Về giữa lòng quê

05/03/2022 - 06:52

PNO - Cồn Chim - cái doi đất nhỏ xíu nằm giữa sông ấy - gây ấn tượng mạnh trong tôi khi không quảng cáo về phong cảnh như thường lệ người ta vẫn hay quảng bá du lịch mà nhấn mạnh “về cồn Chim người quê chỉ có tấm lòng”.

 

Đây là điều thôi thúc tôi tò mò làm một chuyến xe máy đầy ngẫu hứng xuống huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh để tìm tới điểm du lịch còn khá mới mẻ này; nhất là khi lâu nay nhắc đến Trà Vinh, người ta vẫn thường nhớ đến các địa danh quen thuộc như ao bà Om; các ngôi chùa Khmer nổi tiếng (chùa Âng, chùa Cò, chùa Vàm Ray…).

Cồn Chim khai trương đón khách du lịch vào 9 giờ ngày 9/9/2019. Chọn thời điểm toàn số 9 như thế để khai trương, người dân cồn Chim hồ hởi với việc lần đầu bắt tay làm du lịch. Tuy nhiên, chưa được bao lâu thì ngành du lịch hứng chịu cơn bão mang tên COVID-19. Suốt thời gian qua, địa điểm này gần như ngủ đông và chỉ mới đón khách trở lại gần đây. Khi không làm du lịch, người dân địa phương vẫn tiếp tục trồng lúa, nuôi tôm như trước, trong sự hiền hòa chân chất sẵn có.

Cồn Chim như làng quê Nam bộ thu nhỏ
Cồn Chim như làng quê Nam bộ thu nhỏ

Cồn Chim thuộc ấp cù lao cồn Chim, xã Hòa Minh, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh. Cái cồn nho nhỏ có hình dáng hao hao chú chim sẻ này nằm giữa dòng Cổ Chiên, cách thành phố Trà Vinh khoảng 15km theo tuyến Quốc lộ 53 và cách 10km về hướng đông bắc theo tuyến đường sông. Muốn tới cồn Chim, chỉ có đi phà và thường thì phải qua hai lần phà. 

Cồn nhỏ xíu, diện tích chỉ 62ha, dài khoảng 3km, bề ngang nơi rộng nhất cũng chỉ tầm 350m, người thưa, cả cồn chỉ mấy chục nóc nhà với hơn 200 nhân khẩu. Mật độ dân cư thưa hóa ra lại là lợi điểm khi làm du lịch. Có thể nhờ Cồn Chim sở hữu sự biệt lập như thế nên du khách đến đây sẽ có cảm giác thú vị. Dễ gì có được một nơi tách biệt như khi ở trên “hòn đảo” nhỏ xíu này với bốn bề có dòng Cổ Chiên mênh mang nước bao quanh. Không phải đi lại xa xôi nhưng thoát được khói bụi cùng những tiếng ồn đô thị - chừng ấy thứ đã khiến tôi cảm thấy vô cùng thư giãn.

Cảnh ấm tình quê

Chỉ cần đặt chân lên cồn, tôi đã cảm nhận được sự thư thái. Có người ví cồn Chim như làng quê Nam bộ thu nhỏ, tưởng cũng không quá. Những mái nhà cũ, những cây dừa, những con đường quê nho nhỏ thấp thoáng mấy loài hoa dân dã, những thửa ruộng thênh thang, mấy ụ rơm vun cao như dấu hiệu mùa gặt trước mới vừa qua.

Đáng nhớ nhất ở cồn Chim là những khoảnh khắc đầu hôm và cuối ngày. Cảm giác thật thú vị khi đạp xe men theo lối mòn ven bờ ruộng, guồng chân nhanh hơn qua mấy mô đất, vạt cỏ mấp mô trong tiếng kêu của đàn cò đang về tổ để kịp ngắm mặt trời sắp khuất sau đám dừa nước mọc ven đê.

Đến đây đúng đêm trăng, mặt ruộng đầy nước như gương soi cho ánh trăng mỗi lúc một cao hơn đọt dừa khi đêm dần về khuya. Văng vẳng bên kia bờ vọng lại giọng ai đang ca sáu câu vọng cổ nghe mênh mang, mênh mang. Đêm không trăng là dịp được ngắm bầy đom đóm lập lòe thứ ánh sáng trắng ánh xanh bay giữa những luồng gió đồng hào phóng thổi khiến không gian trong đêm thêm tĩnh mịch. 

Sáng sớm, chỉ cần bước ra khỏi nhà là gặp ruộng, khoan khoái hít thở không khí trong lành, ngắm mặt trời nhú trên mấy rặng bần, đước, phủ nắng chan hòa khắp cồn.

Cảnh sắc cồn Chim thay đổi theo mùa nước
Cảnh sắc cồn Chim thay đổi theo mùa nước

Điều thú vị là cảnh sắc cồn Chim cũng thay đổi theo mùa nước, cứ như thể được thay phông cảnh. Từ tháng Ba đến tháng Chín hằng năm, nước mặn xâm lấn ruộng đồng, người dân nuôi tôm, cua. Tôm là tôm sạch, chứ không nuôi công nghiệp thâm canh.

Từ tháng Mười đến tháng Ba năm sau, khi có nước ngọt trở lại, người dân trồng lúa. Cho nên, nếu đến vào mùa này, bạn sẽ nhìn thấy những nếp nhà, lối đi soi bóng nước ruộng nhưng vào những tháng cuối năm, bao quanh là những ruộng lúa xanh rì. Đây là lúa hữu cơ, không lạm dụng phân thuốc. Khách đến đây thường được mời ăn bữa cơm bằng gạo quê chính cống và ai cũng thích. Nhiều khi, khách ăn thấy ngon, muốn mua mà người dân không dám bán.

“Mình phải để dành, lỡ khi có khách thì nấu cơm bằng gạo mình trồng, chớ đi mua gạo xứ khác thì coi sao đặng. Người ta tới đây để ăn bữa cơm quê của mình mà! Nhiều khách năn nỉ mua gạo mà tui cũng không dám bán là vì vậy” - cô Vân, chủ homestay Cô Vân - tâm sự một cách chân tình.

Người dân xứ này chân chất lắm. Cái sự chân chất, tình thiệt của người dân cồn Chim là yếu tố níu chân du khách. Cồn nói không với xe máy nên du khách tha hồ thuê xe đạp để di chuyển hoặc thích thì đi bộ. Cự ly không gần cũng chẳng xa, có lẽ vừa đủ cho đôi chân thị thành chưa kịp thấy mệt thì đã tới điểm tham quan mới. Điểm tham quan ở đây không phải là thắng cảnh, mà là… nhà dân. Nhà nào cũng cách xa lối vào, cách cái cổng có khi cả trăm thước, băng qua mấy khoảnh ruộng mới vô tới nhà.

Mỗi căn nhà của người dân trở thành điểm tham quan, giới thiệu đồ ăn, thức uống, cảnh quan cho du khách. Đến đây, người ta có cảm giác mình như đứa con về thăm quê, đi từng nhà thăm hỏi, trò chuyện và luôn được đón đãi ân cần. Cảm giác đạp xe đi loanh quanh, gặp gỡ, chuyện trò, ăn cơm quê, tập làm món ăn dân dã, chơi trò chơi dân gian… mang lại sự gần gũi, ấm áp, giúp người ta thêm mở lòng và thấy hạnh phúc hơn giữa khung cảnh yên bình.

Dịch vụ homestay đúng nghĩa

Những bữa cơm nhà với tôm cá dưới ao, rau trong vườn
Những bữa cơm nhà với tôm cá dưới ao, rau trong vườn

Trong tình hình homestay nở rộ và thực chất nhiều điểm chỉ là nơi có dịch vụ lưu trú du lịch không khác nhà nghỉ, khách sạn, homestay ở đây cho tôi được hưởng cảm giác thân thiện, thoải mái khi ở cùng nhà với gia chủ. Tôi được chuyện trò, hỏi han về đời sống ở nơi mà chưa đầy chục năm trước còn tù mù vì không có điện.

Chủ nhà tự tay quét dọn, cuốn lại cái mùng “để tụi nhỏ tối ngủ cho ngon”, gởi mớ bánh ướt lá “sẵn đi chợ mua về cho tụi con ăn cho vui”… như thể chuẩn bị cho con cháu ở xa về.

Tôi được ăn bữa cơm quê với các món ăn toàn đồ nhà trồng; được mời chén trà, chung rượu, cùng ngắm sao trời… Còn gì xúc động hơn khi nửa đêm về sáng chú chủ nhà ra mé sông bắt tôm bắt tép để hôm sau kịp có món cho khách.

Sớm mai thức dậy đã thấy nồi cháo cá mà cô chủ nhà chuẩn bị sẵn, chỉ chờ khách đi chụp hình, đón bình minh ở mé sông trước nhà về là bày ra.

Khách đạp xe đi chơi về mệt, cô chủ nhà đã có sẵn một mẹt đầy những chén sương sâm mà buổi sáng, khi khách đi chơi, cô ra vườn hái, rửa, vò lá cho đông lại, chuẩn bị luôn chén đường cát để món ăn thêm ngọt. Rồi cô đi pha nước đậu biếc cho khách uống. Rồi cô đi xúc đám tép bạc đất ở cái ao trước nhà, thứ tép ngon nổi tiếng miền Tây, chuẩn bị bữa trưa… 

Hành trình Sài Gòn - cồn Chim, Trà Vinh dài 130km, theo cao tốc TPHCM - Trung Lương (hoặc Quốc lộ 1A) đến thành phố Mỹ Tho (Tiền Giang) thì rẽ vào Quốc lộ 60, xuyên qua Bến Tre, đến Trà Vinh. 

Từ thành phố Trà Vinh, theo Quốc lộ 53 hướng về biển Ba Động. Đi khoảng 10km đến ngã ba chợ Hòa Lợi, rẽ phải vào Hương lộ 14 đi khoảng 5km đến cống Bà Trầm và đi tiếp đến bến phà Bà Trầm. Từ đây, đi phà qua cù lao Hòa Minh, sau đó quẹo phải đi thêm khoảng  1,5km, qua hai cây cầu nữa, tới bến phà qua cồn Chim. 

Nếu bạn đi theo nhóm đông, có thể thuê riêng một chiếc phà đậu sẵn ngay bến phà Bà Trầm để đi thẳng qua cồn Chim (giá cả và thời gian đi về theo thỏa thuận). 

Cồn Chim có hai homestay với khoảng bảy phòng, nếu bạn đi đông cần lưu ý việc này. Giá phòng từ 250.000 - 500.000 đồng. Giá thuê xe đạp: 30.000 đồng/ngày.

Lê Minh Hạ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI