Triệu lời “Cảm ơn Việt Nam!”

29/04/2020 - 08:15

PNO - Bác sĩ Nguyễn Thanh Phong liên tục có điện thoại. Một lần cúp máy, ông ngước lên nói với tôi “bên đại diện của anh ấy đề xuất đặt ống dẫn thức ăn…”. Vừa nói tới đó thì điện thoại lại reo. Tất cả những cuộc gọi nãy giờ dường như đều nói về “anh ấy” - bệnh nhân số 91 đang điều trị tại Khoa Nhiễm D, Bệnh viện (BV) Bệnh nhiệt đới TPHCM - nơi bác sĩ Phong làm trưởng khoa.

Mọi thứ gấp gáp và căng thẳng vì tiên lượng bệnh xấu, nhưng bệnh nhân kiên quyết không ăn uống, không hợp tác. Tình huống này làm tôi nhớ đến câu chuyện của BV Chợ Rẫy hồi 28 Tết, với một ông “bệnh nhân số 1” cũng nhất mực khước từ. Ông đến từ Vũ Hán, Trung Quốc khi COVID-19 chưa trở thành một khái niệm y khoa ở Việt Nam.

Ông Li Ding cúi đầu cảm ơn bác sĩ, nhân viên y tế Bệnh viện Chợ Rẫy và đất nước Việt Nam ngày xuất viện
Ông Li Ding cúi đầu cảm ơn bác sĩ, nhân viên y tế Bệnh viện Chợ Rẫy và đất nước Việt Nam ngày xuất viện

Bỡ ngỡ và khước từ

Chiều ngày 28 tết Canh Tý, ông Li Ding (66 tuổi) vào Khoa Cấp cứu BV Chợ Rẫy trong tình trạng sốt 39oC, mệt mỏi, không tự đi được. Đi cùng ông là con trai Li Zichao (28 tuổi) cũng có triệu chứng tương tự. Lúc đó, gia đình ông Li đang chuẩn bị trở về Vũ Xương, Vũ Hán, Trung Quốc sau khi hai vợ chồng ông sang thăm con trai làm việc ở Long An.

Thấy bệnh nhân có triệu chứng sốt, lại đến từ vùng dịch Vũ Hán, BV Chợ Rẫy lập tức chỉ định nhập viện. Nhưng cũng ngay lập tức, bác sĩ và các nhân viên y tế nhận lại những phản ứng quyết liệt của ông Li Ding. Ông kiên quyết không nhập viện, không chấp nhận “khả năng nhiễm bệnh dịch” mà bác sĩ vừa nói.

Lúc đó, Việt Nam chưa hề có tín hiệu gì về dịch bệnh, người người đang rộn ràng đón Tết. Ngay tại Vũ Hán, người ta vẫn bận với Tết hơn là với dịch bệnh. Số người được chẩn đoán nhiễm virus ở thành phố tâm dịch này cũng mới chỉ vài trăm. 

Việc cần làm lúc đó là sàng lọc nguy cơ nhiễm bệnh dịch với virus corona chủng mới đang gây dịch ở Vũ Hán của bệnh nhân. Thế nhưng, ngay giây phút đề nghị lưu viện để sàng lọc virus, chính các bác sĩ của BV Chợ Rẫy cũng không chắc Việt Nam đã có sinh phẩm để xét nghiệm virus này chưa. Đó là những ngày giáp Tết, thông tin rải rác không đáng kể về một loại bệnh dịch ở Vũ Hán vẫn chưa gây chú ý. Mọi sự ứng phó nếu có, cũng dễ được hẹn “sau Tết”. Trong khi đó, bác sĩ vẫn kiên quyết đưa cha con ông Li vào khu cách ly của Khoa Bệnh nhiệt đới, đồng thời báo lên lãnh đạo BV. Mọi quy trình y tế đều được triển khai nghiêm ngặt. Dù đối diện họ, vị bệnh nhân kiệt sức vẫn mãnh liệt cự tuyệt để được về nước điều trị ở một nền y tế mà ông cho là hiện đại hơn.

Lúc này, mọi nỗ lực can thiệp y tế đều gặp khó. Ông Li Ding không chịu mở miệng để lấy dịch làm xét nghiệm, cự tuyệt việc lấy dịch mũi. Ông từ chối đo huyết áp, không súc họng. Ông giãy nảy đến kiệt sức, với đề nghị duy nhất: “Về nước điều trị”, hoặc nếu buộc phải ở lại thì phải trả lời ngay cho ông biết ông có nhiễm virus corona không. 

Tưởng chừng, sự phản ứng mạnh mẽ đến quá quắt này là cá biệt. Nhưng đến bệnh nhân số 91 - cũng là một người nước ngoài, người ta lại chứng kiến một phản ứng tương tự.

Đối diện chúng tôi, bác sĩ Phong tươi tỉnh, điềm nhiên, nhưng không giấu được những gấp gáp chồng chéo lên trọng trách của một bác sĩ. Bệnh nhân số 91 cự tuyệt ăn uống trong khi cuộc chiến với virus không cho phép cơ thể bị đói hay thiếu dinh dưỡng. Đơn vị đại diện cho bệnh nhân liên tục gọi điện để phối hợp, bày tỏ thiện chí, đề xuất các phương án giải quyết vấn đề dinh dưỡng cho bệnh nhân. Nhưng, bác sĩ Phong không đồng ý. Theo ông, “phải thuyết phục bệnh nhân chứ không thể dùng phương án mở ống thông dạ dày để dẫn thức ăn với một người còn tỉnh táo và đủ năng lực ăn uống”.

Có lẽ, chính vì lúc đó bệnh nhân còn quá khỏe (chỉ sốt), cộng thêm sự khác biệt văn hóa chữa bệnh giữa Việt Nam và nước Anh đã khiến anh hoài nghi tiên lượng bệnh và bất hợp tác với chỉ định y tế của bác sĩ sở tại. Cái khó dồn lên vai bác sĩ. 

“Đoạn trường ai có qua cầu…”

Chứng kiến những giây phút căng như dây đàn trước những cự tuyệt quyết liệt và có phần cao ngạo đó, người ta mới thấm thía cái cúi đầu cảm ơn của ông Li Ding ngày ông khỏi bệnh, xuất viện, rời BV Chợ Rẫy.

Ngày 12/2, trước mặt chúng tôi, ông Li Ding khỏe mạnh, nhưng liên tục cúi đầu. Lúc được nói, ông dùng mấy chữ tiếng Việt bập bẹ để liên tục “cảm ơn, cảm ơn”. Có lẽ, đó là từ tiếng Việt duy nhất ông nói được sau 21 ngày điều trị tại BV Chợ Rẫy. Nhưng nó không đủ để tỏ bày. Ông bắt đầu nói bằng tiếng Trung Quốc: “Cảm ơn Việt Nam, cảm ơn Chính phủ, cảm ơn Bộ Y tế và cảm ơn BV sâu sắc”. Rồi ông nắm tay một điều dưỡng trực tiếp chăm sóc ông, nói: “Cám ơn các con đã đối xử với chú như người thân”.

Thời điểm đó, Vũ Hán quê hương ông đang trong những ngày trầm trọng dài dặc của dịch bệnh. Nhiều người trẻ, khỏe vẫn không có cơ hội sống. Tiếng cảm ơn được nhắc lại nhiều lần như một sự nỗ lực đến cùng để bày tỏ sự biết ơn vượt rào cản ngôn ngữ. Nó thật thà và nhất quán với cái năng lượng triệt để ông đã từng dùng để khước từ trước đó. 

Nếu sự bình phục giữa cuộc bủa vây bởi bốn bệnh nền của ông Li Ding là một kỳ tích, thì tình trạng nặng nề ngay sau đó của bệnh nhân số 91 là một diễn biến buồn. Nhưng, nó là diễn biến buồn đã được các bác sĩ BV Bệnh Nhiệt đới TPHCM đoán trước. Ngay lúc bệnh nhân số 91 vào viện với sức khỏe vẫn còn tốt và từ chối ăn uống, bác sĩ đã tiên lượng bệnh sẽ diễn biến nặng. Tình trạng của bệnh nhân sau đó diễn biến nặng đến mức Bộ Y tế vào ngày 11/4 phải tiên lượng là “có thể tử vong”. Nhưng, đoạn sau đó mới thật là kỳ tích. 

Sau bốn ngày từ đỉnh bệnh, ngày 15/4, bệnh nhân số 91 đã có thể cai ECMO, đồng tử phản xạ ánh sáng tốt, không sốt, không cần sử dụng thuốc vận mạch, tình trạng đông máu tạm ổn. Bác sĩ cật lực cứu chữa. Ngoài 2-3 nhân viên y tế gần như túc trực bên anh, thì trên màn hình đặt tại phòng trực của Khoa Nhiễm D, chiếc màn hình lớn cung cấp hình ảnh anh xuyên suốt để mọi bác sĩ, nhân viên y tế đều có thể quan sát trong ca trực.

Trên Google, khi vừa gõ “bệnh nhân 91”, bộ tiên đoán thông minh của trang web này đã gợi ý “bệnh nhân 91 hôm nay”, “bệnh nhân 91 bây giờ ra sao”. Người Việt đồng hành cùng anh, tìm kiếm thông tin về tình trạng sức khỏe của anh hàng giờ. Hiện, cơn nguy kịch đã qua nhưng sức khỏe của anh trở xấu.

Có lẽ, những người đã bất chấp nguy cơ nhiễm bệnh, đã hy sinh những ngày tháng dài sum họp gia đình, đã cắt đi mái tóc nuôi dưỡng suốt bốn năm thời con gái, đã lặn lội đêm hôm tìm mua trái thanh long cho bệnh nhân đang thèm, đã bạc đầu với những cuộc hội chẩn liên khoa, liên viện, xuyên Việt để cứu người mắc COVID-19 cũng không một lần mong được cảm ơn. Nhưng, cũng có lẽ, lần này, ê-kíp Khoa Nhiễm D, BV Bệnh nhiệt đới TPHCM và cả ngành y Việt Nam đang rất mong mỏi lời cảm ơn từ bệnh nhân số 91. Bởi, khi cất được lời cảm ơn có nghĩa là anh đã khỏe.

Hình ảnh bệnh nhân số 91 ngày mới nhập viện trên màn hình treo tại phòng trực Khoa Nhiễm D - Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM
Hình ảnh bệnh nhân số 91 ngày mới nhập viện trên màn hình treo tại phòng trực Khoa Nhiễm D - Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM

Nếu COVID-19 là một người thầy…

Gần bốn tháng ròng rã chống chọi, chúng ta đã có những ngày được tin “đã một tuần không có ca nhiễm”, cùng với nhiều lần được đếm “một ngày”, “hai ngày” không có ca nhiễm”. Số người mắc bệnh ít một cách hy hữu. Hầu hết bệnh nhân đều đã khỏi bệnh và chưa có ca tử vong nào. Nhưng, ta có hàng triệu lời “cảm ơn Việt Nam” từ cả người dân trong nước, Việt kiều, khách du lịch, người nước ngoài, những quan chức nước bạn, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO).

Nhiều người nước ngoài sáng tạo các clip vui nhộn để cảm ơn Việt Nam. Và, đặc biệt là lời cảm ơn của những người đã “nếm mật nằm gai” cùng lực lượng chống dịch Việt Nam trong những phòng bệnh, những BV dã chiến ở vị trí người bệnh, người được cách ly.

Tôi đã bật khóc khi đọc cảm xúc mà “hot mom” Thủy Anh bày tỏ trên Facebook cá nhân khi được chuyến bay của Chính phủ đưa về nước sau hơn một tháng mắc kẹt ở Singapore: “Chưa bao giờ hai tiếng QUÊ HƯƠNG lại thân thương quý giá đến vậy. Được về Việt Nam những ngày này là một niềm hạnh phúc. Không phải quốc gia nào cũng sẵn sàng đón công dân về nước như Việt Nam; đó là một sự tự hào. Mình biết ơn Việt Nam, biết ơn những người đã giúp đỡ mình trong lúc khó khăn, biết ơn cuộc sống dù người ta vẫn cho rằng niềm hy vọng là thứ xa xỉ. Nhưng nếu không có hy vọng, chắc mình đã gục ngã tại Singapore rồi”.

Có lẽ, cuộc giải cứu khỏi những ngày dài mắc kẹt xứ người, xa chồng con và những nỗ lực về nhà vô vọng đã lần đầu cho Thủy Anh hiểu trọn vẹn hai tiếng “Việt Nam”.

Mùa dịch này, trong tận cùng bất an, hoang mang và cảm giác mạnh mẽ về cái tôi nhỏ bé - đã nhiều người ngỡ ngàng nhận ra sức mạnh của hai chữ “Việt Nam”. Nhiều giọt nước mắt đã rơi vì những chuyến bay đưa công dân về nước, vì những tin mừng khỏi bệnh, vì hình ảnh tận hiến chống dịch của những con người bằng xương, bằng thịt trong những cuộc họp thâu đêm hay những ca làm sương gió.

Không thể không kể đến vô số tin đồn, mà đáng kể nhất là tin đồn “Việt Nam giấu dịch” cùng những lý lẽ hùng hồn và đầy suy diễn hồi đầu mùa dịch. Không một thời đại nào hay nền văn minh nào chống lại hết những fake news, những luận điểm tiêu cực.

Nhưng lần này, sự thật đã cất tiếng, không lời. Không ai phải chứng minh Việt Nam không giấu dịch. Không một bác sĩ nào bác bỏ sự nguy hiểm khó lường của dịch bệnh so với năng lực của ngành y. Họ chỉ lặng lẽ làm việc. Chính phủ từng bị đồn đoán là giấu dịch để bảo vệ nền kinh tế liên tục hành động, thậm chí hy sinh nền kinh tế để bảo vệ sức khỏe người dân. Hàng trăm ngàn doanh nghiệp hưởng ứng, hy sinh cả gia sản riêng họ. Còn ngành y, bác sĩ trắng đêm tắm mình trong bộ đồ bảo hộ, nhiều ngày liền chỉ giao tiếp trong những đợt hội chẩn, đã nhận được những lời cảm ơn từ chính những bệnh nhân từng hoài nghi họ. Những lời cảm ơn, đã nói thay cái phần lời trong bức tranh động sôi nổi này.

Từ một người khước từ, ông Li Ding đã thành thật cúi đầu cảm ơn Việt Nam. Bệnh nhân số 34 cũng đã chân thành cảm ơn ngành y tế tỉnh Bình Thuận - nơi bà từng không đủ tin tưởng mà xin lên tuyến trên điều trị.

Cũng trong những ngày đó, những công dân quốc tế không xa lạ gì với nước Việt, hay cả những người dân Việt thứ thiệt đều ngỡ ngàng cảm ơn Việt Nam.

Không một suy luận nào thuyết phục bằng lời kể của những người đã trực tiếp trải nghiệm. Đoạn trường cách ly, chữa bệnh, chống dịch đã trở thành hành trình nhận thức về một nước Việt ta tưởng chừng đã thấu suốt. Để người ta không kìm được sự biết ơn đầy bỡ ngỡ. Để người ta xúc động vì những “phần Việt Nam” mình chưa từng biết hoặc chưa đủ mở lòng để biết.

Nếu nhân loại từng khám phá ra rằng khó khăn là một người thầy, thì đại dịch này, với tất cả những đe dọa và hiện thực chết chóc của nó - xứng đáng là một người thầy, để dạy cho người ta thêm về sức mạnh của những đất nước, những địa phương, những con người… 

Minh Trâm - Thùy Dương

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(4)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI