Trả hiếu bằng bạo hành - chuyện kinh khủng mùa Vu lan

07/09/2020 - 16:07

PNO - Chưa đầy một tuần, dư luận xôn xao với hai câu chuyện về chữ hiếu, một khiến họ thương mến, cảm phục; một khiến đám đông phẫn uất, nghẹn ngào.

Mùa Vu lan, hai từ hiếu đạo lại được nhắc rất nhiều. Câu chuyện Mục Kiền Liên xuống địa ngục cứu mẹ bao đời nay vẫn được kể như một ví dụ điển hình, nhưng lòng hiếu thảo không chỉ có trong sách vở hay câu chuyện truyền miệng, mà có thật quanh ta mỗi ngày.                  

Bà Nguyễn Thị Bạch Liên (57 tuổi, ở đường Lâm Văn Bền, Q.7, TPHCM) khiến nhiều người xúc động sau khi xem clip bà chăm mẹ già nằm liệt giường suốt 13 năm qua cùng người em trai tật nguyền. Cả hai đều do một tay bà Liên chăm nuôi, từ ăn uống đến vệ sinh, bệnh tật và các vấn đề rắc rồi khác của người già người bệnh... Đặc biệt, chính bà Liên cũng đang chống chọi với bệnh ung thư sắp chuyển sang giai đoạn 4. Bà vừa thực hiện cuộc phẫu thuật cắt bỏ phần ngực, mái tóc bị hóa trị rụng hết.

Bà Liên cho biết, mỗi ngày khoảng 4-5g sáng bà sẽ dậy nấu ăn cho mẹ và em, sau đó đút họ ăn, thay bỉm cho mẹ, rồi đi làm. Buổi trưa, bà tranh thủ thời gian nghỉ khoảng 1 tiếng (từ 11-12g trưa) để về chăm mẹ và em.

Chiều, khoảng 18-18g30 bà sẽ về nhà, tiếp tục nấu cơm, vệ sinh và lo ăn uống cho mẹ và em. Sức khoẻ bà Liên hiện cũng bị ảnh hưởng do bệnh tật nhiều năm qua. “Nhưng nghĩ đến diễm phúc mình còn mẹ sống với mình”, bà nói.

Và chỉ chưa đầy một tuần sau clip tấm gương hiếu thảo ấy, dư luận lại bức xúc với đoạn clip được chia sẻ rầm rộ trên mạng xã hội vào tối 6/9. Người ta cũng nói về đạo hiếu, nhưng ở thái cực trái ngược: sự bất hiếu, tàn ác. Đoạn clip ghi lại cảnh người phụ nữ cùng tuổi bà Liên, đã bạo hành, mắng chửi mẹ bằng nhiều từ ngữ tục tĩu, bắt mẹ phải ăn chất thải. 

Chuyện con gái bạo hành mẹ dã man ở huyện Cần Đước, Long An khiến dư luận phẫn nộ
Chuyện con gái bạo hành mẹ dã man ở huyện Cần Đước, Long An khiến dư luận phẫn nộ

Những năm cuối đời, bà nội tôi cũng nằm một chỗ. Mọi việc ăn uống, tắm rửa, vệ sinh hầu hết đều do thím tôi đảm nhận. Chúng tôi cũng có thời gian ở cạnh nên hiểu việc chăm sóc người già bị bệnh, dù có yêu thương đến đâu, cũng không hề đơn giản. Nội tôi đổi tính, hay nóng giận, gắt gỏng, la mắng... khiến mọi người xung quanh khó chịu, nhất là khi nội nằm viện. Hầu như, người già đều có sự thay đổi này. 

Thím tôi thuộc kiểu người điềm tĩnh, có khả năng chịu đựng cao, nhưng đôi lúc cũng không tránh được tâm lý căng thẳng, và có thái độ khó chịu, bực bội. Khi đó, thím thường chọn im lặng, hoặc nhờ người thay thế chăm nội một buổi, hoặc thím thu xếp ra ngoài, dạo bộ trong khuôn viên bệnh viện để giải khuây. Sau này, nội tôi qua đời, mỗi khi nhắc lại, thím tôi chỉ bảo: “Cha mẹ già yếu, khó tính cỡ nào thì chữ hiếu cũng phải tròn”.

Với bà Bạch Liên ở Q.7, TPHCM, mẹ của bà hiện chỉ nói được những câu không đầu không cuối, lại nói rất nhiều, đôi khi khiến bà bực bội, nhưng bà xem đó là biểu hiện mẹ còn sức khỏe, để tiếp tục chăm sóc.

Con người khó tránh khỏi cảm xúc tiêu cực, đặc biệt khi phải chịu các áp lực cuộc sống. Áp lực kinh tế, áp lực tình cảm riêng, áp lực ngoài xã hội, cảm xúc bi quan về diễn tiến bệnh tình người mình chăm nom... cộng với việc thức đêm, chăm sóc người già, người bệnh vất vả, căng thẳng về tâm lý người chăm sóc sẽ nhân lên bội phần. Đó là điều có thể cảm thông, chia sẻ, nhưng không thể nào biện hộ cho việc bạo hành cha mẹ, hành xử bất nhẫn, bất hiếu với đấng sinh thành.

Chúng ta lớn lên từ sự nhọc nhằn của cha mẹ, cũng những đêm mất ngủ, những bãi ói, cũng chiếc chiếu bị dơ vì chất thải... Không tự nhiên mà bao đời nay người ta lại luôn dạy nhau rằng: “Đội ơn chín chữ cù lao/ Sinh thành kể mấy non cao cho bằng”.

Ai trong chúng ta cũng lớn lên từ sự khổ cực của đấng sinh thành
Chúng ta lớn lên từ sự vất vả không oán thán của đấng sinh thành. Ảnh minh họa

Bà cụ ở Cần Đước, Long An đã ra đi cách đây ít ngày, khép lại những buồn đau của một kiếp người. Kẻ ra tay đánh đập, hành hạ bà chính là đứa con rứt ruột sinh ra, nhưng có lẽ bà ra đi chẳng bận tâm mang theo oán trách, bởi lòng cha mẹ nào cũng chan chứa bao dung. Tuy vậy, sự bất hiếu tàn ác của con gái bà sẽ bị trừng phạt bởi luật pháp, bởi dư luận. 

Mùa Vu lan, người ta lại bàn nhau về chữ hiếu, người ta lại nhắc nhau rằng: "Thờ cha kính mẹ mới là chân tu”. 

Thuỳ Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI