Từ vụ tranh chấp bản quyền cuốn sách "Trò chuyện với cõi vô hình": Nghĩ về ứng xử với người chấp bút

25/02/2021 - 15:49

PNO - Lâu nay, quyền lợi của người chấp bút chủ yếu tùy thuộc vào ứng xử của nhân vật được khai thác trong tác phẩm và đơn vị thực hiện tác phẩm.

Sáng 24/2, ông Nguyễn Văn Phước, Giám đốc First News – Trí Việt viết trên trang cá nhân: “Cuốn sách Trò chuyện với cõi vô hình do First News lên ý tưởng thực hiện từ 2013-2017, đã đặt tên sách, biên tập, thiết kế. Nay Thái Hà Books xuất bản vi phạm bản quyền, loại bỏ tên First News và người chấp bút: nhà văn Nguyễn Thị Việt Hà”.

Thông tin này lập tức thu hút sự chú ý của dư luận. Trò chuyện với cõi vô hình được chính thức ra mắt vào ngày 14/5/2017. Buổi họp báo diễn ra tại TPHCM, có sự tham gia của nhân vật trong cuốn sách - bà Hoàng Thị Thiêm, đơn vị thực hiện cuốn sách First News - Trí Việt và người chấp bút là nhà văn Nguyễn Thị Việt Hà.

Bản sách Trò chuyện với cõi vô hình do First News xuất bản vào năm 2017
Bản sách Trò chuyện với cõi vô hình do First News xuất bản vào năm 2017

“Năm 2012, tôi gặp chị Hoàng Thị Thiêm. Lúc ấy, chị có đưa cho tôi tập bản thảo khoảng 80 trang, bao gồm cả những bài báo viết về chị và một ít trang viết tay. Vào thời điểm ấy, Hoàng Thị Thiêm nổi tiếng với danh xưng là “Người đàn bà ba mắt”, có khả năng thấu thị, áp vong và nhiều năng lực ngoại cảm khác.

Tôi lên ý tưởng thực hiện cuốn sách, tìm người chấp bút, đặt tên sách, biên tập, thiết kế hoàn chỉnh. Việc xin giấy phép xuất bản một cuốn sách đề tài tâm linh, ngoại cảm lúc bấy giờ không hề dễ dàng. Nhưng First News vẫn nỗ lực vì mong muốn in được một cuốn sách với mục đích thức tỉnh, mang lại niềm tin về tâm linh-nhân quả, giúp con người có thể nhận diện, sống thiện lương hơn” – ông Nguyễn Văn Phước, Giám đốc First News - Trí Việt chia sẻ với báo Phụ Nữ TPHCM vào sáng 25/2.

Trò chuyện với cõi vô hình được Nhà xuất bản Hội Nhà văn cấp phép, có lượng tiêu thụ khá tốt sau khi phát hành. Sau đó, khi First News chuẩn bị tái bản cuốn sách này thì bà Hoàng Thị Thiêm đề nghị bỏ tên người chấp bút ra khỏi bìa sách. Phía First News từ chối yêu cầu của nhân vật, đồng nghĩa với việc không cho tái bản cuốn sách.

Tháng 5/2019, bà Hoàng Thị Thiêm đơn phương chấm dứt hợp đồng với First News.

Buổi ra mắt sách Trò chuyện với cõi vô hình vào tháng 5/2017. Ảnh: First News - Trí Việt
Buổi ra mắt sách Trò chuyện với cõi vô hình vào tháng 5/2017. Ảnh: First News - Trí Việt

Đến tháng 2/2021, Thái Hà Books tiến hành các thủ tục để phát hành lại cuốn sách này, với tên Trò chuyện với cõi vô hình - nhà ngoại cảm Hoàng Thị Thiêm và hành trình kết nối hai thế giới. Phía Thái Hà Books cho biết, đơn vị ký hợp đồng tái bản cuốn sách này căn cứ theo các giấy tờ pháp lý mà bà Thiêm cung cấp: giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả được cấp bởi Cục Bản quyền tác giả ngày 10/4/2018 và Thông báo đơn phương chấm dứt hợp đồng ngày 8/5/2019.

Đến thời điểm hiện tại, Thái Hà Books cho biết đơn vị đã có quyết định tạm dừng tái bản cuốn sách Trò chuyện với cõi vô hình.

“Xét về lý, trường hợp này phía Cục Bản quyền đã có sai sót khi cấp giấy chứng nhận cho bà Thiêm mà không xác minh rõ ai mới là tác giả/đồng tác giả thật sự của cuốn sách. Xét về mặt công việc, Thái Hà Books lẽ ra cần phải xác minh kỹ hơn nữa về bản quyền tác phẩm” – ông Nguyễn Văn Phước nhận định.

Trước đó, First News đã gởi công văn đến Cục Bản Quyền, Cục Xuất bản và 20 nhà xuất bản trong nước thông báo về việc cuốn sách Trò chuyện với cõi vô hình có quyền sở hữu thuộc về 3 bên: First News - Trí Việt (là đơn vị lên ý tưởng, hợp đồng nhà văn Nguyễn Thị Việt Hà chấp bút tự truyện nhà ngoại cảm Hoàng Thị Thiêm, tổ chức biên tập, bổ sung tư liệu, đặt tên sách và hoàn thành cuốn sách), nhân vật chấp bút: nhà ngoại cảm Hoàng Thị Thiêm và người chấp bút là nhà văn Nguyễn Thị Việt Hà.

Đầu năm 2020, giữa First News và Thái Hà Books từng xảy ra tranh chấp bản quyền với cuốn sách Think and Grow Rich
Đầu năm 2020, giữa First News và Thái Hà Books từng xảy ra tranh chấp bản quyền với cuốn sách Think and Grow Rich

Đây không phải là lần đầu tiên ngành xuất bản vướng những vấn đề không hay liên quan đến “người chấp bút”. Đã từng có nhà văn ngậm ngùi khi chấp bút viết tự truyện cho người nổi tiếng, nhưng nhận được lời đề nghị từ phía đơn vị làm sách “nhường” phần đứng tên cho nhân vật. Hoặc đồng ý đứng tên đồng tác giả với người tham gia chỉnh sửa, biên tập nội dung bản thảo. 

Thực tế, lâu nay, quyền lợi của người chấp bút chủ yếu được thể hiện qua bản hợp đồng ký kết với đơn vị làm sách. Trong đó, không ít người chấp bút chưa hiểu đúng về quyền của mình được căn cứ trong Luật Sở hữu trí tuệ, với vai trò tác giả/đồng tác giả, để tự bảo vệ mình thông qua các điều khoản ràng buộc của hợp đồng.

Từ đó, giữ hay bỏ tên người chấp bút khỏi cuốn sách đôi lúc tùy thuộc vào ứng xử, đạo đức của nhân vật được khai thác trong tác phẩm và đơn vị thực hiện tác phẩm. Người chấp bút, cũng là tác giả/đồng tác giả của bản thảo, khi bị vi phạm quyền lợi chỉ có thể ngậm ngùi hoặc... kêu cứu trên mạng.

 

Lục Diệp

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI