Từ vụ chìm ca nô nhớ bài học những chiếc áo phao

27/02/2022 - 16:39

PNO - Hầu như phương tiện thủy nào đăng ký vận chuyển hành khách đều phải có áo phao. Có là một chuyện nhưng có mặc hay không là chuyện khác.

Tôi biết bơi từ nhỏ, nên khi đi trên nhưng chiếc xuồng, ghe, tắc ráng… tôi ít quan tâm đến áo phao. Lúc làm việc, có nhiều năm tôi được phân công việc có liên quan đến công tác phòng chống lụt bão.

Trong công tác này có yêu cầu phải được xác nhận biết bơi. Tôi đến Trung tâm Thể dục thể thao làm thủ tục xác nhận thì được nơi đây yêu cầu phải bơi được 100m với bất cứ kiểu bơi nào.

Hồ bơi dài 25m nên tôi phải bơi đi và bơi về 2 lần. Cố gắng hết sức tôi mới đáp ứng được yêu cầu, dù cũng phải nghỉ đôi chút mỗi khi chạm thành hồ và sau khi bơi đủ 100m phải nằm thở dốc cỡ 10 phút mới hết mệt.

Thật sự biết được sức mình, từ đó khi đi trên ghe, tàu, ca nô…, tôi là một trong những người đầu tiên tự giác mặc áo phao, không chút phân vân.

Cục CSGT đang phối hợp cùng các lực lượng thuộc Quân đội, Bộ đội Biên phòng, Công an tỉnh Quảng Nam tìm kiếm nạn nhân mất tích trong vụ chìm ca nô ở biển Cửa Đại
Cục CSGT đang phối hợp cùng các lực lượng thuộc Quân đội, Bộ đội Biên phòng, Công an tỉnh Quảng Nam tìm kiếm nạn nhân mất tích trong vụ chìm ca nô ở biển Cửa Đại

Hầu như phương tiện thủy nào đăng ký vận chuyển hành khách đều phải có áo phao. Có là một chuyện nhưng có mặc hay không là chuyện khác. Nguyên do hành khách không mặc áo phao trước tiên là do người vận hành phương tiện đó, tài công, thủy thủ  không kiên quyết yêu cầu. Họ sợ buộc hành khách mặc áo phao làm hành khách lo lắng. Thêm nữa bày ra xếp vô mất công, mà áo phao mỏng manh, mau hỏng. Nên thường họ chỉ yêu cầu mặc áo phao khi cảnh sát giao thông đường thủy không cho xuất bến hoặc sợ bị kiểm tra đột xuất.

Về phần hành khách họ nhìn quanh không thấy ai mặc nên cũng không mặc áo phao. Họ sợ bị chê là “chết nhát”, lại thấy tài công dửng dưng nên nghĩ là không bao giờ xảy ra tai nạn, và có khi nghĩ mình biết bơi, nếu có xảy ra chuyện gì mình có thể duy trì nổi trên mặt nước một lúc cho đến lúc được cứu. Góp phần vào lý do không mặc áo phao là mấy chiếc áo phao không được vệ sinh sạch sẽ, những cái bị hư hỏng như rách, khóa không cài được không được thay thế kịp thời.

Nếu không may tai nạn xảy ra lật hay chìm tàu, thuyền… hành khách biết hay không biết bơi cũng đều phải cố gắng tìm vật gì nổi để bám víu vào, khó có ai có thể giữ được mình bơi trên mặt nước được trong một thời gian dài, nhất là đâu phải hành khách nào cũng có dịp bơi thường xuyên. Đừng nói chi đến những người xung quanh cùng bị tai nạn, nắm được mình, họ đang hoảng hốt có lý nào nào họ chịu buông ra.

Cho nên, khi đi trên tàu, thuyền, ghe, ca nô,… hành khách nhất thiết phải mặc áo phao. Tài công, thủy thủ trên các phương tiện đó cũng phải mặc áo phao đầy đủ để làm gương. Các chiếc áo phao đó phải được bảo quản cẩn thận, sửa chữa, vệ sinh thường xuyên. Quan trọng nhất là các lực lượng chức năng cần tăng cường kiểm tra xử lý nghiêm khắc.

Tai nạn lật tàu tuyến biển Cửa Đại trước mắt đã có 13 người chết. May mắn là các hành khách trên tàu đều mặc áo phao nên nhiều người được cứu sống. Chắc là mọi người không dám nghĩ: “Nếu như không mặc áo phao thì còn sống được mấy người?”.

Nguyễn Huỳnh Đạt

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI