Truy tố chủ website phim lậu “Fmovies”: Nỗ lực làm sạch môi trường số

13/02/2025 - 08:02

PNO - Ngay khi một website phim lậu bị chặn, nhiều đường link khác lập tức được “khai sinh”. Tình trạng này khiến việc đối phó với các website phim lậu cực kỳ khó khăn. Tuy nhiên vụ chủ website phim lậu “Fmovies” bị truy tố cho thấy quyết tâm làm sạch môi trường số của cơ quan chức năng đang rất cao.

Nhức nhối web phim lậu

Viện Kiểm sát nhân dân TP Hà Nội vừa có quyết định truy tố Phan Thành Công và Nguyễn Tuấn Anh (cùng 35 tuổi) về tội xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan, theo khoản 2, điều 225 Bộ luật Hình sự. 2 đối tượng này đứng sau web phim lậu Fmovies với gần 50.000 phim, hoạt động từ năm 2015 đến tháng 7/2024. Trang web lậu này thu về hơn 400.000 USD (khoảng hơn 10 tỉ đồng) từ việc quảng cáo cho một công ty có trụ sở nước ngoài.

Tiệm ăn của quỷ chiếu trên một web lậu - Ảnh chụp màn hình
Tiệm ăn của quỷ chiếu trên một web lậu - Ảnh chụp màn hình

Fmovies đã ngang nhiên tồn tại suốt gần 10 năm do không có cá nhân, đơn vị nào tố giác hành vi sao chép, phân phối bất hợp pháp phim lậu của nó. Cho đến khi Hiệp hội Điện ảnh Mỹ (MPA) ủy quyền cho đại diện ở Việt Nam quản lý, giám sát các vấn đề liên quan bản quyền trên môi trường số thì Fmovies mới bị “sờ gáy”. Cụ thể, trong gần 50.000 phim lậu có trên Fmovies, có 30 tác phẩm điện ảnh của MPA được bảo hộ quyền tác giả tại Việt Nam. Đại diện MPA đã có đơn tố giác tội phạm.

Cơ quan công an cho biết, chỉ trong 6 tháng đầu năm 2024, có hơn 6,7 tỉ lượt truy cập Fmovies từ nhiều quốc gia. Mỗi lượt truy cập, trước khi xem được phim lậu, khán giả bắt buộc phải xem quảng cáo, thường là quảng cáo cá độ bóng đá, đặt cược từ nhà cái... Với số lượng truy cập rất lớn, việc lồng quảng cáo phi pháp, đường link độc tiềm ẩn nhiều nguy cơ người xem bị lừa đảo, chiếm tài khoản ngân hàng.

Theo thống kê từ công ty phân tích dữ liệu SimilarWeb, tại Việt Nam, hiện có hơn 200 web phim lậu, thu hút lượt xem rất lớn mỗi tháng. Đại diện Truyền hình số K+ cho biết: Việt Nam đứng thứ ba trong khu vực về tỉ lệ vi phạm bản quyền, với 15,5 triệu người thường xuyên truy cập vào các website lậu.

Trước khi Fmovies bị xử lý, năm 2021, cơ quan chức năng đã khởi tố nhóm đối tượng đứng sau phimmoi.net - web phim lậu đình đám nhất từ trước đến nay. Sự việc gây chú ý lớn trong dư luận bởi tính chất, mức độ vi phạm cực kỳ tinh vi. Nhưng đáng nói ở chỗ, ngay khi phimmoi.net bị đánh sập, nhiều web lậu khác xuất hiện với tên miền na ná như phimmoizz.net, phimmoizzz.net, zphimmoi.com, phimmoii.org, zphimmoi.tv... Đến đầu năm 2024, Công an tỉnh Quảng Bình đã khởi tố 3 đối tượng, cũng với hành vi xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan theo điều 225 Bộ luật Hình sự. Các đối tượng này trước đó lập các web phim lậu như bilutvt.net, tvhayh.org, animefull.net để phát tán phim lậu.

Những tưởng, khi các đối tượng đứng sau web phim lậu bị xử lý thì nạn xâm phạm bản quyền trên môi trường số sẽ giảm. Nhưng không, nhiều web vẫn ngang nhiên hoạt động. Mới nhất, dịp tết Nguyên đán 2025, khi loạt phim Tiệm ăn của quỷ do đạo diễn Hàm Trần thực hiện ra mắt trên Netflix, ngay lập tức, bộ phim đã có ở các web lậu. Điều kiện duy nhất ở các web này là người xem phải xem các quảng cáo cá độ được cài sẵn cho từng tập.

Tia sáng trong dẹp nạn web lậu

Ngày 10/2, tờ The Korea Times đăng thông tin: 2 đối tượng người Hàn Quốc điều hành các trang web lậu tại Việt Nam đã bị bắt giữ. 2 đối tượng này lập các web lậu gồm PickleTV và TV Champ, từ tháng 4/2022 - 7/2024, phân phối 32.124 video có nguồn gốc từ các nền tảng phát trực tuyến toàn cầu như Netflix, Disney+, Apple TV+... Các đối tượng cực kỳ tinh vi khi thành lập công ty đại diện tại Việt Nam nhưng đặt máy chủ ở quốc gia thứ ba và sử dụng dịch vụ mạng phân phối nội dung của một đơn vị tại Mỹ để tránh bị phát hiện. Việc điều tra và bắt được 2 đối tượng này không hề dễ dàng nhưng cho thấy, đã có sự phối hợp giữa các quốc gia trong việc ngăn chặn nạn xâm phạm bản quyền.

Web lậu Fmovies chiếu nhiều phim hot trước khi các đối tượng đứng sau bị khởi tố.
Web lậu Fmovies chiếu nhiều phim hot trước khi các đối tượng đứng sau bị khởi tố.

“Đây là kết quả của cuộc điều tra chung quốc tế về ngăn chặn vi phạm bản quyền trực tuyến (I-SOP) của Interpol. Thông qua thỏa thuận với cơ quan cảnh sát quốc gia và Interpol, chúng tôi đang tích cực trấn áp các hành vi vi phạm bản quyền đối với nội dung của Hàn Quốc” - đại diện Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hàn Quốc chia sẻ trên The Korea Times.

Một điểm tích cực khác, có thể gọi là tia sáng trong dẹp nạn web lậu là sự vào cuộc quyết liệt của Liên minh Sáng tạo và Giải trí (gọi tắt là ACE, thành lập năm 2017) với hơn 50 công ty, hãng phim và hiệp hội truyền thông trên toàn cầu. Theo ACE, bằng sự can thiệp về kỹ thuật lẫn kết hợp với cơ quan chức năng của các quốc gia, mỗi ngày, có khoảng 2.500 trang web lậu bị gỡ xuống. ACE cho biết, sẽ tiếp tục hợp tác với phía Việt Nam nhằm xử lý tận gốc tình trạng xâm phạm bản quyền. Việc triệt phá Fmovies cũng có một phần công sức của ACE. Sau khi cơ quan công an khởi tố người đứng sau Fmovies, ACE đã thông tin cho nhiều trang báo lớn trên thế giới, chia sẻ về sự việc nhằm cho thấy nỗ lực làm sạch môi trường số của tổ chức, các cơ quan chức năng tại Việt Nam.

Dù đã có những thành quả ban đầu nhưng việc ứng phó với nạn web lậu vẫn còn nhiều gian nan. Đơn cử như một đơn vị sản xuất các loạt phim độc quyền tại Việt Nam cho biết: khi phát hiện sản phẩm của mình bị một web phim lậu kéo về, công ty phải làm hồ sơ đề xuất chặn tên miền của web lậu đó. Thời gian chờ đợi thường mất khoảng 2 ngày mới được xử lý, trong khi, chỉ tích tắc, nhóm đối tượng có thể lập tên miền mới, tiếp tục phát tán phim lậu. Do đó, biện pháp chặn tên miền là khả thi nhưng chưa thực sự hiệu quả nếu thiếu các chế tài thật nghiêm đi cùng.

Diễm Mi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI