Trải nghiệm đầy yêu thương

24/05/2021 - 12:14

PNO - Gần 50 năm cuộc đời cho tôi nhiều trải nghiệm. Nhưng trải nghiệm ở khu phong tỏa tạm cách ly vì dịch bệnh, là lần đầu tiên.

17g ngày 20/5, tôi lui cui mở cửa tiệm trà sữa của mình như lệ thường. Khoảng 30 phút sau, con hẻm bỗng vang tiếng còi hụ, tiếng chân người chạy rần rần. Cô bé mua trà sữa hỏi tôi: “Chuyện gì vậy cô?”. 

Bà Kiều Thu mong con hẻm xóm mình trở lại nhịp sống bình yên
Bà Kiều Thu mong con hẻm xóm mình trở lại nhịp sống bình yên

Con hẻm 954 Quang Trung toàn dân lao động, lâu rồi chưa xảy ra chuyện gì, nên tôi cười: “Chắc đánh lộn!”.

Tôi vừa dứt câu thì một đứa bé chạy tới hổn hển: “Hên quá, còn bán! Cô bán con ly sữa đường đen. Lẹ lẹ nha cô! Ngày mai chắc không còn có uống!”. Tôi ngạc nhiên: “Ủa, nói gì vậy?”. Đứa nhóc lại hổn hển: “Cô Vi tới xóm rồi cô không biết sao?”. Rồi một đứa bé nữa chạy tới: “Cho con ly trà sữa. Xóm mình bị rào hết rồi”. Tôi lóng ngóng tay chân. Chạy vô tìm điện thoại gọi chồng con: “Về mau đi, xóm bị cách ly rồi!”. 

Cả xóm nhỏ ồn ào. Những bà mẹ vừa đi làm về, chưa kịp dựng xe, đã hoang mang: “Trời ơi, giờ có nên vô nhà không? Vô rồi sao mai đi làm? Đói rồi sao?”. Có tiếng người hét qua điện thoại: “Thôi anh đừng có về, về cả nhà bị nhốt hết, không ai đi làm lấy tiền đâu đóng tiền nhà trọ”. Chị này vừa hét vừa xua tay như lùa người chồng đừng vô con hẻm. Cùng lúc đó, tiếng những đứa trẻ bên trong rào chắn la lên: “Mẹ ơi, mẹ vô với con, con sợ…”. 

Tôi cũng hoảng loạn, tự nhiên bỗng thấy như đau cổ, muốn phát ho, phát sốt. Tôi lại lập cập bấm số gọi cho chồng con ghé siêu thị mua đồ về trữ… và dặn dò phải giữ khoảng cách an toàn giữa người bán, người mua…

Thế rồi suốt đêm hôm đó, sau những giằng co giữa “về” hay “không về”, cuối cùng thì hình như ai cũng trở về ngôi nhà của mình trong con hẻm sau khi được sự phân tích, động viên của những người có trách nhiệm và những người chòm xóm có hiểu biết. Chúng tôi lặng lẽ đi khai báo y tế, đo thân nhiệt, kiểm tra dịch tễ… Hình như ai cũng sợ nên xét nghiệm xong thì ai về nhà nấy, đóng kín cửa.

Điện thoại chồng tôi reo. Các đồng nghiệp ở cơ quan anh biết tin, gọi đến an ủi và hỏi có cần gì để họ mua tiếp tế. Facebook của tôi và con gái cũng nhận tin nhắn liên tục của các chị em, bạn bè hỏi han, an ủi. Thế là tiếng cười nói bắt đầu trở lại. 
Đêm đó, có lẽ cả con hẻm mất ngủ vì sợ hãi. 5g sáng, vừa thiếp đi thì chồng tôi gọi dậy. Tôi quơ tay tìm điện thoại xem mình có tên trong danh sách phải đi cách ly không, nhưng chưa thấy tin nhắn. 

7g, tiếng rao “bánh mì…” vẫn vang vang bên ngoài hàng rào phong tỏa. Đến trưa, được tin 32 người tiếp xúc gần ca bệnh đều âm tính. Cả con hẻm chúng tôi vui như vỡ òa. Nhà này mở cửa sổ ngó nhà kia, miệng vẫn che kín khẩu trang: “Chắc ổn!”.

Rồi các anh bảo vệ dân phố ngoài rào bỗng thành những người tiếp vận, mua hộ nhà này món này, lấy giùm nhà kia món khác… Hai bữa ăn tối 20/5 và sáng 21/5, nhà tôi không có rau xanh, chỉ có ít giá và cà chua ăn với mì gói, cháo ăn liền… Nhưng đâu có sao, có chồng, có con bên cạnh, tâm cũng yên trở lại. Rồi bạn bè người gửi cái này, người cho cái kia, có cả găng tay, khẩu trang y tế… Không chỉ nhà tôi mà nhà nào cũng được người quen, người thân “tiếp tế” động viên. Lần đầu tôi nhận những món quà bé mọn mà rưng rưng.

Chiều 22/5, cô tổ trưởng dân phố nói vang ngoài cửa: “Chủ nhật mọi cử tri vẫn đi bầu nghen!”. Đến chiều 22/5, một điểm bầu cử được hình thành ngay đầu hẻm. Sáng 23/5, 64 hộ dân chúng tôi thực hiện quyền cử tri.  

Gần 50 năm cuộc đời cho tôi nhiều trải nghiệm. Nhưng trải nghiệm ở khu phong tỏa tạm cách ly vì dịch bệnh, tâm trạng bất an như đứng ở lằn ranh sinh - tử với hạnh phúc khi được san sẻ, động viên thì đây chính là lần đầu tiên. Và tôi cũng mong sao đây là lần duy nhất trong đời. 

Trịnh Thị Kiều Thu
(hẻm 954 Quang Trung, P.8, Q.Gò Vấp, TPHCM)

 

 

 

 

news_is_not_ads=

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEgocnhinvi /strCate=gocnhin

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEdungquenhovi /strCate=dungquenho
TIN MỚI

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEthoisuvi /strCate=thoisu