Khu vườn của Pythia: Khi nghệ thuật đi cùng trí tuệ nhân tạo

20/04/2025 - 11:40

PNO - Nhà tiên tri Delphi (Hy Lạp) đã trở thành nguồn cảm hứng cho một tác phẩm nghệ thuật sắp đặt độc đáo và đầy mê hoặc của nghệ sĩ Charles Sandison.

Vườn Pythia
Vườn Pythia

Dự án này không chỉ giúp hiểu sâu sắc hơn về lịch sử, mà còn mở ra góc nhìn mới về những khả năng vô tận của trí tuệ nhân tạo (AI).

Được xây dựng bằng đá, với các họa tiết phù điêu trên tường và sàn nhà ấn tượng, Trung tâm Kinh tế và Văn hóa tuần hoàn thế giới là một công trình kiến ​​trúc hậu chiến độc đáo.

Tòa nhà mang tên Gian Pavillon “Pi”, do kiến trúc sư Petros Pikionis thiết kế năm 1959, được xem là một trong những “ban công” đẹp nhất của Delphi.

Khi mặt trời vừa lặn, khu vườn nổi tiếng “Pi” bỗng trở nên sống động. Những gương mặt cổ xưa, các ký tự và từ ngữ hiện lên trên đá và trên từng chiếc lá xanh của cây cối. Đó chính là “Khu vườn của Pythia” - tác phẩm nghệ thuật sắp đặt mới của nghệ sĩ người Scotland Charles Sandison, do tổ chức PCAI (Sáng kiến Văn hóa & nghệ thuật Polygreen) ủy thác thực hiện.

Tác phẩm là chiếc cầu nối giữa thế giới cổ đại và hiện đại, cho thấy những câu hỏi mà chúng ta đang tìm kiếm từ trí tuệ nhân tạo cũng tương tự như những câu hỏi của người đã từng đến gặp nhà tiên tri Delphi.

Ý tưởng cho tác phẩm được nhen nhóm trong chuyến thăm khu di tích khảo cổ học của Charles Sandison.

Cảnh quan nơi đây như hiện thân của một mạng lưới nghi lễ phức tạp, những cánh cổng, lối đi và thời điểm diễn ra các nghi lễ được sắp đặt như một bo mạch chủ của hệ thống máy tính. “Tôi nghĩ tác phẩm được tạo ra là một cách để nhìn về thiên nhiên. Và thiên nhiên, đến lượt mình, sẽ lắng nghe câu hỏi của bạn và gửi đến câu trả lời mà bạn tìm kiếm” - Sandison chia sẻ.

Charles Sandison ở Vườn Pythia
Charles Sandison ở vườn Pythia

Tác phẩm sử dụng mã lập trình đặc biệt cùng các cảm biến được thiết kế để phát hiện nhiệt độ và mức độ ánh sáng, từ đó tương tác với môi trường và dần thay đổi theo thời gian.

"Khu vườn của Pythia là một không gian hư cấu, vừa nằm trên sườn núi ở Hy Lạp cổ đại, vừa hiện diện trong ma trận máy tính của tôi. Lấy cảm hứng từ chuyến thăm đền thờ Apollo, tôi đã lập trình nên tác phẩm thị giác sử dụng trí tuệ nhân tạo này, kết hợp ký ức của nữ tiên tri Pythia với vẻ đẹp của những triền núi Parnassus. Tôi tin rằng du khách khi đến đây sẽ nhìn thấy tác phẩm này như một cây cầu nối giữa quá khứ và hiện tại, và nhận ra rằng những câu hỏi ta gửi đến trí tuệ nhân tạo ngày nay cũng không khác gì hành trình tìm kiếm lời tiên tri trong thế giới cổ xưa của Pythia” - nghệ sĩ người Scotland chia sẻ.

Với Sandison, Delphi giống như CERN, hệ thống tinh vi bậc nhất có thể diễn giải và dự đoán các mục tiêu cũng như kết quả. Đó từng là một phương thức để con người hiểu thế giới sâu sắc hơn, tương đương với những tiến bộ hiện đại trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo ngày nay.

PCAI (Polygreen Culture & Art Initiative) do Athanasios Polychronopoulos - Giám đốc điều hành công ty môi trường Polygreen - thành lập, là một tổ chức văn hóa với mục tiêu nâng cao nhận thức về môi trường thông qua các chương trình nghệ thuật được tổ chức hàng năm, triển lãm nghệ thuật đương đại, chương trình lưu trú nghệ sĩ, các hội thảo…

Bộ sưu tập nghệ thuật của PCAI tập trung vào các tác phẩm được ủy thác sáng tác và nghệ thuật đương đại dưới dạng hình ảnh động. Tổ chức này mong muốn tạo điều kiện cho nghệ sĩ có đủ phương tiện và nguồn lực để thực hiện các tác phẩm phản ánh những vấn đề đương đại như môi trường, xã hội và triết học, đồng thời đảm bảo sự tự do sáng tạo và tư duy phản biện một cách trọn vẹn.

“Bảo vệ môi trường đồng nghĩa với việc thay đổi thái độ và hành vi. Để làm được điều đó, con người cần thực sự cảm nhận được rằng họ phải hành động. Tôi tin rằng văn hóa, nghệ thuật, đặc biệt là nghệ thuật đương đại, có khả năng truyền tải thông điệp và tạo ảnh hưởng để mọi người thực sự chung tay bảo vệ môi trường” - ông Athanasios Polychronopoulos, CEO của Polygreen và là nhà sáng lập PCAI - chia sẻ.

Trong thời điểm mà tiềm năng của AI khiến nhiều người cảm thấy lo lắng và sợ hãi, Charles Sandison tin rằng công nghệ này vẫn có thể trở thành một công cụ hữu ích.

“Việc ghé thăm Khu vườn của Pythia là một trải nghiệm cho thấy trí tuệ nhân tạo không phải lúc nào cũng giống như những gì thường được mô tả trên các phương tiện truyền thông hay bản tin. Phần lớn thời gian, AI chỉ xuất hiện trong những câu chuyện đáng sợ. Tôi muốn mọi người hiểu rằng vẫn có những người như nghệ sĩ, nhà sáng tạo và nhạc sĩ đang nỗ lực sử dụng công nghệ này theo cách phục vụ con người. Tôi hy vọng những ai đến đây sẽ có trải nghiệm nghệ thuật vui vẻ và tích cực” - Sandison chia sẻ.

Tuấn Huy (theo Euronews)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI