Truyện ngắn - Đường về

13/10/2021 - 13:23

PNO - Lâm nhắn cho Hà vào một buổi tối trời Sài Gòn mưa bão. Đã rất lâu Lâm không liên lạc với Hà. Lần này, anh nhắn chỉ để báo tin anh sắp khai trương phòng tranh cá nhân ở Đà Lạt.

Chi đón Hà từ bến xe rồi chở thẳng về nhà mình. Con đường đất trải lớp đá dăm thỉnh thoảng tung bụi dưới bánh xe lăn qua, hàng dừa nước hai bên đường lùa gió mát rượi. Những căn nhà nhỏ lợp mái dừa nước chống nóng mấp mé lộ ra lớp tôn bên dưới, mấy cây me chua già trước sân đang thời thay lá gặp cơn gió ngược liền ào ào trút lá như một cơn mưa. 

Nhà Chi khá đơn sơ, tường gạch quét vôi, mái lợp tôn và phủ lớp dừa nước - kiểu nhà đại trà ở vùng này. Hà vào tới sân đã thấy má Chi chuẩn bị xong bữa cơm tối. Bữa cơm được bày ngoài sân, dưới bóng đèn tròn. Má Chi tất bật từ chiều khi nghe con gái nói sẽ đón bạn trên thành phố về phỏng vấn bà con xứ này về công tác phòng, chống dịch. Nhìn mâm cơm có cá trê chiên giòn chấm mắm gừng, cá rô non kho lạt dầm me, rau tập tàng nấu tôm khô, thêm rổ rau mầm kèm giá sống chấm nước kho cá, Hà tấm tắc khen, rồi quay sang má Chi cười nói tíu tít.

Má Chi cũng cười tươi, nói ba Chi tối nay mắc đi phụ đám giỗ nên không về cùng ăn cơm tối.

 

Hà xin phép về cho kịp lên bài ngay khi vừa lấy tin xong. Má Chi nhắc thỉnh thoảng về chơi. Bà thủ thỉ rằng lâu lắm rồi Chi không dẫn bạn học cũ về quê chơi như hồi trước. Hà gật đầu, nắm lấy đôi bàn tay đã lấm tấm vết đồi mồi của má Chi thay lời hứa. Hà theo Chi ra xe, bên tai vẫn nghe giọng má Chi hớn hở.
- Nay mình muốn ăn gì đặng em nấu?

Trong đầu Hà bắt đầu dậy lên thứ suy nghĩ mơ hồ lẫn lộn trong sợ hãi: Rõ ràng ba Chi vẫn chưa về nhà mà.
- Ê, có chuyện gì hả?
Khẽ giật mình trước câu hỏi đột ngột của Chi, Hà cười trấn an bạn.
- Đâu có.
Vẫn chú tâm nhìn thẳng con đường trước mặt, Chi cất tiếng.
- Bà thắc mắc về ba tui đúng hông?
Hà hơi lúng túng.
- Ừ, một chút.
- Ba tui mất lâu rồi, có điều má tui cứ nghĩ ông còn sống, rằng hằng ngày ba vẫn cạnh bên, nói chuyện và làm mọi việc cùng má. Lúc đầu, họ hàng nói má do thương ba quá nên bị điên. Xóm giềng thì bàn ra tán vô lời cay độc, nói má thiếu hơi đàn ông nên sinh ảo giác.
- Bà đưa má đi khám chưa?
- Rồi. Bác sĩ nói má bị tâm thần phân liệt nên lúc nào má cũng thấy ba.
- Ba má bà… chắc hồi đó hạnh phúc lắm?
Chi bật cười.
- Ba tui chuẩn soái ca miệt vườn đó nghen. Tui là con gái mà không được cưng bằng một góc má nữa. Tới giờ tui vẫn ngưỡng mộ ba má lắm luôn.
Hà nghe chuyện nhà bạn với đôi môi giữ chặt nụ cười buồn và ánh mắt phóng ra xa, trên những cánh đồng rộn ràng cánh trắng của đám cò đang đáp xuống kiếm tìm con tôm con tép.
***
Hà gửi bài cho tòa soạn lúc gần 5 giờ sáng. Lẽ ra Hà có thể để công việc lại đến sáng hôm sau, thế nhưng từ khi trở về, một mớ hỗn độn trong suy nghĩ cứ khiến Hà không sao chợp mắt nổi. Hà đành ngồi dậy, lấy công việc làm liều thuốc an thần cho mau qua hết một đêm.

Hừng đông không khí trong lành, Hà uể oải đi pha một tách cà phê. Chiếc điện thoại trên bàn rung lên báo có tin nhắn. Dòng tin hiện ra khiến cô khó chịu cau mày: “Ba con bị huyết áp, mới vô cấp cứu. Con coi sắp xếp về được không?”.
Không gian đột ngột đặc quánh, nồng nặc mùi thuốc sát trùng. Hà mở toang cửa sổ căn gác, nhoài người ra hít hà không khí bên ngoài.

Từ rất lâu, mỗi khi nghe ai nhắc về ba, lòng Hà lại tràn lên sự giận dữ. Với cô, người cha đó chính là nguyên nhân khiến mẹ cô điên dại. Ông vì người đàn bà khác mà bỏ rơi vợ con, bỏ rơi căn nhà một thời êm ấm. Tất cả chỉ vì lời khích bác của những gã bạn xấu tính, chỉ vì “sĩ diện đàn ông” và cũng chính vì cái sự cả thèm của lạ mà ông luôn ngụy biện rằng: “Đàn ông ai mà chẳng thế!”. Chỉ vài tháng sau ngày ông bỏ đi, mẹ Hà bị nhấn chìm trong căn bệnh tâm thần phân liệt. Không như mẹ của Chi luôn sống trong ảo giác ngọt ngào, cả đời mẹ Hà chìm trong đau buồn và chờ đợi.

Hà nhớ những ngày mẹ cô nửa tỉnh nửa mê bỏ nhà đi lang thang khắp nơi. Biết bao lần Hà phải lặn lội đêm hôm tìm mẹ. Những lúc Hà nắm chặt tay mẹ dắt về, mẹ Hà ngây ngô như đứa trẻ, nhả ra từng chữ rời rạc khiến Hà quặn thắt: “Ba con nói mẹ tới đó chờ ba. Ba sẽ về với mẹ”.

Khuôn mặt Hà đanh lại. Câu nói “Đàn ông ai mà chẳng thế!” lại như con dao sắc lẹm băm nát sự bao dung không thể dành cho ông. 
Cho đến khi thân đã tàn, tiền đã cạn và bạn bè tránh xa, ông quay về, quỳ dưới chân người đàn bà ông từng phũ phàng rời bỏ. Ông buông ra lời ăn năn và những giọt nước mắt muộn màng: “Mình tha cho anh nha mình! Anh thề từ nay anh sẽ chỉ có mình và con thôi”. Vậy mà mẹ cô đã dễ dàng tha thứ trong cơn tỉnh táo lạ thường.
***

Lâm nhắn cho Hà vào một buổi tối trời Sài Gòn mưa bão. Đã rất lâu Lâm không liên lạc với Hà. Lần này, anh nhắn chỉ để báo tin anh sắp khai trương phòng tranh cá nhân ở Đà Lạt.

Đến giờ, Lâm là mối tình duy nhất của Hà. Ngày đó, Hà không biết Lâm nhỏ tuổi hơn. Cả hai quen nhau trong một lần tham gia đại hội thanh niên ưu tú. Ngay từ phút chạm mặt, Lâm đã trúng ngay mũi tên của thần Cupid. Anh biết Hà không thích người nhỏ tuổi hơn mình. Bởi vậy, ngày hẹn hò làm quen, Lâm đã nói dối số tuổi. Lâm không hề biết rằng với Hà, nói dối cũng là một điều xấu xa.

Chưa đầy bốn tháng, Hà bất ngờ nói lời chia tay nhẹ hẫng bởi lý do Lâm nói dối. Khi Lâm đòi lý do rõ ràng, không tin họ chia tay chỉ vì chuyện tuổi, Hà vẫn lạnh lùng bỏ mặc anh đứng dưới mưa suốt một đêm bên ngoài ký túc xá. Bạn bè khuyên can đều vô vọng. Ai cũng nói Hà máu lạnh, có trái tim sắt đá.
***
Không khí ban đêm ở chợ hoa khá mát mẻ khiến tâm trạng Hà giãn ra phần nào. Cô say sưa bắt những khoảnh khắc đẹp của những sạp hoa chất đầy hoa tươi trong chợ. 

Hạ máy ảnh xuống trước ngực, Hà lấy điện thoại ra xem giờ. Phía đông, bầu trời vẫn chưa có dấu hiệu sắp sáng. Hà tiến đến một sạp hoa có bà chủ độ tuổi trung niên đang cắm cúi quét dọn đống lá cành vương vãi, lựa cho mình bó thạch thảo rồi nhìn bó hoa mỉm cười, thấy lòng nhẹ nhàng như màu tím của hoa. 

Lúc Hà ôm bó hoa quay người định đi về thì ánh mắt va phải người đàn ông vừa nhảy xuống khỏi xe tải. Là Lâm. Hà bối rối đứng yên. Lâm nhanh chóng nhìn thấy Hà. Hà lại thêm bối rối khi nhớ ra dòng tin của Lâm. Cô đã đọc nhưng chưa hồi đáp.

Lâm mời Hà ly cà phê nóng ở một quán cà phê cóc trong chợ. Lâm xuống thành phố để trực tiếp mời một số họa sĩ đến dự khai trương phòng tranh. Hà mỉm cười chiếu lệ, lấy góc vạt áo thun lau nhẹ ống kính máy ảnh. 

Trời bắt đầu hửng lên phía đằng đông.

Điện thoại cô reo, tiếng chuông tuy nhỏ nhưng dai dẳng mãi không chịu dứt. Nhìn dãy số trên máy, Hà miễn cưỡng nghe. Đầu dây bên kia là giọng cô Út đầy vẻ hồ hởi báo tin ba cô vừa xuất viện chiều qua.

- Ba của Lâm cũng từng oán giận mẹ Lâm rất nhiều. Vậy nhưng cuối cùng, ông đã làm điều ngược lại. Ông tha thứ cho mẹ và bình yên sống những ngày tháng về già cùng bà. Ba nói có lẽ do ba quá yêu mẹ. Có yêu nhiều thì mới giận nhiều, có yêu nhiều thì mới bị tổn thương nhiều. Vậy nên, vì yêu mà ông tha thứ.

Hà đột nhiên ngước mắt nhìn Lâm ráo hoảnh.
- Vậy còn Lâm? Lâm có tha thứ không?
***

Tòa soạn vẫn ưu tiên cho những tin tức mới về dịch bệnh. 

Hà vẫn cắm cúi bên máy tính, bỏ ngoài tai những kế hoạch mọi người sẽ làm cùng gia đình khi hết dịch. Hà hiểu vì sao cô không có những phản ứng như mọi người. Vì cô không có một gia đình bình thường để quay về. Ngôi nhà có ba không phải là nơi cô muốn về. Bấy lâu nay Hà chỉ thấy những cay nghiệt cứ ngày càng len lỏi vào tâm can, nhuộm đen mọi suy nghĩ. Hà thấy cô đơn.

Hà đổ lỗi mọi bất hạnh của cô đều do ba gây ra, lấy sự đau khổ của mẹ dung dưỡng nỗi oán hận đó. Thế nhưng lời Lâm nói hôm gặp nhau ở chợ hoa cứ xoáy lấy cô. Hà hỏi Lâm có tha thứ cho mẹ không. Lâm không mất thời gian để có câu trả lời: “Tha thứ chứ. Không phải vì mẹ đáng được tha thứ, mà vì ba Lâm. Vì mẹ là người ba yêu thương và sẵn sàng bỏ qua mọi lỗi lầm. Mặt khác, Lâm tha thứ cũng vì chính bản thân Lâm nữa, bởi Lâm nhận ra oán hận luôn khiến Lâm khổ sở, tha thứ là để mình bình yên”.

Hà đánh rơi ánh mắt ngoài cửa sổ. Dòng xe cộ đang hối hả chạy qua ập vào đầu Hà cơn đau buốt. Mở vội ngăn kéo lục tìm viên thuốc giảm đau, tay Hà quờ quạng lấy ra từng thứ không liên quan đặt lên bàn. Hà nhìn vào một gói nhỏ, một cái phong bì cũ cuộn bên ngoài một chai thuốc. Cô mở phong bì ra xem. Chai thuốc chứa những viên nhỏ như hạt tấm có nhãn hiệu một nhà thuốc đông y đặc trị chứng đau đầu, bên trong phong bì có mấy tờ tiền và dòng chữ nắn nót bên trên.

Hà nhận ra nét chữ: “Mấy bữa liền thấy con bị đau đầu nên ba mua loại thuốc này cho con xài thử. Nghe nói là tốt lắm. Con xài thấy được nói ba mua thêm gửi lên phòng hờ. Còn tiền ba cho con. Ba biết nếu ba đưa trực tiếp thì con sẽ không nhận. Con cứ coi như lời chúc của ba mong con đón tuổi mới bình an, vui vẻ”.

Hà buông rơi cả phong bì lẫn chai thuốc xuống nền nhà. Hà nhớ ngày cô ra xe trở lại thành phố sau mấy ngày về lo giỗ mẹ có thấy ba đứng cạnh túi xách của cô. Cũng như mọi khi, Hà chỉ cau có.

Bóp chặt hai tay, Hà tự hỏi liệu mình có thể tha thứ như Lâm. Cả hai đều là nạn nhân của đấng sinh thành. Họ bỏ rơi Lâm và Hà để chạy theo tiếng sét ái tình, rồi họ quay về cầu xin lòng vị tha. Thật nực cười. Khi đó, Hà lại nói dối với mọi người rằng nguyên do của sự tan vỡ với Lâm chỉ vì Hà hơn tuổi Lâm. Cô ghét phải thừa nhận rằng mẹ Lâm chính là người đàn bà phá hủy gia đình mình.

Vậy mà Lâm khuyên cô tha thứ. Tha thứ không phải vì ai khác mà vì chính mình. Hà nhặt lại chai thuốc đặt lên bàn, hàng mi khẽ chớp.

Lắc mạnh đầu vài lần, Hà cầm điện thoại một cách vô thức, đưa ngón tay quẹt ngang. Facebook tràn ngập tin mới. Phòng tranh của Lâm khai trương, anh đón khách cùng cha mẹ mình. Hà khẽ cười thả nút “like” rồi kéo màn hình, Chi đăng hình cùng má mừng sinh nhật cho ba kèm nụ cười tươi hơn ánh nắng. Hà khựng lại, trang cá nhân của cô Út vừa chia sẻ một bài có tên ba cô.

Tấm hình chụp ông đang ngồi cắt tỉa cho mấy khóm hoa trước sân, câu chữ vụng về của người mới tập xài mạng xã hội: “Nhờ thằng cháu nhỏ mà nay tui cũng biết chơi phây búc nè. Thấy bông nhà tui đẹp không bà con. Không biết cây bông nhỏ của tui trên thành phố có biết giữ sức khỏe hông, lo ghê” kèm thêm những biểu tượng khóc, cười, chóng mặt… không liên quan đến nội dung bài viết. Hà bật cười rồi giật mình khựng lại. Sao mình lại có cảm giác vui như vậy? 

Mọi người trong phòng vẫn râm ran nói về những dự định sau khi hết dịch. Hà nhìn chăm chăm bức ảnh và dòng chữ trên điện thoại, đắn đo vài giây, bấm thật chậm vào phần bình luận: “Đợi tình hình ổn, con sẽ về thăm ba”. 

Tịnh Bảo

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI