Về để làm gì?

17/01/2020 - 07:36

PNO - Ở tiệm thuốc tây gần bến xe Q.8, chị chủ tiệm hồ hởi hỏi khách: “Rồi chừng nào mới về quê lận?”. Chị khách lạ hơi khựng lại, lúng túng: “Ủa sao biết tui sắp về quê?”. Người đàn ông chờ mua thuốc gần đó xởi lởi: “Tết nhứt mà không về quê thì đi đâu? Về hổng làm chi chứ cũng phải về à”. Câu chuyện về quê từ đó rộn ràng cả cái quầy thuốc dù khách khứa mỗi người chỉ ghé một chặp, nối tiếp nhau mà khoe, mà kể.

Tết rồi, về nhà thôi!

Từ một đứa trẻ cho đến một chuyên gia, người ta sẽ trở về. Để làm chi? Để viết thêm phần mình vào câu chuyện chung của một gia đình, một con xóm hoặc lặng lẽ ngắm nhìn rồi vẽ những nét riêng mình vào tương lai của một thành phố, một dân tộc.

Sài Gòn, những ngày giáp tết - địa điểm này và thời gian này giống như một dấu nén của cả không - thời gian cho câu chuyện trở về. Cuộc trở về của cả đời người, của một vùng đất, chứ không chỉ cuộc hồi hương vẫn rộn rã truyền thông mỗi độ tháng Chạp về.

Tết, hay là… “gót chân Asin” của những công dân quốc tế

Lúc nghe nói vợ chồng Cẩm Quỳnh (hiện đang sống tại bang Tennessee, Mỹ) vừa bỏ một số tiền lớn để mua vé máy bay về Việt Nam ngay dịp tết Nguyên đán, người hàng xóm ngoại quốc cũng ngạc nhiên hỏi: “Về làm gì?”. Bà chỉ hỏi bâng quơ. Nhưng, câu hỏi như chạm đến cái mạch tâm tư cứ chực trào lên trong Quỳnh. 

Họ muốn trở về trọn vẹn bản thể một người Việt - Ảnh: Minh Thanh
Họ muốn trở về trọn vẹn bản thể một người Việt - Ảnh: Minh Thanh

Quả thực, cô có thể về bất kỳ lúc nào. Những mùa thấp điểm, việc đi lại còn thuận lợi và tiết kiệm hơn nhiều. Những phân tích tỉnh táo đó khiến con người ở một hợp chủng quốc không hiểu vì sao những người Việt Nam như Quỳnh lại cứ đau đáu về quê ngay dịp tết. Họ không hiểu vì sao những gia đình trẻ vốn thu vén từng chút trong sinh hoạt những năm đầu ở Mỹ, lại sẵn sàng “phóng tay” một khoản chênh lệch lớn trong chi phí để về quê ăn tết. Quỳnh hỏi tôi câu hỏi đó ngay đầu cuộc trò chuyện, rồi tự cô trả lời.

Năm năm sống ở Mỹ, áp lực hòa nhập, rồi việc sinh con khiến cuộc sống xa xứ tiếp diễn trong tất bật, lo toan. Từ khi quyết định lên đường theo chồng khi anh nhận được học bổng tiến sĩ ở Mỹ, Quỳnh đã sẵn tâm lý để đương đầu với nỗi nhớ nhà. Cô làm việc nhà, khám phá khu phố mình ở, tham gia những hoạt động của nhóm du học sinh Việt Nam, đăng ký những lớp học cho người nhập cư… Nhưng, lần đầu nghe một bài nhạc xuân trong một cửa hàng của người Việt, cô đã… “gục ngã”. “Mùa xuân”, “tết” như một yếu điểm vốn khuất lấp giữa tất bật của đời và can trường của mình - giờ đã bị chạm đến. Suốt đường về nhà, cô khóc giàn giụa. Có một kẻ xa xứ vừa được đánh thức trong cô - bên trong một cô vợ trẻ năng động và nhạy bén với cuộc sống mới.

“Giọt nước mắt đầu tiên trên nước Mỹ, là giọt nước mắt nhớ nhà”, Quỳnh nói. Và khi đã có thể sống quanh năm như một người Mỹ trên đất Mỹ, thì đến mùa xuân, đến tết, cô lại nôn nao muốn trở về trọn vẹn bản thể một người Việt…

“Về hổng làm chi chớ cũng phải về” - anh khách trung niên trong tiệm thuốc tây nọ chắc chẳng có ý gì sâu xa, nhưng cái câu nói “ngang hông” của anh lại thâu thái được cái phần gốc gác bên trong những người Việt đang sống cuộc đời những “công dân quốc tế”.

Sống cùng chồng là người Singapore gốc Hoa, tết âm lịch là sự kiện mà Trần Phượng Linh (trợ giảng Đại học Quốc gia Singapore) có thể trải nghiệm ngay tại xứ người. Ngày tết, người Hoa ở đây cũng trang hoàng nhà cửa, sắm sửa, bày biện rồi thăm nom, lì xì… Nhưng Linh “thấy mình chỉ như một người quan sát chứ chưa thực là đang… ăn tết, dù vẫn cùng ngày tháng đó, cùng những lễ nghi, hội hè đó”.

Tết năm nay, Linh nghỉ phép để về Việt Nam (Singapore chỉ nghỉ một ngày cho dịp tết âm lịch). Cái tết ở bên kia một chặng bay 2 giờ, là cái tết duy nhất mà cô có thể ngồi sau lưng ba, cùng chạy xe ra hướng ngã tư Bình Thái mua về mấy chậu vạn thọ. Căn nhà cấp bốn ở P.Phước Long A, Q.9, TPHCM qua mấy thập niên vẫn trung thành với loài hoa quê mùa. Bởi… ba cũng có định nghĩa tết của ba, rằng cứ phải là vạn thọ mới đúng là hoa chưng tết.

Đến đêm Ba mươi, sau khi đứa con gái lớn xách cái giẻ đi lau lại một lượt mặt bàn, mặt tủ, thì tết đã đến trong ngôi nhà. Cả gia đình lại quây quần ngồi xem Gặp nhau cuối năm, chờ Chủ tịch nước đọc lời chúc tết trên ti vi. Lúc tiếng pháo hoa đồng loạt “bùm” trong cái loa vô tuyến ở phòng khách và trên bầu trời Sài Gòn, thì phía trước nhà, mâm cúng giao thừa của mẹ đã lên đèn. Nhà nào cũng có một mâm cúng phía trước. Cả một dãy dài những chiếc bàn lộ thiên và những ngọn đèn cầy, lung linh huyền ảo. Bên mỗi chiếc bàn lại có một người đàn ông rì rầm khấn nguyện những điều lành. Chậu bông vạn thọ mua ở gần ngã tư Bình Thái, mâm cúng giao thừa, tiếng pháo hoa - những diễn giải về tết như thể đang “làm khó” cả những cường quốc đa văn hóa như Singapore, như Mỹ. 

Việt kiều về quê ăn tết Canh Tý ẢNH: MINH THANH
Việt kiều về quê ăn tết Canh Tý - Ảnh: Minh Thanh

Tôi nói với Quỳnh, sau 5 năm, quê hương đổi khác có thể sẽ làm cô hụt hẫng. Nhưng Quỳnh không tìm cái gốc cây có thể đã bị bão cuốn mất, không tìm ruộng lúa có thể đã bị san phẳng cho một khu đô thị mới. Cô về, để lại đứng lẫn vào đám con trẻ rồng rắn lên nhà thờ trên núi trong đêm Ba mươi. Trong cái xóm đạo Trà Kiệu (xã Duy Sơn, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam) quê Quỳnh, cứ đêm Ba mươi, cả nhà lại có mặt ở nhà thờ để dự lễ cho đến gần giờ giao thừa. “Bao giờ cũng vậy, hễ vừa bước vào cổng nhà là đồng hồ cũng vừa điểm giao thừa” - cô nói, như kể về một huyền thoại.

Về bằng cả con tim lẫn khối óc

Những tưởng, chỉ có câu chuyện của con tim mới có những “tiểu tiết linh thiêng” và riêng tư như thế. Vậy mà, giữa những phép tính vĩ mô, những nghiên cứu tưởng chừng khô khan và thuần lý trí, người ta cũng “vọng quê hương” từ điều bé nhỏ và riêng tư nhất…

Tôi như thấy một Phan Tấn Lộc khác xa với danh xưng “kiến trúc sư Việt kiều, nhà quy hoạch đô thị từ Pháp” khi ông phát biểu trong cuộc gặp gỡ giữa lãnh đạo TPHCM với kiều bào trước dịp tết Canh Tý nhằm tiếp nhận ý kiến góp phần phát triển thành phố. Ông “giải oan” cho xe máy, khẳng định vấn đề kẹt xe không xuất phát từ phương tiện mà xuất phát từ con người. Ông khẳng định, Sài Gòn kẹt xe một phần là do… thiếu đường. Phát biểu của ông hôm đó đã được lan truyền khá nhanh trên truyền thông cùng những thông điệp mới và xác đáng cho những vấn đề muôn đời của Sài Gòn.

Kiến trúc sư Phan Tấn Lộc đóng góp với lãnh đạo TP.HCM những thông tin và phương án được ông quan sát và suy ngẫm sau rất nhiều ngày tháng trở về và “lắng nghe” người Sài Gòn - Ảnh: Minh Trâm
Kiến trúc sư Phan Tấn Lộc đóng góp với lãnh đạo TPHCM những thông tin và phương án được ông quan sát và suy ngẫm sau rất nhiều ngày tháng trở về và “lắng nghe” người Sài Gòn - Ảnh: Minh Trâm

Nhưng, có lẽ những phát hiện đó không thể đến từ góc nhìn của một Việt kiều hay một chuyên gia quy hoạch đô thị thông thường. Nó đến từ tâm thế của một kẻ “trở về”. Mỗi lần có chút thời gian chuyện trò với những người dân mưu sinh trên đường phố, ông lại nhận ra, nhiều người không hề biết về luật. “Họ cứ xách xe chạy chứ không biết đúng - sai, họ sai trên chính tính mạng của họ chứ không chỉ là luật pháp”. Rồi chính ông như cũng lặng người khi nói: “Suốt thế kỷ XX, ta chìm trong chiến tranh, người dân vì thế ít tiếp cận được với pháp luật nên thiếu nhận thức, dẫn đến không có ý thức tốt khi tham gia giao thông. Giờ phải làm sao để nâng cao nhận thức cho họ, chứ không chỉ ca thán hay là… cấm đi xe máy”.

Phát hiện này có lẽ không mới mẻ, nhưng nó như một thấu cảm giản dị với đối tượng mình nghiên cứu, với đồng bào mình. Và, nó phát ra đúng lúc, để thấy những nỗi “ác cảm xe máy”, những quy kết vội vã về ý thức người dân có thể đưa ra những quyết định, chính sách gượng gạo, sai lầm.

Nhưng, sự thấu hiểu đặc biệt đó lại đến từ những trải nghiệm bé nhỏ, những lần lặng lẽ xuống đường, chuyện trò với người cần lao của một kiến trúc sư Việt kiều. Ông kiến trúc sư Pháp học của ta đã “trở về” từng lần trọn vẹn, giản dị mà đáng kinh ngạc: “Tôi đi đường Quang Trung, có đoạn dài hơn ngàn mét mà không có đường nhánh, chỉ toàn hẻm. Đường chính thì kẹt xe liên miên. Vậy ta kẹt xe là do ta thiếu đường”. Đó là lời một chuyên gia nói về nạn kẹt xe, hay là lời một người yêu thành phố nói về một con đường? Số lượt đi trên con đường Quang Trung của ông Việt kiều hẳn thua xa hàng chục ngàn người thường trú ở khu vực Q.Gò Vấp, nhưng nếu chưa từng “đi để hiểu”, thì dù có lại qua ngàn lần, cũng chẳng mấy ai nhận ra sự khác biệt đến thế của một con đường.

Người Sài Gòn cũng có thể lại giật mình như thế, khi xem bảng trình chiếu về khu vực Q.2, TPHCM trên bản đồ tại cuộc gặp của kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn. Trên bản đồ, ông khoanh vùng bằng một đường nối màu đỏ để thể hiện đường đi của giao thông công cộng và đường nối màu xanh để thể hiện khu vực nhà cao tầng. Và hai đường này, không hề chạm nhau. Ông Sơn kết luận: ta đang quy hoạch giao thông một đằng, nhà cao tầng một nẻo.

Tôi cũng từng sống trong khu vực được ông thể hiện trên bản đồ: ở bên phía đường kẻ màu xanh và đi về phía “đường kẻ màu đỏ” để đi phương tiện công cộng. Nhưng mãi đến khi nhìn thấy tấm bản đồ của ông Sơn, tôi mới nhận ra cái nghịch lý mình đã chung sống, như vừa được truyền cho “bí kíp” từ một “cao nhân thấu thị chuyện đời”, hay một người con xa quê vẫn yêu và không ngừng khám phá Sài Gòn.

Thành phố Hồ Chí Minh ngày mùng Một tết ẢNH: KEO TRUONG
TPHCM ngày mùng Một tết - Ảnh: Keo Truong

Lúc tôi sắp kết thúc cuộc gọi video “xuyên lục địa” với Cẩm Quỳnh thì bé Thùy Dương lò dò xuất hiện. Cô bé chừng bốn tuổi, mặc bộ quần áo ngủ mùa đông, hỏi lơ lớ cái giọng ngái ngủ: “Hôm nay là còn mấy ngày nữa hả mẹ?”. Quỳnh dịu giọng: “Còn bảy ngày nữa con, là tròn một tuần đó”. Cô bé ôm cảm ơn mẹ rồi chạy đi. Sau lưng Quỳnh lúc này chỉ còn lại căn phòng ngổn ngang những chiếc va-li to đang mở nắp, chất đầy quần áo chưa xếp gọn. Hành lý về Việt Nam thu xếp hơn một tuần vẫn chưa yên tâm mà mỗi ngày, câu hỏi của cô con gái chưa một lần về quê mẹ cứ như một phép đếm ngược đến ngày về của cả nhà.

Từ một đứa trẻ cho đến một chuyên gia, người ta sẽ trở về. Để làm chi? Để viết thêm phần mình vào câu chuyện chung của một gia đình, một con xóm hoặc lặng lẽ ngắm nhìn rồi vẽ những nét riêng mình vào tương lai của một thành phố, một dân tộc. 

Thanh Tân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI