Tử vong vì tự điều trị đái tháo đường bằng thuốc 'gia truyền'

28/06/2019 - 07:20

PNO - Bác sĩ Lâm Văn Hoàng cho biết, những bệnh nhân uống thuốc giống thuốc y học cổ truyền này vào viện vì tình trạng toan máu nặng, suy thận.

Dù là chất cấm, nhưng những năm gần đây lại xuất hiện phenformin dưới các dạng trộn lẫn như trong thuốc tễ, thuốc vo viên, tiểu đường hoàn và đội lốt thuốc gia truyền khiến bệnh nhân đái tháo đường không sao nhận biết được mình đang uống độc dược.

Cứ tưởng thần dược

“Lại thêm một trường hợp bệnh nhân đái tháo đường (ĐTĐ) hôn mê vì nhiễm toan máu nặng do dùng thuốc “gia truyền” hạ đường cấp tốc”, bác sĩ một bệnh viện (BV) cảm thán. Vị bác sĩ còn cho biết: “BV nhỏ mà một tháng đã tiếp hai ca, phải cho chuyển lên BV lớn cấp cứu, vì chậm trễ là tử vong như chơi”.

Liên hệ với tiến sĩ - bác sĩ Lâm Văn Hoàng, Trưởng khoa Nội tiết BV Chợ Rẫy hỏi những ca tương tự, ông nói ngay: “Những ca này BV gặp hoài, ngoài hôn mê, nhiều trường hợp tử vong luôn”. Hơn một năm nay, BV tiếp nhận nhiều trường hợp bị nhiễm a-xít lactic do sử dụng thuốc điều trị ĐTĐ giống như thuốc cổ truyền, nhưng không nhãn mác, trong đó có chứa phenformin - một loại thuốc đã bị cấm lưu hành do khả năng gây toan máu bởi a-xít lactic với tỷ lệ tử vong lên đến 50%. 

Tu vong vi tu dieu tri dai thao duong bang thuoc 'gia truyen'
Bệnh nhân Nguyễn Thị L. may mắn được cứu sống và những viên “độc dược” suýt giết chết bà

Gần đây là bệnh nhân Nguyễn Thị L., ở huyện Bình Chánh, bị đái tháo đường đã 18 năm. Khi được hàng xóm chỉ dẫn: “Ở vùng Thất Sơn, tỉnh An Giang có thầy Bảy trị tiểu đường, ai uống cũng hết bệnh” nên bà nhờ mua. Hai ngày sau, bà L. nhận được thuốc dạng viên, màu tro, đựng trong túi ni-lông không nhãn mác, chỉ có tờ giấy ghi: sáng uống 10 viên, chiều uống 10 viên.

Khi uống qua tháng thứ hai, bà thường xuyên bị đau bụng, mệt mỏi, nôn ói. Bà rơi vào tình trạng lơ mơ. Gia đình chuyển bà vào BV gần nhà và nơi đây đã chuyển lên BV Chợ Rẫy. Khi vào BV, bà L. trong tình trạng rối loạn tri giác, choáng, suy thận… và được chẩn đoán bị toan lactic nặng trên bệnh nhân đái tháo đường. 

Tương tự, bác sĩ Trần Minh Triết - Khoa Nội tổng hợp BV Đại học Y Dược TP.HCM  cho biết, chỉ trong 5 tháng qua, BV đã cấp cứu thành công hơn 10 trường hợp nhiễm a-xít lactic với tình trạng hôn mê cũng vì bệnh nhân tự dùng thuốc “gia truyền” điều trị ĐTĐ có chứa phenformin. 

Đối với những trường hợp dùng thuốc quá lâu, đến BV muộn không được cấp cứu kịp thời có thể dẫn đến tử vong như chị Lê Thị N.A., ở Long An. Chị A. bị ĐTĐ type 2 đã 10 năm. Trước đây, chị uống thuốc tây theo chỉ định của bác sĩ, đường huyết khá ổn. Thế nhưng, vài tháng nay, chị chuyển sang uống thuốc “gia truyền” mua trên… xe đò. Chị uống liên tục nhiều tháng.

Trước khi nhập viện bốn ngày, chị A. bị buồn nôn, tiêu lỏng, thở mệt, lừ đừ rồi hôn mê, tụt huyết áp nên được gia đình đưa vào BV Chợ Rẫy. Nhưng do bệnh quá nặng nên chị A. đã tử vong sau bốn ngày điều trị.

Nào ngờ độc dược

Bác sĩ Lâm Văn Hoàng cho biết, những bệnh nhân uống thuốc giống thuốc y học cổ truyền này vào viện vì tình trạng toan máu nặng, suy thận. Nghi ngờ nguyên nhân do thuốc nên khoa đã đưa những viên thuốc này đến Viện Kiểm nghiệm thuốc TP.HCM để phân tích. Kết quả, trong số thuốc này đều có chứa chất cấm phenformin và đó là nguyên nhân gây toan máu nặng cho các bệnh nhân. 

Phenformin là một trong các thuốc điều trị ĐTĐ được phát hiện năm 1957. Tuy nhiên, phenformin mặc dù giúp kiểm soát đường huyết nhưng lại gây tác dụng phụ nghiêm trọng, có thể đe dọa tính mạng, đó chính là nhiễm toan lactic. Phenformin bị cấm lưu hành ở Mỹ cũng như ở hầu hết các quốc gia vào tháng 11/1978.

Trường hợp nhiễm toan lactic do phenformin trên người bệnh ĐTĐ được ghi nhận với các triệu chứng: nhẹ thì có biểu hiện mệt mỏi, ăn kém, yếu cơ, nhức đầu, đau bụng kéo dài, tiêu chảy...; nặng, nhiễm toan có thể có các biểu hiện thở nhanh nông, hơi thở có mùi trái cây, tim đập nhanh, rối loạn tri giác và suy hô hấp, loạn nhịp tim, tụt 
huyết áp… 

Việc sử dụng thuốc phenformin hay các viên thuốc trộn phenformin có nguy cơ nhiễm toan lactic nặng trong một số điều kiện thuận lợi như nhiễm trùng, mất nước do tiêu chảy, trên nền bệnh ĐTĐ có nhiều biến chứng, đặc biệt biến chứng thận, thúc đẩy tình trạng nhiễm toan nặng, suy hô hấp, suy thận, hôn mê và tử vong. Tỷ lệ sống còn của bệnh nhân bị nhiễm toan lactic là 78% nếu bình thường sau 24-48 giờ, và chỉ còn 14% sau 48 giờ. 

Thùy Dương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI