Trung Quốc: Báo động nạn bắt nạt học đường từ cái chết của một học sinh 13 tuổi

11/11/2021 - 14:36

PNO - Cái chết của một học sinh trung học 13 tuổi ở Trung Quốc vào tháng trước đã làm dấy lên sự lo lắng trong dư luận và các chuyên gia giáo dục nước này về tình trạng bắt nạt học đường.

Ngày 23/10, Ke Liangwei - một học sinh 13 tuổi ở thành phố Mậu Danh thuộc tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc - đã bị mất tích. Sau 3 ngày, thi thể của em được tìm thấy ở một khu đất hoang. Em tử vong do đuối nước.

Khoảng 1/3 trong số 10.000 học sinh từ 6 tỉnh ở Trung Quốc đã từng bị bắt nạt
Khoảng 1/3 trong số 10.000 học sinh từ 6 tỉnh ở Trung Quốc đã từng bị bắt nạt

Vào tuần trước, một đoạn video đã xuất hiện trên mạng xã hội, cho thấy Ke bị một học sinh khác tát, khiến em bị ngã xuống sàn trong nhà vệ sinh, trong khi một số học sinh khác đứng nhìn và cổ vũ.

Sau khi Ke mất tích, gia đình mới biết em đã nhiều lần bị bắt nạt ở trường, lần gần nhất là 1 ngày trước khi em mất tích.

Hôm 10/11, cảnh sát và cơ quan giáo dục địa phương đã xác nhận câu chuyện của Ke với tờ SCMP, nhưng không đề cập đến việc em đã bị bắt nạt ở trường.

Cái chết thương tâm của Ke đã gióng lên một tiếng chuông báo động về vấn nạn bắt nạt học đường ở Trung Quốc, mà trong đó đa số các nạn nhân đều giữ im lặng.

Theo một nghiên cứu của Đại học Sư phạm Hoa Trung (CCNU) ở Vũ Hán, khoảng 1/3 trong số 10.000 học sinh từ 6 tỉnh ở Trung Quốc đã từng bị bắt nạt. Trong số đó, 45% chọn cách “giữ bí mật”.

Chỉ khoảng 25% số học sinh bị bắt nạt - ở độ tuổi từ 6 đến 18 - được khảo sát cho biết sẽ báo cho giáo viên hoặc phụ huynh.

“Tỷ lệ học sinh bị bắt nạt ở Trung Quốc hiện thấp hơn một chút so với những phát hiện từ các nghiên cứu trước đó, nhưng vẫn cao hơn dự đoán của chúng tôi”, ông Fu Weidong - phó giáo sư của CCNU, người đứng đầu nghiên cứu nói trên - nhận xét.

Nhưng với tỷ lệ này, Trung Quốc đang nằm trong nhóm các quốc gia đứng đầu về vấn nạn bắt nạt học đường. Theo số liệu của UNICEF (Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc), trên toàn cầu, cứ 3 học sinh từ 13 - 15 tuổi thì có một học sinh bị bắt nạt (tỷ lệ trên 30%).

Giáo sư Wang Zhenhui từ Đại học Khoa học chính trị và luật Trung Quốc ở Bắc Kinh, cho biết việc thiếu các biện pháp cụ thể để cải tạo những kẻ bắt nạt và giúp đỡ nạn nhân, cùng với các yếu tố khác, là những nguyên nhân khiến tình trạng bắt nạt trở thành vấn nạn kéo dài trong các trường học ở Trung Quốc.

“Nếu hung thủ không được giáo dục kịp thời và hữu hiệu thì các em sẽ khó có thể thay đổi hành vi. Các em thậm chí có thể suy nghĩ rằng việc bắt nạt người yếu thế hơn là điều được khuyến khích, từ đó càng phạm tội nghiêm trọng hơn và gây nhiều tổn hại hơn cho người khác”, ông Wang giải thích.

Vào tháng 6/2021, Trung Quốc đã thi hành Luật Bảo vệ trẻ vị thành niên, yêu cầu tất cả các trường học xây dựng những chương trình ngăn chặn tình trạng bắt nạt học đường. Bộ Giáo dục nước này cũng đã ban hành một số quy định nhằm “bảo vệ trẻ vị thành niên ở trường học”, quy định có hiệu lực từ tháng 9 năm nay.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, việc các trường học thực thi quy định pháp luật chưa nghiêm minh khiến nhiều thủ phạm không bị trừng phạt hay giáo dục thích đáng, còn các nạn nhân thường bối rối, không biết xử lý tình huống thế nào khi bị bắt nạt.

Giáo sư Wang cho biết thêm, khi học sinh không được cha mẹ dạy cách xử lý cảm xúc và quan hệ giữa các cá nhân một cách đúng mực, các em cũng thường có xu hướng bỏ bê việc học hành và bắt nạt người khác.

Theo nghiên cứu của CCNU, những học sinh xuất thân từ các gia đình giàu có hoặc quyền lực thường ít bị bắt nạt hơn.

Ông Wang cũng cho rằng việc tiếp xúc nhiều với các thông tin, hình ảnh và những câu chuyện bạo lực trong cuộc sống hàng ngày cũng khiến học sinh có xu hướng thể hiện lại các hành vi bạo lực trong học đường.

Nhất Nguyên (theo SCMP)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI