Ù tai do stress và thức khuya mùa giãn cách

16/07/2021 - 06:52

PNO - Tâm lý lo âu và thức khuya đôi khi còn khiến cơ thể xuất hiện các dấu hiệu thực thể lạ làm tinh thần càng thêm hoang mang.

 

Cuộc sống, nền nếp sinh hoạt của mọi người bị đảo lộn do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Tâm lý lo âu và thức khuya đôi khi còn khiến cơ thể xuất hiện các dấu hiệu thực thể lạ làm tinh thần càng thêm hoang mang.

Chị P.T.T.M. (38 tuổi, ngụ tại H. Nhà Bè, TPHCM) cho biết cách đây một tuần, sáng thức dậy chị bỗng dưng bị đau, ù một bên tai phải. Lúc chị nghe mọi người nói chuyện, tiếng nói cứ bị vọng lại. Vài tiếng sau tình trạng này tự hết nhưng thi thoảng lại tái diễn. Chị không bị sốt, nhức đầu cũng như tiền sử huyết áp tim mạch. Người thân của chị tìm hiểu thông tin trên mạng và cho rằng có thể chị đang bị tai biến nhẹ. Suy diễn của mọi người khiến chị càng thêm hoang mang, đêm trằn trọc tới ba giờ sáng và thức dậy lại bị đau tai. Cơn đau không dữ dội nhưng làm chị mệt mỏi, thậm chí cáu gắt, mắng mỏ con cái vì mở ti vi hoặc đùa nghịch ồn ào. Chị lo lắng nên đã liên hệ cơ sở y tế mong được tư vấn.

Tương tự, chị N.N.T. (30 tuổi, ngụ tại Q.Tân Bình, TPHCM) cũng đột nhiên bị đau, ù một bên tai. Chị T. không bị viêm họng hay sốt nhưng rất lo lắng nếu bây giờ tới các cơ sở y tế chuyên khoa tai mũi họng sợ bị lây chéo COVID-19, còn phòng khám tư thì đều đã đóng cửa.

Tiến sĩ - bác sĩ Lý Xuân Quang, Trưởng khoa Tai - Mũi - Họng Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, cho biết chỉ trong ngày 14/7 đã ghi nhận ít nhất ba bệnh nhân xin được tư vấn, hướng dẫn vì bỗng dưng đau, ù một bên tai, nhưng lúc bị lúc không như trường hợp chị M. và chị T. Kể từ khi TPHCM giãn cách, khoa ông thường xuyên gặp những ca đột nhiên đau, ù tai như vậy.

Sau khi điều tra bệnh sử, bác sĩ ghi nhận các bệnh nhân đều có đặc điểm chung là thức khuya, tâm trạng lo âu. Bác sĩ đã giải thích để bệnh nhân yên tâm, đây không phải bị tai biến mà chính là bị rối loạn vòi nhĩ - ống dẫn từ tai giữa tới mũi, họng. Có rất nhiều nguyên nhân nhưng thường thấy khi đi máy bay do thay đổi áp suất không khí, căng thẳng quá độ làm co thắt mạch máu, viêm nhiễm mũi họng. Do đó, chỉ cần uống thuốc trị viêm mũi họng, điều tiết lại cảm xúc, chế độ sinh hoạt thì các triệu chứng sẽ tự khỏi.

Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Vĩnh Phước, Trưởng khoa Tai - Mũi - Họng Bệnh viện Thống Nhất, lưu ý thêm về tình trạng rối loạn vòi nhĩ. Trong các bệnh nhân bị rối loạn vòi nhĩ ông từng thăm khám thì nguyên nhân gặp nhiều nhất là trào ngược dịch bao tử. Giãn cách xã hội ở trong nhà, giờ giấc đảo lộn, có người thức tới 2 - 3 giờ sáng. Thức khuya quá, bụng cồn cào, khi nằm ngủ, dịch bao tử trào ngược lên vòi nhĩ gây ra cơn phù nề khiến vòi nhĩ bị tắc, dẫn tới tai bị ù. Nếu không can thiệp điều trị thì ngoài ù tai, trào ngược dịch bao tử có thể khiến bệnh tiến triển thành viêm tai giữa.

Theo bác sĩ Phước, nếu thấy đau một bên tai, ù tai thì thử nhai kẹo cao su, thư giãn, thả lỏng cơ thể, nghỉ ngơi điều độ. Trong trường hợp tình trạng đau và ù tai không tăng cũng không giảm, gây ảnh hưởng chất lượng sống thì hãy tới các bệnh viện đa khoa. Sau khi khai báo y tế, làm sàng lọc, người dân sẽ được hướng dẫn tới phòng khám chuyên khoa tai mũi họng để được khám kỹ lưỡng. Trong trường hợp triệu chứng đau và ù tai thuyên giảm, người dân nên chờ sau khi hết giãn cách hãy đi khám. 

Dù vậy, bác sĩ Phước cũng cảnh báo không phải lúc nào ù tai cũng là rối loạn vòi nhĩ. Còn một bệnh lý nguy hiểm khác cũng gây đau và ù một bên tai là ung thư vòm họng. Tuy nhiên, khi bị ung thư vòm họng thì bệnh nhân hay có các triệu chứng đi kèm như nhức đầu, chảy máu mũi, sưng hạch.  

Thanh Huyền

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI