Có còn ai viết thư tay?

Từ những cánh thư đầu tiên

29/07/2021 - 17:34

PNO - Lá thư đầu tiên Cẩm Chi viết gửi cho người yêu là một chiếc thiệp sinh nhật được chị tự tay thiết kế, nắn nót những lời chúc.

Vợ chồng chị Lê Thị Cẩm Chi, anh Lê Trần Duy Phong (TP.Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) thuộc thế hệ 9X. Họ còn rất trẻ. Bởi thế, khi đăng… cả chồng thư viết tay dài theo mối tình lên fanpage Yêu bếp (Esheep Kitchen Family) để tham gia chiến dịch Thử thách “Gửi tim thương mến”, câu chuyện tình của họ đã khiến rất nhiều người ngạc nhiên, thích thú.

Nếu tiếp xúc ngoài đời…

Cẩm Chi tự nhận mình thuộc mẫu người có tính cách “kỳ cục”, ít thể hiện cảm xúc và cũng rất kiệm lời. Thế nên, khi nhắc về mối tình của mình, chị kể, nhiều người cho rằng chính môi trường học đường của những năm tháng sinh viên ở Trường đại học Mỹ thuật TP.HCM đã giúp vợ chồng chị quen biết, rồi yêu nhau. Thế nhưng, chị nói: “Thật ra bọn mình quen nhau qua… mạng xã hội. Bởi với tính cách của mình, nếu tiếp xúc ngoài đời, mình nghĩ cả hai khó quen biết được nhau”.

Cẩm Chi nhớ rõ, khởi đầu của mối duyên lành là nhờ một lời bình luận. Từ lời bình luận ấy, Duy Phong chuyển sang nhắn tin cho người con gái thú vị. Từ đó, họ nói chuyện… không nghỉ ngày nào, hễ rảnh rang và thấy nhung nhớ.

Vợ chồng Cẩm Chi - Duy Phong
Vợ chồng Cẩm Chi - Duy Phong

Lá thư đầu tiên Cẩm Chi viết gửi cho người yêu là một chiếc thiệp sinh nhật được chị tự tay thiết kế, nắn nót những lời chúc. Chỉ đơn giản vậy song Cẩm Chi cho biết: “Khi viết, tôi cảm thấy rất vui vì khá lâu tôi không viết cho bạn bè. Lúc ấy, chúng tôi cũng đã có nhiều kỷ niệm nên tôi rất trân trọng tình bạn mới này”. Đến nay, Duy Phong vẫn còn nhớ như in cảm giác bất ngờ khi đọc những dòng chữ chúc mừng. Đó là nỗi bất ngờ của người hiểu và trân quý người con gái đã tự tay làm lấy chiếc thiệp khi trong cuộc sống gấp gáp và tiện nghi này, người ta rất dễ dàng ghé đâu đó, nhanh chóng sở hữu một tấm thiệp “công nghiệp”.

Kể từ khi đón nhận phản ứng xúc động của Duy Phong, song hành cùng những cuộc trò chuyện trên mạng, Cẩm Chi thường xuyên viết thư tay cho người mình thương quý. Mỗi bức thư là một loại giấy kiểu dáng khác nhau được chị dành trọn tâm sức lựa chọn, thiết kế, nắn nót từng dòng chữ rồi gửi về địa chỉ của người thương. “Yêu nhau được hai năm nhưng chúng tôi vẫn chưa nói cho gia đình biết. Dịp nghỉ hè, ai về quê người nấy, tôi gửi thư về nhà anh, đề người gửi là Phạm Nguyễn - tên người bạn thân của anh - để gia đình không nghi ngờ” - Cẩm Chi dí dỏm, rồi nói vui: “Lần nào anh nhận thư có lẽ gia đình cũng xào xáo vì tưởng con trai họ đã có… bạn trai”.

Cẩm Chi khẳng định chị là người chủ động dùng hình thức thư tay nên “gia tài” thư từ đó phần lớn đều là của chị. Thậm chí, thời gian đầu, chị đơn phương gửi đi những cánh thư, không mong được nhận lại. Một phần, họ vẫn liên tục trò chuyện qua mạng xã hội, một phần, chị hiểu đàn ông không dễ thể hiện cảm xúc, nhất là thông qua những con chữ dưới một hình thức truyền tải đòi hỏi độ sâu lắng. Cho đến ngày Duy Phong bất ngờ hồi âm bằng một lá thư tay, chị đã rất xúc động.

“Lợi ích của việc nhắn tin là có thể gửi kèm hình ảnh, biểu tượng cảm xúc… Điều đó rất dễ để thể hiện tình cảm nhưng khi chúng ta trao đổi bằng phương thức này, mọi câu chuyện đều trôi qua rất nhanh: đối phương nói, mình trả lời; cứ liên tục như thế. Còn khi viết, mình có thời gian suy nghĩ, trình bày cảm xúc một cách thấu đáo. Viết thư còn giúp tôi không ngại ngùng như khi nói chuyện” - Cẩm Chi chia sẻ.

Cũng theo Cẩm Chi, viết thư tay còn phát huy tác dụng đặc biệt khi giữa hai người xảy ra mâu thuẫn. Trong cuộc trò chuyện trực tiếp, chúng ta có xu hướng không lắng nghe tròn vẹn mà sẽ phản biện từng câu đối phương nói, còn trong khi viết thư, ta có thể đọc từng suy nghĩ, phân tích, hiểu được cảm xúc của người ấy về một vấn đề. “Không ai lập tức viết ngay một lá thư để đáp trả nếu có điểm không vừa ý. Ngược lại, mình sẽ đọc đi đọc lại, suy ngẫm và bình tĩnh hơn; sẽ có những cách giải quyết vấn đề đúng đắn hơn” - Cẩm Chi đúc kết.

Ngược dòng

Sau khi tốt nghiệp đại học, Cẩm Chi - Duy Phong đầu quân cho một số công ty tại TP.HCM. Rồi họ quyết định về TP.Buôn Ma Thuột - quê hương của Cẩm Chi - lập nghiệp. Họ khởi nghiệp ở một lĩnh vực hoàn toàn khác với công việc ban đầu: mở một tiệm gốm nhỏ chuyên bán gốm secondhand tên Nhà có Mèo. “Khi về quê, chúng tôi có thể tiết kiệm được một khoản chi phí sinh hoạt, có không gian làm việc rộng rãi.

Những cánh thư tay của cặp đôi 9X
Những cánh thư tay của cặp đôi 9X

Thu nhập không cao hơn khi còn đi làm ở thành phố nhưng chúng tôi chuyển sang sống tiết kiệm, chỉ chi tiêu cho những nhu cầu cơ bản. Khi không bị phụ thuộc nhiều vào tiền bạc, đầu óc sẽ thoải mái và tư duy sẽ thay đổi tích cực hơn, từ đó công việc tiến triển tốt hơn” - Cẩm Chi nêu quan điểm. Cũng đơn giản như quyết định bỏ phố về quê, họ chọn lựa đất Tây Nguyên vì cùng yêu thích khí hậu nơi này. Cẩm Chi kể vui: “Hoàn toàn là đồng thuận, ấy vậy, chồng tôi vẫn đùa rằng anh bị con gái Tây Nguyên là tôi… bỏ bùa”.

Ngoài kiếm thêm thu nhập, cửa hàng gốm còn giúp họ tiếp cận nhiều dòng gốm với chất liệu đa dạng. Đây cũng là tiền đề để họ nghiên cứu, ứng dụng vào các sản phẩm tự thiết kế. Cẩm Chi cho hay và khẳng định, may mắn, cả chị và Duy Phong đều chung chí hướng trong mọi quyết định liên quan đến công việc lẫn tình yêu với gốm. Sau một năm khởi nghiệp, khoảng sáu năm kể từ những cánh thư đầu tiên, họ quyết định trở thành vợ chồng.

Cả hai vẫn duy trì thói quen viết thư cho nhau kể từ đó đến nay. Cẩm Chi nói chị thích câu nói của Mẹ Teresa, rằng: “Trong cuộc sống này, chúng ta không thể làm điều vĩ đại, chỉ có thể làm những điều nhỏ với tình yêu vĩ đại mà thôi”. Vì lẽ đó, trong quãng thời gian yêu nhau và cả khi đã trở thành vợ chồng, những cánh thư giữa họ đôi lúc được “biến thể” để thêm phần thi vị. Trong nhiều dịp sinh nhật người yêu, chị thiết kế “phiếu quà tặng” gồm một số ưu đãi: được hết giận trong mọi trường hợp, được vòi đồ ăn, được tặng một điều ước trong khả năng đáp ứng…

Lần nào nhận được “phiếu quà tặng” đó, Duy Phong cũng đùa: “Ui, anh muốn gì chẳng được, cần gì xài mấy phiếu này”. Để rồi, có lần giận dỗi, “nghỉ chơi” lâu, anh lấy phiếu “được hết giận trong mọi trường hợp” ra dùng nhưng tiếc thay, phiếu đã… hết hạn sử dụng. Cũng có những lần, nhận được thư người yêu, Duy Phong mở xem, chỉ vẻn vẹn dòng chữ “Nay là Cá tháng Tư á cậu” hoặc “Chỉ định để trống” như một lời bông đùa thú vị dành cho nhau.

Vài lúc lục lại hộp đựng thư của mình rồi len lén lục tìm hộp đựng thư của chồng, Cẩm Chi ví von, đem những lá thư ấy trải phẳng ra cũng đủ lấp kín gian bếp cùng khoảng sân trước nhà. Với những người yêu nhau, có lẽ bao nhiêu bức thư tình cũng đọng lại là nỗi nhớ nhung, kể chuyện mình và thăm hỏi người. Nhưng trong thời buổi của những đối đáp vắn tắt, nhanh gọn kể cả trong tình yêu; câu chuyện tình bươn qua những cánh thư của một cặp đôi trẻ vừa thú vị, vừa gây ngỡ ngàng, khiến không ít người rưng rưng nhớ nhung một giai đoạn có biết bao câu chuyện tình chỉ nhờ một phương tiện duy nhất để tỏ bày - những cánh thư tay.

Họ vẫn duy trì thói quen viết thư cho nhau. Chỉ có điều, khi chung nhà, những cánh thư đến với người còn lại bằng một phương thức mới, như một gia vị khác lạ của hôn nhân: giấu thư đi để người kia tự tìm. Trong trăm ngàn phương tiện để kết nối, những lá thư tay chưa bao giờ “hết thời”. Chúng luôn có vị trí, ý nghĩa riêng trong việc gắn kết, bày tỏ để thấu hiểu, yêu thương. 

Phong Vân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI