PNO - Smartphone từng được ca ngợi là công cụ kết nối và mở rộng hiểu biết. Nhưng hơn một thập kỷ sau, thế hệ trẻ lớn lên cùng điện thoại thông minh đang được gắn với hình ảnh "cúi đầu", cúi mặt vào màn hình, xa rời thực tại, giảm dần khả năng tương tác, chú ý và phản xạ cảm xúc.
Giờ đây, khi trí tuệ nhân tạo (AI) xuất hiện và nhanh chóng lan rộng, một câu hỏi mới bắt đầu được đặt ra: Liệu AI có khiến con người trở nên lười tư duy, lệ thuộc vào máy móc thay vì phát triển năng lực trí tuệ cá nhân?
Ảnh minh hoạ
AI đang hiện diện ngày càng sâu trong mọi lĩnh vực, từ học thuật, sáng tạo đến ra quyết định. Với khả năng xử lý và tổng hợp thông tin vượt trội, AI có thể trả lời các câu hỏi trong vài giây, viết bài luận, lập kế hoạch công việc, thậm chí sáng tác nghệ thuật. Nhưng cũng chính sự "nhanh, gọn, tiện lợi" ấy lại dễ khiến người dùng bỏ qua bước quan trọng nhất: suy nghĩ có phê phán và hiểu sâu bản chất vấn đề.
Tại một số trường đại học ở TPHCM, giảng viên cho biết đã bắt đầu nhận thấy những bài tiểu luận có cấu trúc giống nhau, dùng ngôn ngữ trôi chảy nhưng thiếu chiều sâu lập luận và trải nghiệm cá nhân. Một giảng viên ngành xã hội học chia sẻ: “Chỉ cần copy đề bài vào chatbot, sinh viên có ngay một bài viết hoàn chỉnh. Nhưng khi hỏi sâu hơn về quan điểm cá nhân, nhiều em lúng túng, không thể mở rộng vấn đề”. AI đang được xem như một “công cụ làm bài hộ”, khiến sinh viên quên mất quá trình tìm hiểu, phân tích và phản biện. Trong môi trường đó, tư duy phản biện, óc sáng tạo và kỹ năng tự học, vốn là năng lực cốt lõi của con người, có nguy cơ bị mai một.
Trong công việc, nhiều nhân viên trẻ cũng bắt đầu phụ thuộc vào AI để soạn email, viết báo cáo hay thuyết trình. Trưởng nhóm tại một công ty truyền thông kể: “Khi tôi yêu cầu nhân viên tự xây dựng một chiến dịch truyền thông, bạn ấy trả lời: ‘Em sẽ hỏi ChatGPT xem có ý tưởng gì’. Tôi không phản đối dùng AI, nhưng nếu không có tư duy chiến lược ban đầu thì rất khó kiểm soát được chất lượng và sự phù hợp với văn hóa thương hiệu”.
Thực tế, vấn đề không nằm ở công nghệ, mà ở cách chúng ta sử dụng nó. Giống như smartphone, AI chỉ là công cụ. Nếu được sử dụng đúng cách, AI hoàn toàn có thể trở thành người bạn đồng hành giúp con người học tốt hơn, sáng tạo sâu hơn. Thay vì hỏi: “AI có khiến chúng ta lười tư duy?”, câu hỏi cần chuyển thành: Làm sao để AI thúc đẩy tư duy thay vì thay thế tư duy?
Nhiều trường THPT quốc tế và tư thục tại Việt Nam đã bắt đầu lồng ghép nội dung “AI literacy”, hiểu biết về trí tuệ nhân tạo vào chương trình tin học và kỹ năng sống. Học sinh được yêu cầu phân tích điểm mạnh, điểm yếu của các câu trả lời do AI cung cấp, và so sánh với nguồn tài liệu chính thống. Một số giảng viên ở đại học cũng đã áp dụng phương pháp “AI đối thoại”, yêu cầu sinh viên thảo luận trực tiếp với chatbot, sau đó trình bày phần đánh giá của cá nhân với nội dung vừa trao đổi.
Trong môi trường doanh nghiệp, một số công ty đã bắt đầu ban hành quy tắc ứng xử công nghệ, xác định rõ đâu là công việc do con người thực hiện, đâu là sự hỗ trợ của AI. Một số đơn vị yêu cầu nhân viên ghi chú rõ phần nội dung có sử dụng AI hỗ trợ, đồng thời tổ chức các buổi đào tạo kỹ năng phân tích, ra quyết định độc lập nhằm bảo vệ năng lực cốt lõi của con người.
Như triết gia Hannah Arendt từng nói: "Tư duy là hành động duy nhất mà không ai có thể làm thay bạn". Điều đó vẫn luôn đúng trong thời đại của công nghệ thông minh hôm nay. Công nghệ có thể hỗ trợ tư duy, nhưng không thể thay thế việc con người tự suy ngẫm, phân tích, lựa chọn và chịu trách nhiệm. Nếu smartphone từng khiến một bộ phận người trẻ mất kết nối với thực tại, thì AI, nếu không được dùng đúng cách, có thể khiến họ mất kết nối với chính tư duy của mình.
Vấn đề không nằm ở công nghệ thông minh, mà là liệu chúng ta có đủ bản lĩnh để trở thành người sử dụng thông minh hay không.