Tưởng niệm đồng bào và cán bộ, chiến sĩ đã mất trong đại dịch COVID-19: Những bài học vô giá từ đại dịch

19/11/2021 - 06:30

PNO - Tối nay 19/11, khi tiếng chuông, tiếng còi tàu ngân lên, hàng ngàn ngọn nến thắp sáng hoa đăng… là lúc cả nước tưởng nhớ hơn 23.000 người đã mất do COVID-19, cũng cho chúng ta nhìn nhận những bài học vô giá về những ngày đã qua.

 

Những “đóa blouse trắng” nở trong tâm dịch

Từ khi đại dịch COVID-19 xuất hiện, đội ngũ y, bác sĩ chưa một ngày ngơi nghỉ, vừa chăm sóc sức khỏe người dân, vừa luôn trong tình trạng “báo động đỏ”, sẵn sàng tác chiến với dịch bệnh. Trên mặt trận với quân địch vô hình, chắc hẳn ai cũng đều lo lắng nhưng mọi sự đồng lòng, gách vác, dịch ở đâu áo blouse đuổi theo đó, kịp thời dập dịch mang lại bình yên cho nhân dân.

Tình nguyện viên tại Trung tâm H.O.P.E chăm sóc cho một em bé sơ sinh có mẹ mắc COVID-19 - ẢNH: PHẠM AN
Tình nguyện viên tại Trung tâm H.O.P.E chăm sóc cho một em bé sơ sinh có mẹ mắc COVID-19 - Ảnh: Phạm An

Còn nhớ “trận chiến” ngày 28 tết Nguyên đán 2020, khi Bệnh viện Chợ Rẫy TPHCM phát hiện ca bệnh COVID-19 đầu tiên tại Việt Nam, lúc đó cả thành phố mất ăn mất ngủ, hồi hộp trông ngóng, sợ hãi “kẻ lạ mặt du xuân” này. Ngay lúc nhà nhà tạm đóng cửa tránh dịch, e ngại ra ngoài đi chơi tết, đội ngũ y, bác sĩ đã lao vào không chút do dự. 

Ê-kíp bác sĩ tạm giấu “mùa xuân” sau cánh cửa bệnh viện, xắn tay áo giữa không khí giá lạnh, gom nỗi nhớ gia đình, nhớ quê, nhớ cha mẹ già, đàn con nhỏ thành sức mạnh, sự quyết tâm đánh đuổi dịch bệnh. Năm ấy - mùa xuân thật đặc biệt, sức mạnh đồng lòng của ngành y tế và người dân trở thành món quà vô giá. Năm ấy, dù có giai đoạn giãn cách xã hội nhưng cuối cùng “kẻ địch vô hình” cũng phải “lui binh”.

Yên ả qua năm, các “cuộc chiến” lại tiếp diễn, COVID-19 lan nhanh từ tỉnh Hải Dương đến TP. Hà Nội, rồi Gia Lai, TPHCM… Nhành mai trước nhà chưa kịp đón gió xuân, phải nhường lại cho một loài hoa đặc biệt - những “đóa blouse trắng” nở rộ, mang y đức, sự chăm sóc, chở che đến mọi miền đất nước…

Qua mỗi “trận chiến”, có bác sĩ tuyến đầu “bị thương” may mắn kịp chữa lành, cũng có chiến sĩ áo trắng, lực lượng tuyến đầu và cả người dân phải ngã xuống trong khi đang làm nhiệm vụ. Đến nay, qua bốn đợt dịch, hơn 23.000 đồng bào và cán bộ, chiến sĩ đã mất, nhưng cũng có hàng trăm ngàn bệnh nhân được cứu sống.

Nỗi đau này không của riêng ai, mà chúng ta có chung niềm xót xa, mất mát trước dịch bệnh. Khoảng trống của hơn 23.000 đồng bào Việt Nam, không thể nói thành lời. Tối nay (19/11), khi tiếng chuông, tiếng còi tàu ngân lên, hàng ngàn ngọn nến thắp sáng hoa đăng… chúng ta dừng lại mọi công việc, cùng nhau cúi đầu tưởng nhớ người ra đi do COVID-19 để biết rằng chúng ta rất may mắn khi trái tim nóng vẫn đập nơi lồng ngực.

Cùng nhau vượt qua đại dịch

Chị Nguyễn Thị Ngọc Như (43 tuổi, ở H.Bình Chánh, TPHCM) thắp nén nhang tròn thất cho cha mình là ông N.V.T. (78 tuổi), trút hơi thở cuối cùng sau ba ngày nhập viện.

Chị tâm sự: “Tuy tuổi cao nhưng cha tôi minh mẫn lắm. Sáng nào, cha cũng cùng các chú trong Hội Cựu chiến binh đi tập thể dục, đánh cờ. Cha là người truyền đam mê đọc sách cho tôi. Sinh thời, thấy con cháu quá lo lắng cho mình, ông hay nói ngày xưa ông may mắn vượt qua nhiều trận đánh, nếu hôm nay mắc COVID-19, có thể, ông sẽ hiến xác cho y học để bác sĩ nghiên cứu sớm tìm ra thuốc cho mọi người. Lúc cha biết mình dương tính, ông cũng tỏ rõ ý định này nhưng chưa thực hiện được”.

Chị Như nói quy định dịch tễ đã không cho phép cha hiến xác, nhưng suốt lúc cách ly điều trị, ông T. thường gọi điện thoại cho con cháu mỗi khi sức khỏe ổn định để nói cho con biết các ý định của mình. Trong đó, ông nói ông hạnh phúc vì ngày nay điện thoại tân tiến, dù ở một mình vẫn có thể nhìn thấy người thân.

Chia sẻ thêm, chị Như cho biết: “Cha nói, nếu lỡ phải chết, cha vẫn vui vì con cháu xa cách mấy ông cũng đã được nhìn mặt. Ông thương những bệnh nhân khác, phải đơn độc, lẻ loi chiến đấu rồi âm thầm ra đi. Lễ tưởng niệm đồng bào tử vong và cán bộ, chiến sĩ hy sinh trong đại dịch COVID-19, mang đến cho tôi phần nào sự ấm áp, xoa dịu, tôi tin cha tôi cũng thấy yên lòng. Trên hết, tôi muốn nói rằng chúng ta hãy chung tay, đừng để người bệnh phải âm thầm chiến đấu rồi lặng lẽ, đau đớn, mất đi trong đơn độc”. 

Với anh Trần Văn Thời (ở H.Hóc Môn, TPHCM), ba đứa cháu nhỏ của anh đã chịu nỗi đau khó có thể bù đắp, khi cả cha mẹ, ông bà của các cháu lần lượt mất đi vì COVID-19. Các cháu chỉ còn anh là nơi nương tựa cuối cùng. “Tôi sợ nếu một ngày mình có kết quả dương tính, các cháu tôi khó có cuộc sống an lành. Đừng nghĩ trẻ con không biết đau, thằng Út bốn tuổi thường giật mình khóc nửa đêm đòi mẹ.

Nghe tin về lễ tưởng niệm, bọn trẻ đòi cậu mua nến để thắp cho cha mẹ, ông bà. Tôi cảm ơn chính quyền địa phương và TPHCM đã quan tâm, chia sẻ với chúng tôi nỗi đau lớn này, cháu tôi sẽ hiểu được mọi người luôn quan tâm, yêu thương chúng”, anh Thời xúc động. Anh cũng mong muốn tất cả trẻ em không may mất đi cha, mẹ, người nuôi dưỡng… do COVID-19, sẽ có giấc ngủ ngon hơn trong những vòng tay nhân ái khác, để các bé đỡ thiệt thòi, cuộc đời bớt bão giông.

Hơn 23.000 người tử vong do COVID-19 (trong đó TPHCM hơn 17.000), để lại vô số bài học quý giá về cuộc sống, thương yêu gia đình, cùng nhau sẻ chia, đoàn kết để tạo thành trì vững chắc trước “kẻ thù vô hình”. Cuộc chiến với COVID-19 vẫn còn tiếp diễn, chúng ta hãy mạnh mẽ hơn, đừng chủ quan, lơ là. Mỗi người phải có trách nhiệm góp sức cùng TPHCM nói riêng và cả nước nói chung sớm đẩy lùi dịch bệnh, để đồng bào và cán bộ, chiến sĩ đã ngã xuống trong đại dịch COVID-19 không trở nên vô ích. Đó mới là điều quan trọng. 

Phạm An

 

 

 

 
TIN MỚI