TS Nguyễn Đức Thái: 'Về nước là lựa chọn rất tự nhiên, không phải hy sinh hay cống hiến'

07/02/2019 - 06:00

PNO - ‘Người Việt Nam bao giờ cũng hướng về quê hương đất tổ, về nước đóng góp là việc rất tự nhiên, không coi là hy sinh hay cống hiến' - tiến sĩ Nguyễn Đức Thái - Việt kiều Mỹ.

ĐI ĐỂ TRỞ VỀ

Họ là những trí thức, nghệ sĩ ít nhiều đạt được thành tựu trong lĩnh vực họ theo đuổi nơi xứ người. Nhưng, một sợi dây, một cảm giác vô hình nào đó kéo họ trở về với quê hương, bản xứ. Họ không gọi đó bằng những từ ngữ to tát, không hô hào truyền thống... Đó có thể là những ký ức không thể nào phai nhạt, là những lời kể trìu mến của bà của mẹ, là tình yêu không dứt dành cho nghệ thuật.

Họ làm việc và cống hiến bằng sức lao động, thầm lặng và nhiệt tâm. Họ nhìn mọi thứ bằng đôi mắt logic, khoa học của người phương Tây nhưng giang tay đón nhận tất cả vọng động của đời sống đang diễn ra trước mắt bằng trái tim Việt Nam. Cũng chính lúc đó, họ cảm nhận rõ dòng máu Việt đang chảy mãnh liệt trong người.

Bài 1: Đạo diễn Leon Lê: 'Không ai có thể phủ nhận tình yêu của tôi với Việt Nam'

Bài 2: Nghệ sĩ Vân Ánh Võ: Thổn thức hồn Việt giữa trời Tây

Lời khẳng định chắc nịch ấy đến từ tiến sĩ Nguyễn Đức Thái - Việt kiều Mỹ, được thế giới khoa học biết đến là người tìm ra gen đầu tiên cho bệnh glaucoma, gây mù lòa cho trên 70 triệu dân số toàn cầu. Chính phủ Hoa Kỳ đã cấp 10 bằng phát minh cho kết quả nghiên cứu tìm được gen, mà ông đặt tên TIGR (còn gọi là MYOC, GLCA1)

Khi còn ở nước ngoài, tiến sĩ Thái làm việc với hai nhóm nghiên cứu về tế bào học, di truyền học và nhận được giải thưởng cao nhất cho nghiên cứu glaucoma của hội nghị thường niên nhãn khoa ARVO Hoa Kỳ 1998. 

TS Nguyen Duc Thai: 'Ve nuoc la lua chon rat tu nhien, khong phai hy sinh hay cong hien'
Tiến sĩ Nguyễn Đức Thái là người tìm ra gen đầu tiên cho bệnh glaucoma, gây mù lòa cho trên 70 triệu dân số toàn cầu.

Với thành tựu này, ông đã được đài truyền hình CNN, một số tờ báo như The New York Times, American Press, Science, Nature, The Japan Times đưa tin và phỏng vấn. Cho đến nay, phát minh TIGR cùng các nghiên cứu sau đó còn được nhiều trường đại học, trung tâm nhãn khoa các nước nghiên cứu sâu cho cơ chế, ứng dụng chẩn đoán và trị liệu.

Trước thành công đó, ông đã tham gia, tư vấn cho một số chương trình ở Nhật Bản và Hoa Kỳ với mức đãi ngộ cao. Tuy nhiên, năm 2011, tiến sĩ Thái đã từ bỏ tất cả cơ hội, ông trở về Việt Nam với nhận định nếu tiếp tục ở nước ngoài thì chỉ có lợi ích cho bản thân, nhưng về nước, ông hy vọng có lợi ích chung cho cộng đồng. 

Việt kiều thăm quê chỉ có hai thùng nước đá

Năm 1994, trong một lần về Việt Nam, tiến sĩ Thái đi thăm lại trường y năm xưa, tham quan một nơi truyền máu, ông bùi ngùi khi nhân viên nơi đây nói khoảng 15-20% bịch máu tươi không thể hoàn toàn kiểm soát được vấn đề nhiễm trùng, siêu vi, sốt rét, lao, HIV vì kỹ thuật không đủ nhạy và chính xác.

“Thời kỳ đó không riêng trường y, ở đâu cũng thiếu thốn cả. Những người hiến máu đa số là người nghèo, có cả thành phần nghiện ngập bán máu lấy thù lao. Rất khó để biết bịch máu nào không bị nhiễm bệnh, nên ai nhận máu thường mang tâm trạng lo lắng, không yên tâm. 

Trở về quốc gia đang làm việc, tôi luôn băn khoăn về những khó khăn của y học nước nhà. Sẵn những mối quan hệ có được tại Việt Nam, tôi gửi về những tài liệu y khoa mà tôi nghĩ họ sẽ cần. Lúc này, trên thế giới đã phát triển công nghệ trực tiếp chuẩn đoán gen, thay vì gián tiếp dùng kháng thể, là PCR (polymerase chain reaction) mà ngày nay rất thông dụng. Tôi đã mang công nghệ PCR này hướng dẫn lại cho các giảng viên của trường Đại học Y dược TP.HCM. Cũng từ đó, mỗi năm tôi về nước một lần, mang theo những gì tôi cảm thấy cần để giúp họ phát triển”, tiến sĩ Thái nói.

TS Nguyen Duc Thai: 'Ve nuoc la lua chon rat tu nhien, khong phai hy sinh hay cong hien'
Tiến sĩ Thái luôn cởi mở, gần gũi với du học sinh, ông khuyến khích sinh viên ra nước ngoài học hỏi và liên tục kết nối họ với quê hương.

Từ đó, lần nào “ông Việt kiều” về nước, người ta cũng thắc mắc khi bắt gặp ông xuống máy bay với hai thùng nước đá, trải qua những khó khăn về thủ tục mà ông không hề gặp khi đi hội nghị ở nước ngoài. “Tôi phải đi xin xỏ từ an ninh sân bay đến bảo vệ, đối mặt với nhiều tình huống khó xử khác để được mang hai thùng nước đá ra ngoài.

Bên trong hai thùng nước đá không phải là những quà cáp, thuốc men như nhiều người mang về, mà có các sản phẩm sinh học, như men enzim cùng nhiều hóa chất cần thiết để các giảng viên, bác sĩ trường y làm thực tập và nghiên cứu. Từ đó, bác sĩ Phạm Hùng Vân, một giảng viên tôi hướng dẫn và hỗ trợ, đã xây dựng hãng Biotech Nam Khoa đầu tiên ở TP.HCM dựa trên công nghệ PCR này”.

Nói về điều mình làm được, tiến sĩ Thái nhận định: “Chính khó khăn ban đầu tạo nên sự gắn bó; tôi được trường, các cơ quan và thân hữu làm việc rất tâm huyết và chân tình. Ở Việt Nam, có nhiều người tài giỏi gồm các giảng viên, bác sĩ và kể cả sinh viên; họ học rất nhanh, ứng dụng tốt lắm. Tôi may mắn hơn họ là được ra nước ngoài học tập, làm việc ở những trung tâm tiến bộ. Tôi thấy họ rất có khả năng, thiện chí nên tôi hướng dẫn lại cho họ những gì tôi đã học, đã làm”.

Ông đều đặn mang công nghệ, tài liệu về nước và hướng dẫn cho các giảng viên đạt được kết quả như ý. Với tiến sĩ Thái, những gì ông làm chỉ như con kiến cần cù đóng góp một phần nhỏ bé xây tổ khoa học của Việt Nam. Ông luôn tin tưởng khoa học sẽ đóng góp phần quan trọng để bảo đảm sức khỏe người dân cho một xã hội Việt Nam năng động và tiến bộ.

TS Nguyen Duc Thai: 'Ve nuoc la lua chon rat tu nhien, khong phai hy sinh hay cong hien'
Ông rất tâm huyết với nền y học Việt Nam.

Có nơi ông tư vấn, hướng dẫn các kinh nghiệm đã thành lập chương trình nghiên cứu hay công ty, mang lại hiệu quả tốt và có thể mang lại nguồn thu nhập đáng kể. Khi thấy mỗi chương trình hay nghiên cứu được ứng dụng tốt, ông đều mừng cho họ rồi tiếp tục với những kế hoạch khoa học để tiến xa hơn. 

"Làm khoa học đừng tính toán thiệt hơn cho bản thân, nên chọn cái có lợi ích cho xã hội để làm. Tôi không thấy khó khăn trong các chọn lựa đó, tôi thấy hạnh phúc, chinh phục được mục tiêu là quan trọng và thường cần rất nhiều nỗ lực. Chúng ta cần tạo một thế hệ khoa học trẻ mạnh mẽ với định hướng xã hội trong tương lai, chứ không phải chỉ lo cho sự nghiệp uy tín cá nhân”, tiến sĩ Thái tâm huyết.

Về nước là lựa chọn rất tự nhiên, không phải hy sinh hay cống hiến

Ở nước ngoài làm việc, nhưng tiến sĩ Thái thường dõi theo bước tiến y học tại Việt Nam, ông phân tích: “Theo quan sát của tôi, từ năm 1994 đến nay đã hơn 20 năm, thời gian đầu mọi thứ đều rất chậm. 10 năm sau việc nghiên cứu có sự chuyển động, trong 5-7 năm vừa rồi nó có tính gia tốc. Lúc này về Việt Nam, tôi có thể tương tác hiệu quả và nhiều hơn”.

Khi về Việt Nam, Khu công nghệ cao là nơi đầu tiên ông tham gia với vai trò chuyên gia, sau đó tiến sĩ Thái hỗ trợ phòng thí nghiệm tế bào gốc của Đại học Khoa học tự nhiên TP.HCM vì ấn tượng với tổ chức và thành tích nơi đây. Theo ông, dù điều kiện còn thiếu thốn, nhưng phòng thí nghiệm đã mang lại những đột phá nuôi được tế bào gốc đầu tiên ở Việt Nam, làm được nhiều nghiên cứu ý nghĩa và quan trọng. 

Tiến sĩ Thái cho biết: “Ở một trường đại học khác, nhân viên không cần biết tôi đang làm gì bên trong phòng nghiên cứu, cứ đúng 17g hàng ngày, họ sẽ ngắt điện và mời tôi ra ngoài. Nhưng mọi người ở khoa Tế bào gốc, trường ĐH Khoa học tự nhiên làm việc hăng say như những người làm nghiên cứu ở  ngoài. Nơi đây luôn mở cửa và sáng đèn phục vụ nghiên cứu. Những khó khăn về tài chính, phương tiện hình như họ bỏ lại ngoài cửa, ai cũng dốc tâm làm việc, học tập và giảng dạy không biết mệt mỏi. 

TS Nguyen Duc Thai: 'Ve nuoc la lua chon rat tu nhien, khong phai hy sinh hay cong hien'
Kế hoạch hiện tại của ông là thúc đẩy phát triển miễn dịch trị liệu cho bệnh ung thư và tế bào gốc cho các bệnh mãn tính.

Họ có những sản phẩm được ứng dụng, thậm chí các bệnh viện đã đặt hàng sử dụng như Bệnh viện Vạn Hạnh cho trị liệu tế bào gốc. Tôi đã làm việc gần gũi với thạc sĩ Phan Kim Ngoc, trưởng nhóm và là người lập ra phòng thí nghiệm tế bào gốc đầu tiên của Việt Nam, tiến sĩ Phạm Văn Phúc đã phát triển thành Viện Tế bào gốc uy tín bây giờ”.

Bên cạnh việc tham gia nghiên cứu, hàng năm, tiến sĩ Thái thường gửi sinh viên đến các trường nước ngoài để học tập. Sinh viên ông gửi đi cùng tâm niệm hướng về quê nhà, họ thường đóng góp theo từng cách riêng như gửi tài liệu, phương pháp nghiên cứu, họp nhóm từ xa. Ông cũng tổ chức những buổi thảo luận, hội nghị với cơ quan nước ngoài để phổ biến các thông tin mới nhất hay phát triển hợp tác với Việt Nam. Kế hoạch hiện tại của ông là thúc đẩy phát triển miễn dịch trị liệu bệnh ung thư và tế bào gốc cho các bệnh mãn tính. 

Sinh viên được gửi đi, có người đã học xong về nước, có người ở lại theo học trình cao hơn hay chọn làm việc tại nước bạn, tiến sĩ Thái luôn ủng hộ, khuyến khích họ học tập. 

Tiến sĩ Thái nói: “Thật ra sinh viên đi học rồi ở lại làm việc không phải chỉ riêng Việt Nam; ngay cả Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc,… cũng vậy. Tôi có niềm tin người Việt Nam mình bao giờ cũng hướng về quê hương đất tổ. Họ sẽ về khi điều kiện làm khoa học ở Việt Nam phát triển hơn. Những người ở lại mà tôi biết, họ vẫn đi, về Việt Nam mỗi năm. Mỗi lần về thăm quê, họ mang theo rất nhiều nguồn kiến thức, công nghệ, cả kỹ thuật để chia sẻ. Các tấm lòng ấy đáng được trân trọng. 

TS Nguyen Duc Thai: 'Ve nuoc la lua chon rat tu nhien, khong phai hy sinh hay cong hien'
Những học trò, những người biết đến tiến sĩ Nguyễn Đức Thái đều cho rằng ông là nhà khoa học của những nhà khoa học.

Vì vậy, chảy máu chất xám, hay lo mất nhân tài là chuyện không nên quá quan tâm. Vấn đề là chúng ta ở trong nước cần tổ chức thành những nhóm liên kết tốt để tiếp nhận, trao đổi kiến thức với du học sinh hay chuyên gia. Hiện nay phương tiện liên lạc rất hiện đại, du học sinh ở các nước có thể đóng góp từ xa, dù họ chọn định cư ở nước ngoài. Đừng nên lo lắng họ đi luôn, mà hãy lo chuyện làm sao hợp tác với họ tốt đẹp khi họ ở nước ngoài hay khi trở về”.

Tiến sĩ Thái trăn trở: “Rào cản hiện nay là nhà nước quá cẩn thận với các luật lệ không phù hợp. Tôi chỉ mong nhà nước cẩn thận dựa trên nhu cầu của các quy trình nghiên cứu, chứ không phải cẩn thận vì sợ các nhà khoa học trong nước không làm được. Tôi thấy các công trình ở trong nước bị hiểu sai, bị đánh giá quá thấp khi so sánh với nước ngoài. Chúng ta cần có niềm tin, Việt Nam đã có nhiều người lấy bằng tiến sĩ dù ở trong nước, nhưng họ vẫn có những bài viết đăng trên các tờ báo khoa học thế giới. Sinh viên trong nước hiện nay rất giỏi và năng động; họ có những tiềm năng rất lớn cho phát triển khoa học tân tiến. 

Về thành tựu tại Việt Nam, đã có những nơi làm được sản phẩm biotech gồm công nghệ gene, tạo protein, nuôi cấy tế bào, làm tế bào gốc cho trị liệu… chúng ta đang làm được nhiều việc quan trọng. Theo kinh nghiệm của tôi, chúng ta hãy tự tin hơn nữa để tiến lên, vì Việt Nam có rất nhiều cơ hội để phát triển mạnh về khoa học, mang nhiều lợi ích cho y tế đất nước”.

Phạm An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI