F0 tăng nhanh, trường học bật “chế độ on-off” song hành

26/02/2022 - 06:23

PNO - Nhiều phụ huynh cho biết, từ ngày con đi học trở lại, mỗi khi thấy số điện thoại giáo viên chủ nhiệm là giật thót tim. Bởi đó có thể là tình huống giáo viên thông báo lớp có F0, phải lật đật chạy rước con về, xin nghỉ việc để ở nhà cùng con. Hoặc học online ít hôm, đi học trở lại được vài ngày lại gặp lại “quy trình” của hôm trước…

Phụ huynh… chạy có cờ

Trưa 24/2, đang họp với đối tác, chị Ngọc Minh (đang công tác tại Q.3) phải cố gắng bàn bạc nhanh rồi xin phép chạy đi rước con sau khi nhận được cuộc gọi của cô giáo báo bạn ngồi kế bên vừa xét nghiệm dương tính trong trường.

Học sinh Trường tiểu học Nguyễn Trung Ngạn (Q.8, TP.HCM) thực hiện các quy định về giữ khoảng cách và vệ sinh để phòng, chống dịch
Học sinh Trường tiểu học Nguyễn Trung Ngạn (Q.8, TPHCM) thực hiện các quy định về giữ khoảng cách và vệ sinh để phòng, chống dịch

Trước khi đến trường, chị tranh thủ gọi điện cho chồng xin nghỉ vài tiếng đầu giờ chiều để ở nhà với con gái, bởi chiều chị có cuộc họp quan trọng khác, họp xong chị sẽ chạy về “thay ca”. Vậy là cả ngày hôm qua, vợ chồng tất tả giải quyết chuyện của F1. Mà chuyện này cũng không có gì lạ bởi mới ngày 21/2, vợ chồng chị cũng trải qua quy trình tương tự khi trường của con gái có F0. 

Trong khi đó, với con trai lớn đang học lớp 12 Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (Q.3), trong vòng một tuần, lớp có đến chín bạn thành F0 nên con chuyển sang học online từ ngày 22/2 đến nay. “Cả hai con đều đang học cuối cấp, chuẩn bị cho những kỳ thi quan trọng vào cuối năm. Với tình hình này, chỉ sợ khi lớp, trường có quá nhiều F0 phải chuyển sang học online hết thì kết quả chắc chắn bị ảnh hưởng. Nhưng, đi học thế này thì cũng rất phập phồng, bất an. Mỗi khi thấy điện thoại giáo viên gọi là giật mình thon thót. May là cả hai con đều được tiêm 
vắc xin”, chị Minh lo lắng.

Những ngày này, nhận tin con là F1 hoặc “nâng cấp” thành F0 đang là câu chuyện không của riêng ai. Nhất là với trẻ mầm non, tiểu học chưa được tiêm vắc xin, cộng với ý thức 5K chưa được như các lớp lớn khiến số lượng học sinh ở những bậc học này nhiễm COVID-19 tăng mạnh.

Chị Phan Thị Hoài, phụ huynh lớp Một Trường mầm non - tiểu học ICS (TP. Thủ Đức), cho biết: “Điều lo lắng cuối cùng cũng đến, cô giáo báo tin con cho kết quả dương tính khi test nhanh. Trường đã báo y tế địa phương xử lý các bước theo trình tự. Mình đến đón con về, trong hai ngày, con có nhiều biểu hiện nặng, sốt cao nhưng may mắn là sau đó cắt cơn nhanh và xét nghiệm nhanh tại nhà đã khỏi. Trừ những bạn ngay từ tết đến giờ chưa đi học trực tiếp ngày nào thì không biết thế nào, lớp cứ lần lượt các bạn bị dương tính”. 

Chị Nguyễn Thị Phượng (TP. Thủ Đức) đang công tác tại một trường đại học thì sau hai cuộc gọi của trường, cả hai con của chị đều “nâng cấp” F1 thành F0. Từ đầu tuần này, hai vợ chồng phải xin nghỉ làm ở nhà bảy ngày vừa chăm con vừa cách ly theo quy định. “Khi nghe điện thoại của cô chủ nhiệm là lo lắm. Mấy ngày trước, con là F1, ngồi test nhanh mà con liên tục cầu nguyện. Vài ngày sau, con thành F0 phải nghỉ học ở nhà. Trường con từ ngày đi học đến nay liên tục có F0 nên cha mẹ cứ nơm nớp trong lòng”, chị Phượng cho hay.

Còn con gái chị Lan Phương, học lớp Bốn Trường tiểu học Trần Bình Trọng (Q.5), đang lo sốt vó vì tổ có tám bạn thì đã có bốn F0. “Ngày 23/2, mới một bạn nghỉ vì thành F0; sáng 24/2, thêm ba bạn nữa nên phụ huynh vô cùng lo lắng vì các bạn ngồi cạnh nhau”, chị Phương chia sẻ.

Nhà trường phải chủ động

Số học sinh nhiễm COVID-19 vẫn chưa có dấu hiệu chậm lại. Nhiều trường sau một, hai tuần tổ chức dạy học trực tiếp, tổ chức bán trú đều phải chuyển nhiều lớp sang hình thức học online vì phát hiện nhiều học sinh là F0. 

Tại Trường tiểu học Nguyễn Thanh Tuyền (Q.3), khi mới đi học trở lại, cả trường chỉ có hai lớp phải chuyển từ hình thức trực tiếp sang online, nhưng đến cuối tuần rồi đã có đến 8/20 lớp phải chuyển sang học online. Kết thúc tuần học đầu tiên, nhà trường tổng kết có 13 F0, chủ yếu xuất phát từ gia đình. Trong khi đó, một trường tiểu học ở P.12, Q.Tân Bình cũng có đến hơn 40 học sinh là F0 và phải chuyển 9/30 lớp sang học online.

Còn tại Trường THPT Nguyễn Du (Q.10), từ thời điểm đi học sau tết đến nay đã có 106 học sinh bị F0. May mắn là phần lớn trong số này được phát hiện tại nhà nhờ sự phối hợp với phụ huynh nên không ảnh hưởng nhiều đến hoạt động học tập trực tiếp. Hiện nay, trường có bảy lớp chuyển sang hình thức học online. 

Tại Trường THPT Trưng Vương (Q.1), thống kê từ trưa thứ Sáu đến Chủ nhật để bắt đầu cho tuần học mới thì có 40 trường hợp học sinh thành F0 được phát hiện tại nhà. Theo cô Trương Thị Bích Thủy, hiệu trưởng nhà trường, với quy định mới, trong cùng một ngày, trường có từ hai lớp học có F0 trở lên phải chờ y tế quận đánh giá mức độ để quyết định hình thức giáo dục online hay offline. Còn hiện tại, trường kết hợp song hành cả on và off trước thực tế ngày càng có nhiều F0.

“Với những giáo viên bị F0 sẽ nghỉ ở nhà, nếu ai mệt thì không phải dạy online, có giáo viên khác dạy thay. Với những học sinh là F0 hoặc F1 tiếp xúc gần có nguy cơ cao thì ở nhà học online. Trường không dạy online theo số tiết cứng nhắc, thay vào đó, các em nghỉ học mất bài ở giai đoạn nào thì được tổ chức thành chuyên đề, có tính hệ thống để dạy online cho các em sao cho hiệu quả nhất với thời lượng ngắn nhất có thể”, cô Thủy cho hay.

Một ngày sau khi văn bản 548 của UBND thành phố về hướng dẫn kiểm soát dịch COVID-19 trong các cơ sở giáo dục được ban hành, sáng 24/2, Phòng Giáo dục và Đào tạo Q.8 lập tức tổ chức tập huấn cho ban giám hiệu, nhân viên y tế tất cả trường từ mầm non đến THPT và trạm y tế của 16 phường nắm các quy định mới.

Ông Dương Văn Dân, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo Q.8, cho biết đối với hình thức học tiếp, sau khi lớp học phát hiện hai ca F0 trong cùng ngày thì phải căn cứ vào kết quả điều tra dịch tễ, ban chỉ đạo phòng, chống dịch của trường sẽ quyết định hình thức học tiếp theo (online hoặc offline, kết hợp…) cho những học sinh còn lại trong lớp. Nếu trường học phát hiện từ hai lớp có F0 trong cùng ngày thì ban chỉ đạo phòng, chống dịch cấp quận, huyện căn cứ vào kết quả điều tra dịch tễ để quyết định hình thức học tiếp theo của trường. 

Theo cô Bích Thủy, việc phối hợp với phụ huynh để sàng lọc trước góp phần hạn chế lây lan so với việc để trẻ đến trường rồi mới phát hiện. Trường nhờ phụ huynh test trước cho con ở nhà. Việc test và báo thông tin để chuẩn bị cho tuần học tiếp theo sẽ thực hiện từ chiều thứ Sáu đến Chủ nhật tuần trước. Nhờ vậy, các em được phát hiện và xử lý sớm, giảm sự xáo trộn so với việc được phát hiện khi đang học. Có như vậy, trường học mới ổn định công tác chuyên môn. 

 Tiêu Hà

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI