Vắc-xin Pfizer và AstraZeneca có hiệu quả tương đương nhau đối với các ca nhiễm COVID-19

21/05/2021 - 17:04

PNO - Phân tích cho thấy vắc-xin Pfizer và AstraZeneca có hiệu quả trong việc làm giảm thiểu các ca nhiễm COVID-19 có triệu chứng tương đương nhau

Vắc-xin COVID-19 do Pfizer-BioNTech và Oxford-AstraZeneca phát triển có khả năng bảo vệ tương đương nhau trong việc làm giảm thiểu sự lây nhiễm virus SARS-CoV-2. Đây là kết quả do Public Health England (PHE) - cơ quan y tế công cộng thuộc chính phủ Anh - phân tích về dữ liệu thực tế từ những người đã được tiêm vắc-xin ở Anh.

Để hiểu rõ hơn về khả năng bảo vệ do hai loại vắc-xin mang lại, hiệu quả của chúng được xem xét từ 4-13 ngày sau liều đầu tiên. Kết quả cho thấy, hiệu quả của một liều vắc-xin Pfizer-BioNTech đối với ca nhiễm COVID-19 có triệu chứng được ước tính là 54%, con số này đối với vắc-xin Oxford-AstraZeneca là 53%.

Như vậy, đối với cả hai loại vắc-xin, việc được tiêm một liều đã đạt hiệu quả trong việc ngăn ngừa lây nhiễm COVID-19, so với việc không được tiêm chủng.

Hai loại vắc-xin COVID-19 của Pfizer và AstraZeneca được chứng minh là có hiệu quả như nhau
Hai loại vắc-xin COVID-19 của Pfizer và AstraZeneca được chứng minh là có hiệu quả như nhau

Phân tích cũng tiết lộ rằng việc hoàn thành đủ hai liều vắc-xin đảm bảo khả năng bảo vệ chống lại COVID-19 cao hơn nhiều.

Đối với những người đã được tiêm hai liều, hiệu quả ước tính là 90% đối với vắc-xin Pfizer-BioNTech và 89% đối với vắc-xin Oxford-AstraZeneca (so với người chưa tiêm).

Tuy nhiên, về hiệu quả của hai liều vắc-xin Oxford-AstraZeneca đối với các trường hợp nhiễm COVID-19 có triệu chứng, PHE cảnh báo "hiện tại có rất ít bằng chứng và kết quả được cho là thiếu thuyết phục".

PHE cũng nói thêm rằng, từ 10 tuần sau khi tiêm liều liều vắc-xin Pfizer-BioNTech đầu tiên, hiệu quả sẽ giảm đi, tuy nhiên không đáng kể. Trong khi đó, đối với vắc-xin Oxford-AstraZeneca, điều này không được ghi nhận.

Theo PHE, mặc dù cả hai loại vắc-xin đều đã trải qua các thử nghiệm lâm sàng quy mô lớn trước khi được chấp thuận sử dụng công khai, nhưng những phân tích từ thực tế sẽ cho kết quả chuẩn xác hơn về hiệu quả của chúng.

Kết quả của một số nghiên cứu cho thấy, cả hai loại vắc-xin đều đem lại hiệu quả cao trong việc phòng ngừa dịch bệnh.

Theo PHE, một liều vắc-xin Pfizer-BioNTech hoặc Oxford-AstraZeneca có hiệu quả phòng bệnh lên đến 75-85%.

Bảng so sánh hiệu quả của hai loại vắc-xin
Bảng so sánh hiệu quả của hai loại vắc-xin

Trong một diễn biến liên quan, vắc-xin Oxford-AstraZeneca “hoạt động tốt khi được sử dụng làm mũi tiêm nhắc lại thứ ba”.

Báo cáo về kết quả trên, tờ Financial Times cho biết: "Trong một nghiên cứu sắp công bố của Đại học Oxford, liều tiêm thứ ba giúp tăng kháng thể ở những người được tiêm, chúng có tác dụng chống lại protein gai bám đột biến của virus SARS-CoV-2"

Báo cáo còn cho biết thêm những phát hiện của nghiên cứu này “củng cố trường hợp dùng vắc-xin AstraZeneca như một mũi tiêm tăng cường, nếu khả năng miễn dịch ở những người được tiêm bắt đầu suy yếu theo thời gian”. Đồng thời, nó cũng có hiệu quả trong việc chống lại các biến thể virus mới.

Linh La (theo India Today)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI