Truyện ngắn: Lạc lối

05/12/2020 - 18:06

PNO - Chị bảo, khiêu vũ mang lại cho chị cảm giác mình là đàn bà nhất. Chị chơi môn này lâu lắm rồi, bị ghiền. Tuần nào chị cũng phải đến sàn.

- Phan ở đâu, mình chở về?

- Dạ thôi, phiền chị.

- Phan lên xe đi nào!

Làm sao Phan có thể từ chối khi người phụ nữ dịu dàng và khả ái ấy đã bước hẳn xuống, mở cửa cho anh. Phan nhìn chiếc ô tô đẹp đẽ, ngại ngần. Chị thân tình khẽ đẩy Phan vào. Tích tắc, Phan thấy mình ngay ngắn trên ghế phụ, trong một không gian xe thanh lịch và thơm mát mùi hương.

Phan ú ớ nói tên nơi mình ở trọ. Chị bảo, nhà chị cũng hướng đó. Mưa thế này, biết đến bao giờ mới có xe ôm mà chờ.

Như vậy là chị đã có quan sát mới biết, nãy giờ Phan loay hoay với con xe già cỗi xẹp bánh trong tuyệt vọng. Điện thoại chẳng còn 4G để gọi xe công nghệ, Phan đành gởi xe lại Tango tím.

- Phan ăn khuya nhé, mình mời?

- Dạ thôi chị, em không đói.

Đó là câu nói dối nghiêm trọng. Bụng Phan sôi lên ùng ục khi nghe tới động từ “ăn”. Gần ba tiếng đồng hồ nhảy nhót, tô mì chế nước sôi đã bay biến từ lâu. “Cồn cào” là cái từ dễ hình dung nhất lúc này.

Quán phở khuya đông khách. Nhìn thoáng vô menu, Phan thấy một tô phở ở đây đủ để anh sống cả ngày. Chị ân cần gắp giá trụng, ngắt rau thơm bỏ vào tô cho Phan. Hương thơm ngào ngạt bốc lên làm Phan nhận ra mình đói đến bủn rủn.
- Kể cho mình nghe về Phan đi!

Có điều gì đó thôi thúc Phan mở lòng với người phụ nữ không cùng trang lứa mới quen. Chị bảo, khiêu vũ mang lại cho chị cảm giác mình là đàn bà nhất. Chị chơi môn này lâu lắm rồi, bị ghiền. Tuần nào chị cũng phải đến sàn. Không nặng nề chuyên môn kỹ thuật biểu diễn này nọ, chủ yếu là vận động giải trí cho khuây khỏa. Cuộc sống buồn cười lắm Phan ạ. Lúc còn túng thiếu thì chỉ mong đầy đủ tươm tất hơn. Lúc tạm ổn định thì luôn muốn có ai đó đồng cảm, tri âm tri kỷ. Chắc là do mình già rồi…

Những trải lòng bất ngờ của chị làm Phan ngạc nhiên. Dù Phan phán đoán, chị không cùng tông với mấy phụ nữ buôn bán vải ở chợ, ở nhà chồng cung phụng, bà chủ nhà nghỉ hay chuyên cho vay nặng lãi… vẫn hay đến chơi ở sàn. Nhưng Phan cũng không ngờ rằng, con người ta, ngoài cơm ăn áo mặc, lại có thể cô đơn vì những lý do vụn vặt kiểu ấy.
***
- Chị lưu số của em đi, khi nào đến chơi thì nhớ hú em. Em tên Được. Nghĩa là chị muốn gì cũng được!

Tiếng trò chuyện vẳng đến chỗ Phan. Phan khẽ nhìn ra, thấy anh kép đồng nghiệp trên dưới ba mươi, cao ráo, mặc sơ mi chim cò lẫn lộn với một cái cà vạt lẫn lộn chim cò đang vui vẻ chào mời. Nét mặt anh chàng tên Được vô tư nhất có thể. Người ta quen việc quá! Như vậy mới mong kiếm được nhiều tiền. Chị khách lúi húi bấm điện thoại. Thật là… Phan không tìm được từ ngữ gì phù hợp với cảm giác của mình lúc ấy.

Đó là câu chuyện của ngày Phan mới nhập môn ở Tango tím. Giờ thì, Được ngày hai buổi đến sàn, tháp tùng bên cạnh là “bà xã”. Câu dính mối đó cũng ngon à! Lời xì xầm chẳng rõ khen chê hay ganh tỵ của bọn kép sàn Tango tím. Được chở bà xã trên chiếc xe tay ga của nữ. Bà xã khoảng gần năm mươi, da trắng, dáng cũng thanh mảnh, nhưng nụ cười không giấu được những nếp nhăn đã hằn trên nét môi, khóe mắt. Bà xã dĩ nhiên phải tận tình đi theo “ông xã”. Sểnh ra, biết đâu lại có đứa “muốn gì cũng được”.

Ông xã dìu đào kiếm cơm, bà xã ngồi canh me chầu rìa. Thi thoảng, ông xã mời bà xã một bài lả lướt. Những bài tập riêng đầy sáng tạo phăng phiếc búa xua được anh kép Được luyện tập với bà xã trước rồi. Ở đâu, chỉ có ông trời và ông xã, bà xã biết. Họ bay bổng uốn éo múa lượn, khách vãng lai trên sàn “lác mắt”. Đôi khi, trong cơn cao hứng, Được tung bà xã lên cao, tốc hết cả váy áo, lộ cả cái quần “bảo hiểm” bên trong, tuồn tuột. Giới rành rẽ gọi là ham mấy động tác bưng bê quá, nên phải chịu cảnh cố tình “sô hàng”…

Bữa đó bi hài cười ra nước mắt. Bà xã của Được ngồi chung bàn với hai cô khách lạ, trẻ và mới toanh của Tango tím. Được dĩ nhiên là tranh thủ mời họ khiêu vũ.

- Cái thằng kép kia ôm chặt quá mày!

- Ừ, cũng đẹp trai đó chứ. Chị nhảy với thằng đó lần nào chưa? - Cô gái còn lại vô tình quay sang hỏi bà xã.

- Ông xã của chị đó!

Câu chuyện đến đây là kết thúc. Nhạc trỗi lên, hai cô khách lắc đầu nguầy nguậy khi Được tiến lại, chìa tay ra. Họ sợ văng miểng. Chốn này đâu phải là nơi có thể đùa. Thậm chí, để tránh xa nguy cơ tiềm ẩn mà mọi khách khứa đều không muốn dây dưa, hai cô gái nọ lơ cả việc bo cho Được lúc bỏ về hơi sớm, khi giờ giải lao còn chưa kịp bắt đầu. Cụt hứng đây mà!

Nơi thay đồ của kép nằm kế bên nhà vệ sinh nữ. Di chuyển làm gì cho thêm tốn xăng, hao calories, mệt người. Cứ đánh một giấc mà khỏe, đến gần tám giờ tối thì dậy rửa mặt, tút tát lại dung nhan, chuẩn bị tiếp khách. Nghe cứ như… “trai ngành” vậy!

Nằm trong căn phòng hẹp rí đầy những đồ đạc bốc mùi lưu cữu của bọn kép quanh năm sống trong bóng tối nhập nhoạng của sàn nhảy, Phan thấu hiểu nhiều thứ mà cuộc đời ngoài kia chưa kịp mở mắt cho anh.

- Sao vô đây mới thay đồ, trang điểm, mang giày vậy bà?

- Sửa soạn ở nhà, nó biết nó chửi sao!

- Chồng bà ấy hả? Giấu nhẹm luôn à?

- Ừ, có thằng nào vui vẻ đồng ý cho vợ đi nhảy đầm bao giờ?

Âm điệu thản nhiên lớn tiếng của hai ba người đàn bà vọng sang làm Phan thức giấc. Tám giờ kém năm rồi. Anh hấp tấp ngồi dậy. Chuyện đàn bà mê nhảy, dối chồng dối con đến chơi chẳng phải hiếm hoi gì. Nhưng kiểu nhận xét về hàng họ của kép làm Phan choáng váng:

- Ê, hôm nay có trai mới nha mày! Thằng cu nhìn trẻ măng, mặt búng ra sữa mà bảo là đã hăm sáu tuổi. Tin nổi không?

- Ôi trời, ngữ ấy tao đẻ còn được ấy chứ! Nhìn cứ như vừa tốt nghiệp phổ thông năm rồi!

- Thư sinh như thế, thanh niên trai tráng khỏe mạnh như vâm thế này, mà đốt đời ở sàn, phí thật!

- Thì mày ban cho nó chút ơn mưa móc đi, khỏi thương hoa tiếc ngọc haha!

- Hàng ngon quá, tính rủ mày ăn chung, xài một mình thì phí của!

Tràng cười hô hố khiến Phan phát hoảng. Thật không tin được mấy chị thơm nức, điệu đàng kia lại có thể thốt ra những lời ghê gớm vậy. Phan loay hoay nghĩ ngợi khi bữa nọ nghe được một chị cực sành điệu chịu chơi giữa buổi lẻn ra ngoài, rì rầm qua điện thoại rằng: “Con ngủ ngoan đi, tối mẹ về, không thôi là mẹ chẳng thương nữa đâu đấy…”.

Thi thoảng, Hải cũng ngủ lại với Phan. Về nhà làm gì, chán lắm! Đó là câu cửa miệng của gã. Hải gốc miền Tây, đu xe đò lên đây từ hồi đang học lớp Chín. Hai mươi bốn tuổi, Hải từng theo bồ di dời qua nhiều quận vùng ven thành phố. Đàn bà con gái là chuyện quá nhàm! Hải tuyên bố. Cuối cùng, mà cũng chắc gì là cuối cùng, Hải cặp rồi ở chung với vợ bây giờ, chưa từng qua cưới hỏi.

Nhà vợ cho vốn để vợ Hải buôn bán. Vợ Hải trẻ và biết tận dụng lợi thế bản thân. Cô mở quán cà phê máy lạnh. Tiền bạc bao nhiêu chỉ mình vợ biết. Hải ấp ủ giấc mơ gầy dựng một tiệm cắt tóc. Có ai suốt đời sống bằng cái nghề kép dìu bạc bẽo được đâu. Thế nhưng, buổi tối, lẽ ra ở nhà phụ vợ giữ xe, dọn bàn, Hải vẫn bỏ đi. Thằng đàn ông hằng ngày quanh quẩn trong nhà, tiền đong gạo phát, thà chết đi còn hơn. Hải cay đắng kể: “Hồi xưa tao bưng bê ở Tango tím này chứ đâu. Rồi về tự tập tành thêm, lên đời làm kép”.

Câu chuyện của Hải được chắp nối sau nhiều buổi Phan vật vờ chờ suất tối. Về cũng chẳng để làm gì. Trầm, người yêu của Phan, dạo này bận phụ mẹ lo lắng đơn hàng gì đó. Mấy dịp gặp nhau sau này, Phan hổ thẹn khi phải giấu giếm công việc nhạy cảm của mình. Trầm sẽ nghĩ sao nếu biết chiều chiều tối tối anh dập dìu tay trong tay với vô số đàn bà khác. Ừ thì chỉ là công việc nhưng sao Phan cứ cảm thấy có lỗi với người con gái anh yêu.

Nếu như không muốn nói, anh bỗng mặc cảm nhơ nhuốc không xứng với đôi mắt trong veo, tĩnh lặng của Trầm.
Bằng nhạy cảm của phụ nữ, Trầm hay gặng hỏi, gần đây sao anh buồn buồn. Tiền ở đâu mà mua quà cho em vậy? Anh nhớ đừng lãng phí nhé, hãy lo cho gia đình trước đã… Những lời của Trầm càng làm anh thêm trọng. Anh xin được việc làm tốt ở đâu, sao không thấy kể em nghe? Bao giờ thì trường anh thi kiểm tra cuối kỳ? Sao em ít khi nghe anh nhắc tới học hành gì hết?

Chị dạo này cũng ít thấy đến sàn. Muốn nhắn cái tin hỏi thăm nhưng sĩ diện nhảy ra ngăn Phan lại. Là gì với nhau mà phải làm thân này nọ? Lỡ người ta khinh cho. Chị Ngà đã về quê, thoát khỏi nghề đi giúp việc ở phố. Phan bảo, em tự kiếm tiền trang trải được, chị không phải lo em đâu. Ở nhà chăm mẹ đi nhé! Cảnh nhà dần ổn định hơn nhờ những đồng tiền bo Phan chắt bóp gửi về. Anh định làm cái đơn gửi nhà trường, xin tạm hoãn học năm cuối, rồi sau đó hẵng hay.
***
- Bà già chịu chơi quá bây. Cả buổi nhảy với sáu kép, mỗi thằng hai trăm. Tính ra là triệu hai. Trời trời…

- Mày còn không biết cua bả kiếm ăn, nói gì nữa!

- Bả… hết “đát” rồi. Mày biết đó, tao không ham gái già. Bà ngoại rồi chớ ít gì. Nhìn thôi là hết hứng thú nổi!

- Tao cứ tưởng mày lúc nào cũng được chứ!

Phan im lặng nghe đoạn đối đáp trần trụi cợt nhả của đồng nghiệp. Nhân vật trong câu chuyện “triệu hai” vừa được trầm trồ là một phụ nữ chắc phải ngoài sáu mươi. Quả là không có ngôn từ nào chính xác hơn hai chữ “bà già”.

“Bà già” còn gân lắm. Mấy điệu nhảy nhanh và sôi động như chachacha hay bebop cũng không từ. Áo đầm lỏng lẻo trên thân hình không còn nhìn ra chút gì gợi cảm giới tính. Phan không khỏi ái ngại. Một “bà già” dám tiêu triệu hai trong một buổi tối, một tuần có khi xuất hiện đến hai ba lần, thì hà cớ gì mà phải đến nơi đây, để trở thành tâm điểm cho những gã trai như Phan, Tuấn, Đăng, Hải… vòi vĩnh và dè bỉu, háo hức trước những tờ tiền có lẽ đầy ăm ắp trong cái bóp đầm được đeo tòn ten trên vai thế này?

Nhìn “bà già triệu hai”, bỗng dưng Phan nhớ đến mẹ. Chưa chắc tuổi mẹ đã bằng người đàn bà này. Nhưng dù cố, Phan cũng không cách nào hình dung ra mẹ mình trong cái áo đầm như thế, tự tin và kiêu hãnh như thế, vui vẻ và hạnh phúc như thế, ở một nơi chốn như thế. Phan không sao tưởng tượng ra cảnh mẹ đứng cầm micro trên cái bục nho nhỏ kia, khẽ nhún nhảy và hát một bài để mọi người cùng khiêu vũ. Vẫn biết hình ảnh đó không bao giờ là sự thật, mỗi người có một ngôi sao chiếu mệnh và cuộc đời của riêng mình nhưng sao anh vẫn cảm thấy chạnh lòng. Mẹ Phan có gì không tốt, không bằng họ, mà sao phải cơ cực cả đời?

Nhất định một ngày nào đó, anh sẽ có tiền để đưa mẹ tham gia chỗ này chỗ nọ cho biết với người ta. Dù thâm tâm Phan thừa hiểu, mẹ vẫn đang lùi lại ở phía sau xa lắm. Khổ thân, mẹ chưa có được một ngày thong thả. Đời mẹ anh, rồi tới đời anh, biết đâu cả tới đời con anh, cũng không với tới sự dư dả, chỉ lo lắng làm sao cho đẹp, cho sang, cho đẳng cấp, chứ không cần phải bận tâm tới đói rét, mưa gió, nợ nần.

So với những phụ nữ tự tin rằng mình có sự nghiệp, độc lập xung quanh, mẹ anh quả thật nhỏ bé đến nao lòng. Lạ lắm không, khi Phan thấy mình day dứt nghĩ về mẹ trong một cuộc vui ồn ã đến vậy. Mẹ anh nào có liên quan gì đến những nơi chốn thế này…

Lòng Phan chùng xuống trong nỗi nhớ nhà cô quạnh. Không khí cuối năm đã bảng lảng đâu đây đủ khiến cho Phan sực nhớ ra, đã lâu lắm rồi anh không về quê. Cảm giác như thể chẳng dám về. Ngay cả gọi cho chị Ngà, Phan cũng thưa thớt. Phan sợ nỗi dằn vặt, ngại ngùng cứ trở qua trở lại. Phan đã nhận lấy cơ hội học hành của cả hai chị, mà giờ thì giảng đường với anh đang càng lúc càng xa vời.

Có chút ánh sáng bên ngoài rọi vào không gian lờ nhờ tối, khi ai đó vừa mới đến, mở cửa bước vô sàn. Phan bừng tỉnh khỏi mọi vẩn vơ, theo phản xạ liền bật dậy đón khách… 

Thùy Lâm

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI