Có còn ai viết thư tay?

Nơi lưu giữ những điều sâu thẳm

27/07/2021 - 19:37

PNO - Tôi thích thư tay. Chữ viết tay không một ai giống ai, hệt như khuôn mặt và tính cách của mỗi người.

Một lá thư tay đôi khi nói nhiều hơn nội dung mà nó chuyển tải. Nhất là cảm xúc khó giấu được, cứ trào ra theo từng con chữ lúc này lúc khác và ắt hẳn sẽ in rất lâu trong trí nhớ của nhiều người.

Chính trong những con chữ lúc tròn lúc méo, lúc cao lúc thấp ấy, tôi luôn nghe chúng rất Người. Cái chữ Người bất toàn. Chữ Người mà ai nấy dẫu bao nhiêu tuổi, nghề nghiệp gì, ở đâu cũng phải học từng giây từng phút không dám lơ là. 


***

Con người có những lúc đặc biệt, nhất là khi bị cảm xúc chi phối, lời nói khó mà tải được hết nỗi lòng, chưa kể không phải ai cũng có khả năng nói được hết, mạch lạc những gì mình nghĩ. Thế nên những dòng thư được viết ra không chỉ giúp người viết trải tận tường nỗi lòng mà quan trọng nhất là chúng được cân nhắc rất kỹ. Rất ít khi nó là lời cay đắng bởi nếu đau lòng quá thì còn con chữ hay lời nói nào có thể rơi ra? Vậy nên những dòng thư bao giờ cũng phát khởi từ trái tim và vì thế nó cũng đi rất nhanh đến những trái tim.

Ngồi viết những dòng này tôi lại khóc vì thương khi nhận được hình ảnh lá thư của chính mình gửi cho lớp mình chủ nhiệm 12 năm về trước. Thương khi em lớp trưởng thay mặt cả lớp giữ lại rất kỹ bức thư của cô. Thương khi em bảo thi thoảng về nhà mẹ, em lấy ra đọc mà không biết diễn tả cảm xúc thế nào.

Trong quãng đời đi dạy của mình, tôi hay viết thư cho học trò, nhưng lá thư đó đặc biệt hơn. Đến giờ, tôi vẫn nhớ rõ cảm xúc của mình lúc ấy. Bốn mặt giấy kín chữ cứ thế tuôn ra gần như không ngăn lại được bởi rất nhiều lý do. Năm đó, tôi vừa chuyển về trường mới, được phân công chủ nhiệm một lớp 12. Trước khi nhận lớp, tôi có nghe các đồng nghiệp nói về lớp của mình. Tôi nhớ mình đi thật chậm từ phòng giáo viên về lớp, không cách gì dứt ra được lời giáo viên chủ nhiệm cũ nói: “Lớp toàn con gái nhưng không biết thương yêu nhau, năm rồi đánh nhau trong lớp luôn đó!”.

Bao năm đi dạy, tôi chỉ thật tâm mong lớp của mình như một gia đình. Các thành viên sẽ là bạn bè gắn kết, nâng đỡ nhau, không chỉ một năm mà còn rất nhiều năm sau này của cuộc đời. Tình yêu thương, không khí của tình thương ấy sẽ khiến các em, cả tôi và đồng nghiệp tôi đến lớp, gặp nhau mỗi ngày còn nhiều hơn cha mẹ anh em mình, luôn được vui vẻ. Có gì vui hơn việc mỗi sớm mai thức dậy, ta háo hức được gặp nhau?

Lớp tôi chủ nhiệm quả thật không đoàn kết. Suốt gần hai tháng đầu năm, tôi tận dụng mọi thời gian, mọi cơ hội để kết nối các em lại với nhau nhưng vẫn chưa có kết quả cho đến khi tôi ghé thăm nhà một em diện khó khăn nhất lớp. Nhà em, đúng ra là chỗ trọ, nằm cuối con hẻm ngoằn ngoèo sâu hút, sình lầy ứ đọng, kề bên dòng kênh đen bốc mùi nồng nặc. Tôi có cảm giác đó là lần đầu cư dân xóm trọ nhà không số, không cả phòng tắm, nhà vệ sinh riêng thấy có một người mặc áo dài đi vào thăm. Ai nấy vồn vã dẫn giùm xe, xách giùm tôi cái cặp để tôi đỡ lo trượt té.

Căn phòng nhỏ xíu chừng vài mét vuông, vừa đủ để một tấm phản là chỗ ăn chỗ ngủ, chỗ học của một người mẹ và hai cô con gái nhỏ. Vật quý giá nhất trong nhà là chiếc xe đạp thật cũ - chiếc xe được chủ nhà cho để người mẹ đi nhặt ve chai. Trên cái phản ấy, cô học trò nhỏ của tôi đang cúi mặt nuốt vội miếng cơm nguội. Trong góc phản, ngoài nồi cơm chỉ có tô canh bí đỏ lõng bõng nước.

Lá thư gửi lớp của tôi được viết tối hôm ấy sau khi tôi đã nằm thất thần suốt cả buổi chiều. Các em học sinh của tôi, nhóm này ghét bỏ nhóm kia chỉ vì đứa này hay tô son, đứa kia có bạn trai, đứa nọ xài điện thoại sang chảnh… Vài lời qua lại rồi đánh nhau. Trước mặt thầy cô, các em bằng mặt không bằng lòng. Các em không biết bạn mình suốt ba năm đi bộ đến trường từ bốn giờ sáng, không biết bạn mình mặc mãi một bộ áo dài lem luốc, rộng thùng thình xin được từ nhiều năm trước. Ngồi chung một lớp, được khen là khen cả, bị mắng cũng mắng cả mà lại không biết yêu thương nhau thì rồi sau này còn có thể biết thương ai? Bàn chân mình chỉ quẩn quanh góc của mình, chơi với nhóm của mình, chưa từng bước đến góc lớp kia, rồi sau này mình sẽ đi được đến đâu?

Tôi vừa viết vừa khóc. Hai hôm sau, cả lớp cũng khóc. Rồi nhiều phụ huynh gọi cho tôi cũng khóc, đề nghị được giúp đỡ em học sinh ấy. Không biết có phải vì lá thư không mà sau đó lớp tôi đã khác rất nhiều. Bọn trẻ thật kỳ diệu. Nếu mở được cánh cửa cho các em, các em sẽ rất khác. Gần cuối năm đó, chúng tôi đã xin được học bổng cho em học sinh ấy. Khoản học bổng không lớn nhưng có thể giúp em đủ trang trải hết ba năm ở một trường cao đẳng mà em chọn. Cả lớp ai cũng rưng rưng, ngày chia tay, ôm nhau, lại khóc.

12 năm đã trôi qua, lá thư tay của tôi, em lớp trưởng vẫn còn giữ nguyên vẹn.


***

Khoảng 10 năm trở lại đây, học sinh lớp 12 ở nhiều trường có một buổi lễ rất hay vào cuối năm - lễ tri ân. Tri ân thầy cô, cha mẹ. Thật ra chuyện tri ân cha mẹ, thầy cô là chuyện một đời nhưng có ngày đó để phần nào ghi một dấu ấn đẹp đẽ trong lòng các em là điều đáng quý. Để chuẩn bị cho ngày ấy, gần như năm nào tôi cũng khuyến khích các em viết thư tay cho cha mẹ hay thầy cô của mình. Có khi tôi dành luôn hai tiết học để các em viết. Rất nhiều em thú thật chưa từng viết một lá thư tay. Muốn gì thì nhắn tin hay gọi điện thoại, chứ ai mà “sến” vậy! Nhao nhao một hồi, sau khi tôi động viên, 70 phút còn lại, cả lớp im phăng phắc, ai nấy ưu tư, che che đậy đậy sợ người kế bên đọc được nội dung lá thư bí mật của mình. Thấy thương!

Có năm, tôi ôm hơn 500 lá thư về nhà, đọc bằng hết. Tôi đọc cả tháng, không phải thư gửi cho mình mà nước mắt cảm động yêu thương cứ thế chảy dài. Để rồi, đến ngày lễ, tôi chọn vài lá đọc lên. Những lời thương yêu nghe thật sến ấy cứ thế chảy vào biết bao trái tim. Học trò tôi, đồng nghiệp tôi và nhiều phụ huynh cứ thế không kìm được nước mắt. Chưa bao giờ tôi có cảm giác nước mắt rơi mà vui đến vậy trong đời mình.

Cũng có vài học sinh đến giờ vẫn còn viết thư cho tôi. Những lá thư đọc biết bao lần vẫn nghe nghẹn ngào. Có ngày đi dạy về, thấy chú em hàng xóm bảo: “Bé học sinh nào đó gửi cho cô”. Không dịp gì cũng không báo trước, thật bất ngờ, run rẩy khi đọc ba bốn tờ A4 kín chữ. Hình ảnh cô bé học sinh lúc nào cũng ngồi thẳng lưng, mặt mũi nghiêm nghị như khóa kín tất cả cảm xúc hiện lên rõ ràng. Nhiều lần tôi cứ tự hỏi sao lại có cô bé bền bỉ, kiên trì đến ngạc nhiên như thế? Sau này tôi mới hiểu lý do và đó là bí mật chỉ có hai cô trò biết.

Tôi còn nhớ những bài kiểm tra chi chít mực đỏ và lời phê thật dài của mình dành cho em. Suốt một năm, bất cứ cô hướng dẫn gì, dặn gì em đều làm theo và rồi đậu đại học với điểm văn rất cao. Giờ em là biên tập viên một đơn vị xuất bản, viết rất tốt, đến nỗi chính cô còn ngỡ ngàng.

Dăm ba hôm em lại nhắn: “Con nhớ cô!”. Thi thoảng, em lại gửi đến tôi những bó hoa, một lá thư, suốt chín năm qua. Đôi lần, tôi chợt nghe chút lòng kiêu hãnh lóe lên khi chỉ có mình với ta. Kiêu hãnh vì bây giờ mình còn có thể viết và nhận những lá thư tay. 

Triệu Vẽ

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI