Tục 'bắt cóc cô dâu' ở Indonesia

08/11/2019 - 12:00

PNO - Trong vòng 15 phút đầu của cuộc hẹn đầu tiên, thiếu nữ Indonesia Helma Yani nhận được lời cầu hôn từ một chàng trai. Anh ta đưa cô bé đến nhà một người thân và một tháng sau đó, ở tuổi 17, họ kết hôn.

Theo hãng tin Reuters, Yani là một trong gần 1,5 triệu cô dâu trẻ em ở Indonesia - quốc gia có đa số dân theo Hồi giáo và là nơi có số lượng các cuộc hôn nhân tuổi vị thành niên cao thứ tám thế giới, theo Liên Hiệp Quốc. Chính phủ Indonesia đã tăng tuổi kết hôn cho các thiếu nữ từ 16 lên 19 vào tháng Chín năm nay, nhưng các nhóm nhân quyền lo ngại truyền thống sâu xa và việc không đăng ký các cuộc hôn nhân có thể cản trở nỗ lực chấm dứt vấn nạn này.

Tuc 'bat coc co dau' o Indonesia
Các thiếu nữ Indonesia trong một buổi cầu nguyện ở Jakarta - Ảnh: Reuters

Những câu chuyện như Yani rất phổ biến tại Lombok, nhưng các nhà hoạt động đang hợp sức với những người cao tuổi trong làng nhằm khôi phục các cách thức truyền thống của tục “merariq”. Nghi lễ bắt cóc cô dâu ở Lombok, có nguồn gốc từ nhiều thế hệ trước đây trong cộng đồng người Sasak - một nhóm dân theo Hồi giáo gồm khoảng 3 triệu người sống chủ yếu trên hòn đảo phía đông khu nghỉ mát Bali. Thường các cuộc thương thảo được tổ chức giữa hai gia đình sau khi một chàng trai để mắt đến một cô gái. Chàng trai sau đó đưa cô gái đến một địa điểm đã thỏa thuận để xem có hợp nhau hay không, trong khi người thân giữ vai trò giám sát.

Hiện nay, nghi thức trên thường dẫn đến những câu chuyện buồn như Yani - một cái cớ dễ dàng cho đàn ông ép hôn. Một khi cô gái ở với người cầu hôn mình trong nhiều ngày, cha mẹ cô gái thường rất tuyệt vọng, để tránh sự kỳ thị xã hội nên họ chấp nhận cuộc hôn nhân.

Đội mũ cầu nguyện truyền thống “songkok” của người Hồi giáo và áo sơ-mi batik, ông Muhamad Rais là một trong những người cao tuổi chuyên tư vấn cho dân chúng Lombok về các phong tục truyền thống trong những vấn đề như sinh con, kết hôn và tử vong. Kể từ năm 2016, ông làm việc với các tổ chức từ thiện địa phương trong một dự án thí điểm nhằm làm sống lại truyền thống ban đầu của tục “merariq” mà ông cho là bị chi phối bởi một loạt bước phức tạp phải được thực hiện cẩn thận trước khi “nghi thức bắt cóc” bắt đầu. Điểm then chốt trong nỗ lực trên là khôi phục một yếu tố gọi là “belas”, cho phép cô gái và chàng trai tách đôi nếu được coi là chưa phù hợp để tiến tới hôn nhân. Và dù tục “merariq” không quy định độ tuổi tối thiểu, ông Rais cho biết cô gái phải dệt 144 miếng vải, còn chàng trai phải nuôi trâu sinh 25 con mới được kết hôn. Nói cách khác, các “đương sự” phải là người lớn.

Dự án thí điểm trên được thực hiện tại bốn ngôi làng kể từ năm 2016, đã ngăn chặn được khoảng 20 cuộc hôn nhân vị thành niên, theo Cơ quan Bảo vệ trẻ em và thanh thiếu niên có trụ sở tại Lombok - tổ chức khởi xướng sáng kiến này. 

Quang Nguyễn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI