Trường Tiểu học tại TPHCM chuẩn bị nhiều bộ đề kiểm tra học kỳ 1

27/02/2022 - 17:50

PNO - Để đảm bảo khách quan, công bằng cho học sinh lớp 1, 2 ở lớp học "on-off", trường tiểu học tại TPHCM xây dựng nhiều bộ đề kiểm tra HKI dự phòng.

Theo kế hoạch, ngay khi học sinh lớp 2/3, Trường TH Cửu Long (quận Bình Thạnh) hoàn thành thời gian cách ly, chuyển từ học trực tuyến sang học trực tiếp vào đầu tuần tới, cô Phạm Thị Cẩm Tứ (giáo viên chủ nhiệm lớp) sẽ tổ chức kiểm tra cuối học kỳ 1 cho học sinh. 

Dù phải chuyển sang học trực tuyến 1 tuần do lớp xuất hiện F0 song giáo viên này cho biết không ảnh hưởng nhiều đến quá trình ôn tập, củng cố kiến thức đã học của học sinh. Thời khoá biểu trực tuyến được thiết kế linh hoạt, học sinh vừa học bài mới, vừa rèn luyện kiến thức cũ, đảm bảo các em không cảm thấy “lạc lõng” khi trở lại trường, tự tin bước vào kỳ kiểm tra. 

“Đề kiểm tra do tổ khối chuyên môn soạn dựa trên đánh giá năng lực tiếp thu trong quá trình học trực tuyến của học sinh từ phía giáo viên chủ nhiệm. Do đó, sẽ bám sát với năng lực của các em, là các kiến thức, dạng bài quen thuộc mà các em đã được học”, cô Phạm Thị Cẩm Tứ chia sẻ. 

theo kế hoạch, trong tuần sau học sinh lớp 1, 2 tại TP.HCM sẽ kiểm tra học kỳ 1 trực tiếp
Theo kế hoạch, trong tuần sau học sinh lớp 1, 2 tại TPHCM sẽ kiểm tra học kỳ 1 trực tiếp

Tại trường TH Bông Sao (quận 8) với nhiều lớp 1, 2 đang phải học trực tuyến phòng chống dịch, thầy Lê Thành Sơn, Hiệu trưởng nhà trường cho hay, trường đã xây dựng đến 4 bộ đề dự phòng ở mỗi khối để phục vụ kiểm tra học kỳ 1 cho học sinh trong mọi tình huống phát sinh.

“Theo kế hoạch, trong tuần sau học sinh lớp 1, 2 sẽ kiểm tra học kỳ 1. Lớp nào đi học trực tiếp các em sẽ được làm bài kiểm tra trực tiếp. Với những lớp vẫn còn trong thời gian học online, trường sẽ tổ chức kiểm tra khi các em trở lại trường bằng bộ đề dự phòng. Về nguyên tắc, chỉ có 2 đề dự phòng tuy nhiên trong tình hình này, trường xây dựng 4 bộ đề và có thể linh hoạt xây dựng thêm nếu phát sinh những lớp học trực tuyến”, thầy Lê Thành Sơn thông tin. 

Hiệu trưởng này chia sẻ, kiểm tra học kỳ 1 chỉ nhằm đánh giá năng lực học sinh đến thời điểm kết thúc học kỳ 1. Vì vậy, kiến thức sẽ chỉ nằm trong quá trình các em đã trực tuyến và được giáo viên củng cố khi các em trở lại trường.

“Dù đã cơ bản đạt được những yêu cầu cần đạt trong thời gian học trực tuyến nhưng nhìn chung học sinh lớp 1, 2 năm nay vẫn có những hạn chế về kỹ năng do thiếu tương tác thầy trò, bạn bè, thiếu không gian lớp học… Do đó, ở tất cả các bộ đề kiểm tra, kiến thức, kỹ năng đều ở mức nhẹ nhàng, không áp lực, không đánh đố. Từ kết quả kiểm tra sẽ giúp giáo viên đánh giá thêm năng lực học sinh để đưa ra hướng giảng dạy, phụ đạo phù hợp”, Hiệu trưởng Lê Thành Sơn nói thêm.

Trước thực tế lớp học tại TPHCM thường xuyên phải “đóng cửa” chuyển sang học trực tuyến do phát sinh các ca F0, bà Lâm Hồng Lãm Thuý (Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học, Sở GD-ĐT TPHCM) nhìn nhận, việc chuyển đổi hình thức dạy học phòng chống dịch phần nào ảnh hưởng đến kế hoạch kiểm tra định kỳ học kỳ 1 với học sinh lớp 1, 2 của nhà trường.

Trường tiểu học tại TP.HCM xây dựng nhiều bộ đề kiểm tra dự phòng, đảm bảo đánh giá khách quan, công bằng cho học sinh các lớp trực tuyến- trực tiếp
Trường tiểu học tại TPHCM xây dựng nhiều bộ đề kiểm tra dự phòng, đảm bảo đánh giá khách quan, công bằng cho học sinh các lớp trực tuyến - trực tiếp

Tuy nhiên, các trường tiểu học trên địa bàn thành phố đều rất linh hoạt, chủ động chuyển đổi hình thức dạy học của lớp học phù hợp với tình hình dịch bệnh trong từng tình huống cụ thể. Những lớp học này sẽ được giáo viên tổ chức kiểm tra trực tiếp ngay sau khi các em hoàn thành thời gian cách ly, trở lại trường học.

Bà Lãm Thuý cho rằng, để đảm bảo đánh giá học sinh một cách khách quan, công bằng nhất trong tình hình dịch bệnh hiện nay, mỗi nhà trường cần phải chuẩn bị nhiều bộ đề dự phòng. Mức độ kiến thức trong các bộ đề phải tương đương nhau, xây dựng theo hướng phù hợp chuẩn kiến thức, kỹ năng và định hướng phát triển năng lực học sinh. Không tổ chức kiểm tra, đánh giá các nội dung, yêu cầu đã được tinh giản, các bài không dạy hoặc đã chuyển sang đọc thêm, tự đọc.

“Điều quan trọng nhất là kiến thức trong các bộ đề phải đánh giá sát sườn với năng lực tiếp thu của học sinh, để tránh thiệt thòi cho học sinh…”, bà Lâm Hồng Lãm Thuý nói. 

Tấn Dũng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI