Trà sữa của bé Phương

23/07/2017 - 16:18

PNO - Từ giữa tháng Sáu, cứ khoảng 7g30 hàng ngày, facebook của chị Lài (Quảng Trị) đều đặn chia sẻ hình ảnh quảng cáo món “trà sữa nhà làm” từ facebook của cô con gái út - Mai Phương.

Từ giữa tháng Sáu, cứ khoảng 7g30 hàng ngày, facebook của chị Lài (Quảng Trị) đều đặn chia sẻ hình ảnh quảng cáo món “trà sữa nhà làm” từ facebook của cô con gái út - Mai Phương. Đó là công việc đầu tiên của chị trước khi vào giờ làm việc ở công ty. Chị xem đó như một cách ủng hộ con gái.

Tra sua cua be Phuong
“Chương trình quảng cáo” trà sữa của Mai Phương

Năm nay, Mai Phương lên lớp 10, em tập tành bán hàng qua mạng từ hè năm lớp 7. Phương chế biến trà sữa, tự làm thạch, sau đó đăng bán trên facebook và “ship” tận nhà khách hàng. Có ba năm kinh nghiệm nên việc kinh doanh của em khá thuận lợi, lượng khách ổn định. Sau trà sữa, Phương bán thêm một số món ăn vặt khác.

Chị Lài kể: “Biết tôi đồng ý cho Mai Phương bán trà qua mạng, nhiều người phản đối. Nào là nhà tôi không quá khó khăn, sao lại cho con gái kiếm tiền sớm. Mùa hè nên cho con nghỉ ngơi, tại sao bắt con làm việc. Sao không cho bé học thêm… Quả thật, ban đầu, khi Mai Phương xin phép, tôi cũng băn khoăn nhưng không vội phản đối, cứ cho con thử. 

Tôi giám sát con trong việc mua nguyên liệu và chế biến để đảm bảo vệ sinh, không vì lợi nhuận mà làm ẩu. Tôi “cấp” cho cháu một triệu đồng làm vốn. Cháu trả lại mẹ chi phí điện nước, còn tiền lãi thì đem xoay vòng. Khoảng hai tháng rưỡi bán hàng, Mai Phương đưa mẹ tiền vốn, số tiền còn lại, tôi cho con tự chi tiêu mua sắm cho năm học mới. 

Tôi thấy việc bán hàng giúp con nhanh nhẹn hơn, tính toán sắp xếp đâu vào đấy, hạn chế việc xem ti vi và lên mạng quá nhiều. Trước đây, vào hè, tôi sợ nhất là con tăng cân vùn vụt vì lười vận động, giờ ngược lại, cháu còn giảm cân. Tuy nhiên, tôi luôn phải điều chỉnh con. Có đợt thấy khách đông, Phương muốn bán đến 20g, tôi không đồng ý. Từ 17g, Phương vẫn có các ca học thêm nên chỉ làm vừa phải để đảm bảo sức khỏe”.

Tra sua cua be Phuong
Mai Phương và món trà sữa của em

Nhìn cô bé mũm mỉm, tất bật trong bếp làm thạch, bánh flan, pha trà mới thấy hết sự khéo léo, tỉ mỉ của em. Phương tâm sự, khi tự mình kiếm tiền, em hiểu ra nhiều điều, khác hẳn khi chỉ biết tiêu tiền của mẹ, không hiểu được giá trị của đồng tiền và không tiết kiệm.

Để có sản phẩm bán cho khách từ 8g đến 16g30, Phương phải từ bỏ thói quen ngủ nướng, đi mua nguyên liệu về chế biến và giao hàng luôn tay, luôn chân. Để làm được ly trà sữa thơm ngon, em phải học hỏi và cập nhật liên tục các công thức trên mạng và đi nếm thử ở các cửa hàng khác, lắng nghe phản hồi của khách để cải tiến chất lượng. 

Nhờ chị gái hỗ trợ, Mai Phương đặt mua nguyên liệu ở những chỗ uy tín và giá phải chăng. Tất nhiên là em không thành công ngay. Có hôm nấu một nồi trà nhưng không có khách mua phải đổ bỏ. Dần dần, Mai Phương vừa làm vừa “sửa sai”, các sản phẩm vừa ý khách nên bán được nhiều. 

Tôi hỏi “làm sao để kinh doanh hiệu quả”, Mai Phương rất nghiêm túc: “Phải đặt chữ “tín” lên hàng đầu, nắm bắt sở thích của khách, luôn đảm bảo chất lượng và phải có chương trình khuyến mãi để thu hút người mua”. Nghe em nói, tôi ngạc nhiên trước độ già dặn của một cô bé sắp vào cấp III. Phương mơ ước sau này sẽ có một cửa hàng nhỏ của mình và thỏa thích chế biến những món mới, nhưng em ý thức phải cố gắng học để thi đậu vào trường kinh tế. 

Đồng ý cho con bán hàng, chị Lài cũng có những nỗi niềm riêng, nhưng chị quan niệm, những bài học thực tế luôn có ích hơn lý thuyết. Và quan trọng, khi bước ra khỏi vòng tay gia đình, con gái sẽ không quá bỡ ngỡ. Chị đùa: “Giờ để con ở đâu cũng không lo nó chết đói”. Chị rất tự hào vì ở tuổi 16, Mai Phương đã đi chợ và nấu nướng thuần thục. Chị cũng cho biết, sắp tới, Mai Phương dự tính “tung” ra sản phẩm mới là bánh rán Đôrêmon với nhân đủ vị sau một thời gian học hỏi và thăm dò ý kiến khách hàng. 

Lam Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI