà ta đã đồng thời thực hiện quá trình đào thải và chọn lọc để biến cái chung thành cái riêng, biến cái của người thành đặc trưng riêng biệt của mình, hòa nhập nhưng không hòa tan. Những chiếc lồng đèn được Việt hóa hoàn toàn từ chất liệu, hình dáng và kích cỡ, khác biệt so với lồng đèn ở các nước bạn Trung Quốc, Thái Lan, Nhật Bản... Trải qua những biến thiên lịch sử, người dân nơi đây vẫn giữ được tập tục treo lồng đèn và nó cũng chính thức trở thành thương hiệu của Hội An.

Đèn lồng Hội An bọc bằng vải lụa, gấm vừa bền vừa đẹp và không sợ cháy như các loại giấy và nilon. Một số nghệ nhân cũng đã sáng tạo khuôn đèn bằng thép hoặc tre nhưng có thể xếp gọn và mang đi được. Hình dáng từ hình tròn, lục giác, kéo quân, củ tỏi, con cá... Và quà tặng đèn lồng Hội An luôn được du khách ưu tiên trong những sản phẩm đồ lưu niệm.

Cách chế tác lồng đèn tương đối đơn giản. Tre sau khi khai thác phải đem xử lý, ngâm lâu ngày trong nước  hoặc bùn, rồi sau đó đem phơi khô để chống mối mọt. Rồi đến công đoạn uốn tạo khung, sau đó phết keo và bọc vải chung quanh. Những công đoạn này đòi hỏi sự tỉ mỉ để vải không bị nhăn hay rách. Và cuối cùng là khâu trang trí, hoàn thiện.

Chi tiết trang trí trên đèn hết sức đơn giản, có thể gọi là bình dân. Nó giống như tính cách người xứ này - chân chất, mộc mạc đến thuần hậu. Và điều đó càng làm cho những chiếc lồng đèn mang đến thông điệp tuyệt vời.

Về Hội An ngày 14 âm lịch hàng tháng, chúng ta sẽ được đắm mình trong không gian huyền hoặc của phố không tiếng động cơ xe máy, ngay cả xe đạp cũng không được phép lưu thông. Phố chỉ có người đi bộ; mọi sinh hoạt đều như quay về thế kỷ XX, không ánh sáng trắng, chỉ có ánh sáng lấp loé từ những chiếc đèn nhiều màu sắc tỏa ra.

Nhằm góp phần tô điểm, thắp sáng không gian khu phố cổ, thu hút du khách đến Hội An sau thời gian dài ảnh hưởng bởi dịch bệnh, đồng thời kích thích sự sáng tạo và hướng tới những thông điệp nhân văn, chính quyền Hội An vận động tổ chức "Lễ hội đèn lồng Hội An năm 2022" khai mạc vào ngày 24/12, nhằm lan tỏa ý nghĩa văn hóa truyền thống, mời gọi tài năng sáng tạo và nằm trong chuỗi hoạt động kích cầu du lịch. Có rất nhiều sự kiện văn hóa nghệ thuật kèm theo trong chuỗi hoạt động này như hoạt động Chợ phiên với các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, sản phẩm tái chế...; chương trình Thắp sáng ký ức Hội An, Hội đón Giáng sinh và năm mới, hướng dẫn làm đèn lồng...

Huỳnh Kim Hoa
Ảnh: Tấn Điểu

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI