Trẻ rách toác bàn tay vì tự chế pháo tết

06/02/2018 - 12:00

PNO - Vừa châm lửa đốt thử viên pháo tự chế, T. thét lên đau đớn, lòng bàn tay T. rách toác vì pháo nổ.

Hàng năm, cứ đến gần tết Nguyên đán, khoa Cấp cứu Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM lại tiếp nhận xử lý nhiều trẻ em bị các chấn thương do pháo nổ. Đa số trường hợp trẻ tự lên mạng học cách chế tạo pháo gây ra những hậu quả nặng nề.

Theo bác sĩ Đinh Tấn Phương, Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM, vài năm trở lại đây, số lượng trẻ nhập viện vì pháo nổ gia tăng, nhất là những dịp lễ, tết. Trong đó, trẻ tự làm pháo gây nổ chiếm nhiều nhất.

Tre rach toac ban tay vi tu che phao tet
Càng gần đến ngày tết, trẻ em đến Bệnh viện Nhi Đồng 1 cấp cứu và điều trị do tai nạn càng tăng.

Em N.V.T. (11 tuổi, nhà ở Q.Bình Tân, TP.HCM) được bệnh viện tuyến dưới chuyển lên với bàn tay trái bị rách toạc. Vết thương sâu, kéo dài, phần cơ dập nát, máu chảy liên tục khiến em choáng váng, mệt mỏi và sợ hãi. 

Các bác sĩ phải cắt lọc mô, khâu, cầm máu vết thương. Theo dõi, điều trị gần 2 tuần T. mới ổn định, may mắn, em không phải đoạn chi như những bệnh nhi trước đó.

Sau khi tiếp xúc, động viên T., bác sĩ Phương biết được, em xem các clip hướng dẫn làm pháo trên mạng rồi tự mình đi mua 5 hộp que diêm để lấy thuốc bồi làm pháo. Pháo của T. làm mô phỏng theo loại pháo ống xem trong những bộ phim kiếm hiệp. 

Theo đó, T. bỏ thuốc bồi vào các thanh trúc, có sợi dây đưa ra phía ngoài làm tim pháo. Em đốt tim pháo rồi đợi cháy gần đến thanh trúc mới ném đi. Tuy nhiên, em chỉ vừa châm lửa thì cả thanh pháo đang cầm nổ toạc khiến tay rách nát.

Tre rach toac ban tay vi tu che phao tet
Bác sĩ Phương cho rằng thuốc pháo, pháo lậu giá rẻ đang được nhập về ồ ạt góp phần gia tăng tai nạn cho trẻ

Bác sĩ Đinh Tấn Phương cảnh tỉnh: “Hầu hết trẻ em đến khoa Cấp cứu đều sử dụng thuốc bồi của que diêm để làm pháo. Các em không hiểu hết cơ chế của loại thuốc bồi này, chỉ nghĩ đơn giản lửa đốt tới mới cháy, nhưng có nhiều trường hợp thuốc phát nổ trước gây hậu quả khôn lường. 

Bệnh nhi may mắn được đưa đến bệnh viện sớm nên có thể giữ lại được bàn tay. Tuy nhiên, nhiều em phải chịu đoạn ngón tay, cắt chi,… vì gia đình nghĩ đây là vết thương nhẹ. Chưa kể có em phải chịu mù vĩnh viễn, mặt biến dạng, thậm chí tử vong vì pháo nổ”.

Tre rach toac ban tay vi tu che phao tet
Pháo tự chế gây ra nhiều hậu quả nặng nề. Ảnh: internet.

Bác sĩ Phương cho rằng, không chỉ với pháo tự chế bằng diêm, nhiều em học chế pháo bằng xăng, bi xe đạp, thuốc súng... Có em tìm mua được pháo viên bán chui về đốt gây thương tích nghiêm trọng cho mình và người thân. 

Càng sát ngày tết, tai nạn ở trẻ em càng nhiều. Đây là giai đoạn các em được nghỉ, cha mẹ đang tất bật với công việc cuối năm nên thường cho tiền để các em tự chi tiêu. 

Trẻ em là “khách hàng tiềm năng” của pháo giá rẻ. Thậm chí, nhiều em mua được mang khoe và bán lại cho bạn bè. Nhiều phụ huynh xem chuyện trẻ "chế tạo" pháo là bình thường vì giúp nhiều người nhớ tiếng pháo đêm giao thừa.

Tre rach toac ban tay vi tu che phao tet
Nhiều phụ huynh nghĩ rằng pháo hoa cầm tay an toàn cho trẻ. Thực ra, loại pháo hoa này gây ra rất nhiều nguy cơ đối với trẻ.

“Tai nạn đốt pháo thường gặp nhất ở trẻ từ 8 tuổi đến 15 tuổi, các em hay chế dụng cụ đốt pháo, đập pháo với nguyên liệu là que diêm, thuốc bồi. Trẻ hay đặt que diêm vào căm xe đạp rồi đập, hay cạo thuốc của que diêm, quấn vào giấy đốt. Mặc khác, pháo từ Trung Quốc, bằng nhiều đường, đang được nhập về ồ ạt nhất là pháo dây, pháo bông cầm tay cũng gây ra nhiều tai nạn đáng tiếc.

Khi trẻ bị tai nạn về pháo, cần được làm sạch vết thương và đưa ngay đến bệnh viện. Không chỉ gây nổ là xong, thuốc pháo còn khiến các mô liên kết bị ăn mòn, phá hủy có thể dẫn đến hoại tử nếu không điều trị đúng cách”, bác sĩ Đinh Tấn Phương khuyến cáo.

Theo báo cáo nhanh của Bộ Y tế, tai nạn do pháo nổ trong dịp tết ở nước ta ngày càng tăng. 

Nếu dịp tết năm 2015, chỉ có 49 trường hợp thương tích do pháo nổ, tết năm 2016 con số này tăng gấp đôi và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Chỉ trong 4 ngày tết của năm 2017, cả nước có trên 130 trường hợp thương tích do pháo nổ. Người bị thương hứng chịu những hậu quả rất nặng nề về lâu dài.

Từ 1/1/1995, Việt Nam đã cấm sản xuất, buôn bán và đốt các loại pháo nổ, thuốc pháo nổ trong phạm vi cả nước. Theo Điều 10 Nghị định 167/2013/NĐ-CP, người sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, pháo và đồ chơi nguy hiểm bị cấm, sẽ bị phạt tiền từ 500.000 đồng - 1.000.000 đồng.

Sản xuất, tàng trữ, mua, bán, vận chuyển trái phép pháo, thuốc pháo và đồ chơi nguy hiểm sẽ bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng - 10.000.000 đồng.

Ngoài ra, người đốt pháo gây thiệt hại nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người khác còn có thể bị truy cứu về tội danh tương ứng với hậu quả do hành vi đốt pháo gây ra.

Phạm An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI