TPHCM: Nước ngập “chuyển” từ trung tâm ra các quận ven

17/06/2022 - 06:23

PNO - Mùa mưa năm nay, tại TPHCM, tình trạng ngập giảm ở khu vực trung tâm nhưng lại chuyển ra các quận vùng ven.

  

Đường Tô Ngọc Vân (TP.Thủ Đức) trở thành “rốn” ngập mới - ẢNH: P.T.
Đường Tô Ngọc Vân (TP. Thủ Đức) trở thành “rốn” ngập mới - Ảnh: P.T.

Nơi cao nhất thành “rốn” ngập

Những cơn mưa đầu mùa hè đã gây ngập khá nặng ở các khu vực vốn cao ráo, có địa hình dốc. Nhiều tuyến đường nằm ở quận Thủ Đức cũ lênh láng nước sau mỗi cơn mưa vừa dù trước đây hiếm khi ngập. Đường Võ Văn Ngân, đoạn gần chợ Thủ Đức có độ dốc lớn, cứ mưa khoảng 15 phút, nước lại chảy như thác, đổ dồn về chỗ thấp.

Tương tự, mặt đường Tô Ngọc Vân đoạn giao cắt với đường sắt Bắc - Nam bị võng xuống nên cứ mưa là ngập sâu. Tình trạng ngập xảy ra nặng nhất là trên các tuyến đường Đặng Thị Rành, Hồ Văn Tư, Kha Vạn Cân do các trục đường này nằm ngay vùng trũng của khu vực. 

Tương tự, quận Gò Vấp có thế đất cao nhưng thời gian gần đây, nhiều nơi bỗng thành “rốn” ngập. Mỗi khi mưa kéo dài trên 15 phút, đường Phạm Văn Chiêu lại ngập gần nửa bánh xe; mỗi khi mưa to và kéo dài, xe thường xuyên chết máy. Đường Phan Huy Ích cũng thường xuyên ngập sâu. 

Theo ông Vũ Văn Điệp - Giám đốc Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật (Sở Xây dựng TPHCM) - mùa mưa năm nay, toàn thành phố có 15 tuyến đường bị ngập nặng (kéo dài trên 30 phút, ngập trên 30cm) và 24 điểm ngập tức thời (thời gian ngập dưới 30 phút), một nửa trong số đó nằm ở TP. Thủ Đức, như các đường Đặng Thị Rành, Dương Văn Cam, Thảo Điền, Quốc lộ 13, Kha Vạn Cân, Quốc Hương, Nguyễn Văn Hưởng, Lê Thị Hoa, Tỉnh lộ 43, Tô Ngọc Vân, Đỗ Xuân Hợp, Hồ Văn Tư, Nguyễn Duy Trinh, Võ Văn Ngân, Lê Văn Việt, Lã Xuân Oai. 

Quận Gò Vấp có địa hình khá cao nhưng số điểm ngập cũng chiếm gần 20% tổng điểm ngập của TPHCM. Các điểm ngập nặng nằm trên các đường Lê Đức Thọ, Quang Trung, Nguyễn Văn Khối; các điểm ngập ít nặng hơn nằm ở các đường Phạm Văn Chiêu, Lê Văn Thọ, Phan Huy Ích, Phạm Văn Đồng. Đáng nói là, những trận mưa gây ngập nặng ở TP. Thủ Đức và một số quận vùng ven vừa qua có lượng mưa chỉ khoảng 30mm, thời gian mưa chỉ tầm 15 phút.

Riêng với trận mưa kéo dài vào chiều 2/6, ngoài các quận ven, nhiều tuyến đường ở trung tâm TPHCM như Lê Lợi, Phạm Ngũ Lão, Huỳnh Thúc Kháng, Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Cống Quỳnh (quận 1)... cũng thành biển nước, khiến xe chết máy. Trận mưa này được đánh giá là lớn nhất kể từ đầu mùa mưa đến nay (vũ lượng 100mm). Trong các mùa mưa trước, có những trận mưa to với lượng mưa 200mm. Do đó, tình trạng ngập trong mùa mưa năm nay có thể còn nặng nề hơn nữa khi có những trận mưa lớn hơn.

Bê tông hóa chặn lối thoát nước

Đường Nguyễn Văn Khối (Q.Gò Vấp) ngập mênh mông sau mỗi trận mưa - ẢNH: P.T.
Đường Nguyễn Văn Khối (quận Gò Vấp) ngập mênh mông sau mỗi trận mưa - Ảnh: P.T.

Ông Hồ Long Phi - nguyên Giám đốc Trung tâm Nước và Biến đổi khí hậu (Đại học Quốc gia TPHCM) - nhận xét những năm gần đây, nơi phát sinh điểm ngập nhiều nhất không phải là những địa bàn thấp trũng mà là những địa bàn cao ráo của thành phố như TP. Thủ Đức, quận 12, quận Gò Vấp, huyện Hóc Môn…

Nguyên nhân chính gây ngập ở các khu vực này là do tình trạng đô thị hóa diễn ra rất mạnh mẽ. Việc bê tông hóa đã thu hẹp dần diện tích đất để thẩm thấu nước, các kênh rạch thoát nước tự nhiên cũng không còn nên tình trạng ngập càng thêm trầm trọng.

Theo ông Hồ Long Phi, ở các quận nội thành, ngành chức năng đã đầu tư hàng tỷ USD cho các dự án thoát nước, chống ngập, nhưng do kích cỡ cống thoát nước không còn phù hợp với các chỉ tiêu về lượng mưa, triều cường hiện nay nên vẫn ngập. Việc thi công hệ thống thoát nước trong các dự án Nhiêu Lộc - Thị Nghè, Tàu Hủ - Bến Nghé dựa vào các số liệu đo được thời điểm đó nên không chống ngập được trong điều kiện các chỉ số cực đoan ngày càng gia tăng biến đổi khí hậu nên đường vẫn ngập và tái ngập.

Ông cho rằng, so với cách đây 10-12 năm thì tình trạng ngập hiện nay đã cải thiện rất nhiều, số điểm ngập đã giảm từ 150 xuống còn chưa tới 50 điểm. Tuy nhiên, đang có sự “dịch chuyển” ngập từ khu vực trung tâm thành phố ra vùng ven. Trước đây, nguồn vốn đầu tư cho thoát nước là vốn vay ODA lên đến hàng tỷ USD; còn hiện nay, vốn đầu tư cho hệ thống thoát nước rất hạn chế, trong khi các quận ven lại đang đô thị hóa nhanh, mạnh.

Ông Hồ Long Phi dự báo, tình trạng ngập ở các quận ven, huyện ngoại thành sẽ kéo dài và có thể ngày càng nặng hơn do đô thị hóa theo quy trình ngược. Đáng lẽ ra, hệ thống thoát nước phải được đầu tư trước, trên cơ sở độ dốc, địa hình, hệ thống sông rạch tự nhiên để phù hợp với lưu vực, sau đó mới hoàn thiện các hạ tầng khác. Ông đề xuất, UBND TPHCM cần nhanh chóng giữ lại một số khu vực còn đất trống (như ở quận 9 cũ, quận 12, các huyện Bình Chánh, Nhà Bè) để quy hoạch hệ thống thoát nước đồng bộ với quá trình đô thị hóa.

Phó giáo sư - tiến sĩ Nguyễn Minh Hòa - Phó chủ tịch Hội Quy hoạch TPHCM - cho rằng trong quá khứ, chúng ta đã lấp đi các kênh rạch vốn là hệ thống thoát nước tự nhiên, để rồi sau đó, phải bỏ ra hàng tỷ USD để xây dựng các cống thoát nước phi tự nhiên. Điều này vừa gây tốn kém, vừa không hiệu quả. Việc thoát nước phải căn cứ theo lưu vực, độ dốc, dựa vào nguyên tắc nước từ chỗ cao chảy xuống chỗ thấp. Nếu không có độ dốc phù hợp và cống thoát nước không đủ lớn thì nước sẽ không thoát ra sông được. 

Ông nói: “TPHCM có trên 100 kênh rạch lớn, nhỏ bị san lấp và lấn chiếm với tổng diện tích khoảng 4.000ha, tương đương với thể tích chứa nước khoảng 25 triệu m3. Do đó, phải nỗ lực khơi thông lại hệ thống kênh rạch lớn để tiêu thoát nước theo từng lưu vực, mới thoát ngập bền vững”.

Xây hồ điều tiết nước, có khả thi?

Theo quy hoạch, TPHCM sẽ có 104 hồ điều tiết, là nơi trữ nước, giảm ngập, điều hòa không khí; trong đó sẽ sớm xây dựng ba hồ điều tiết tại Gò Dưa (TP. Thủ Đức) rộng 23ha, Bàu Cát (quận Tân Bình) rộng 0,4ha và Khánh Hội (quận 4) rộng 4,8ha. Tuy nhiên, do khó khăn về thủ tục, nguồn vốn và mặt bằng, đến nay, các dự án này vẫn nằm trên giấy. 

Năm 2017, Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TPHCM (nay là Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật) phối hợp với nhà tài trợ xây dựng thí điểm hồ điều tiết trước cổng Nhà văn hóa Thiếu nhi TP. Thủ Đức, nằm trên đường Võ Văn Ngân. Hồ được xây ngầm trong lòng đất, có sức chứa khoảng 100m3 nước mưa. Hồ này có giúp giảm ngập cho đường Võ Văn Ngân nhưng do sức chứa nhỏ nên hiệu quả giảm ngập kém, đường vẫn ngập khi mưa lớn.

Theo ông Hồ Long Phi, các dự án hồ điều tiết hết sức cần thiết nhưng để phát huy hiệu quả, phải có sức chứa lớn. Trong khi đó, quỹ đất để xây hồ lại không còn nhiều.

Kết hợp giải pháp công trình và phi công trình

Theo Sở Xây dựng TPHCM, thời gian tới, sở sẽ triển khai hàng loạt giải pháp để chống ngập. Với giải pháp công trình, sở sẽ triển khai 19 dự án cải tạo hệ thống thoát nước trên các tuyến đường Bình Lợi, Hòa Bình, Lã Xuân Oai, Hàn Hải Nguyên, Triệu Quang Phục, Lý Chiêu Hoàng, Pasteur, Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Nguyễn Duy Trinh, Bàu Cát, Lê Lai, Hương lộ 2… Trong số này, có 12 dự án sắp được đầu tư với tổng kinh phí hơn 70 tỷ đồng.

Với giải pháp phi công trình, sở sẽ chỉ đạo duy tu, sửa chữa các vị trí cống xuống cấp, nạo vét lòng cống, miệng thu nước, kênh rạch, cửa xả để tăng cường khả năng thoát nước; rà soát, vận hành các van ngăn triều hiện hữu, mở hướng thoát nước và lắp van ngăn triều mới...

Các đơn vị trực thuộc sở sẽ kiểm tra, rà soát để tận dụng các trạm bơm Nhiêu Lộc - Thị Nghè, Đồng Diều và các nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng, Bình Hưng Hòa... để bơm thoát nước khi có mưa lớn.

Phương Thanh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI