TPHCM: Đồng hồ nước, nắp hố ga... liên tục "bốc hơi"

10/06/2022 - 07:22

PNO - Hàng ngàn chiếc đồng hồ nước của người dân bỗng dưng “biến mất”. Nhiều thiết bị, vật tư công cộng khác cũng “không cánh mà bay” chỉ trong một thời gian ngắn. Nạn trộm cắp tài sản công đang gây thiệt hại không nhỏ cho ngân sách TPHCM.

Hàng ngàn đồng hồ nước “bốc hơi”

Nạn trộm cắp đồng hồ nước bùng phát mạnh ở H.Hóc Môn từ cao điểm dịch COVID-19 năm 2021, đến nay vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại.

Chị Lê Thị Kiều - ở hẻm đường Phan Văn Đối, xã Bà Điểm - kể: “Đêm đó tôi đang ngủ thì thấy nước từ bên ngoài chảy lênh láng vào nhà làm ướt hết mấy bao vải và đồ đạc. Tôi chạy ra thì thấy trời không mưa, kiểm tra một hồi thì thấy mấy đồng hồ nước đã bị trộm. Trong một đêm, chỉ riêng trong hẻm, có ba nhà bị bẻ trộm đồng hồ nước”.

Đồng hồ nước của người dân ở Q.Bình Tân bị lấy trộm do đặt bên ngoài, không có nắp chắn
Đồng hồ nước của người dân ở Q.Bình Tân bị lấy trộm do đặt bên ngoài, không có nắp chắn

Nghe tin nhiều nhà bị mất đồng hồ nước, gia đình ông K.M.H. (xã Trung Chánh, H.Hóc Môn) đã bỏ ra hơn 2 triệu đồng để lắp camera nhằm chống trộm. Thế nhưng, trong một đêm mưa cuối tháng Năm vừa qua, chiếc đồng hồ nước của ông H. bị trộm. Một người đàn ông khoảng 40 tuổi đã dùng xe máy, vặt trộm đồng hồ rồi phóng xe đi. Mọi việc diễn ra chỉ trong hai phút.

Ông Nguyễn Minh Hải - Phó giám đốc Công ty cổ phần Cấp nước Trung An - cho biết thời gian gần đây, tình trạng mất đồng hồ nước diễn ra khá phổ biến ở nhiều nơi, trong đó nhiều nhất là H.Hóc Môn. Từ năm 2021 đến nay, huyện này có 994 đồng hồ nước bị trộm, riêng năm 2021 mất đến 950 cái.

Chị L.T.Q. (Q.Bình Tân) cho hay, tháng Năm vừa qua, gia đình chị tháo dỡ nhà để sửa chữa lại. Để phòng trộm, chị gửi các đồ vật quý giá ở nhà người thân và thuê người trông coi công trình vào ban đêm. Thế nhưng, kẻ trộm vẫn lấy đi đồng hồ nước. “Chúng vặt đồng hồ nước xong thì để nước chảy lênh láng, làm hỏng rất nhiều xi măng và các vật liệu xây dựng khác” - chị Q. tức tối.

Theo thống kê của Công ty cổ phần Cấp nước Chợ Lớn, từ tháng 1 - 5/2022, ở Q.Bình Tân, có 159 vụ mất trộm đồng hồ nước; chỉ riêng trong tháng 5/2022, đã xảy ra 54 vụ. Trong năm tháng đầu năm 2022, xảy ra 75 vụ mất trộm đồng hồ nước ở các quận 5, 6, 8. Đồng hồ nước bị trộm thường nằm ở các công trình đang xây dựng hoặc được lắp đặt bên ngoài cổng mà không có hộp bảo vệ.

Tương tự, trong năm tháng đầu năm 2022, trên địa bàn cấp nước của Công ty cổ phần Cấp nước Tân Hòa, đã xảy ra 84 vụ mất trộm đồng hồ nước, gồm Q.Tân Bình 37 vụ, Q.Tân Phú 47 vụ.

Trộm cả cây xanh lâu năm

Chỉ trong bốn tháng đầu năm 2022, có 27 vị trí lắp đặt lưới chắn rác trên đường Phạm Văn Đồng bị trộm “viếng”, có nơi bị “viếng” hai lần. 

Anh Nguyễn Văn Bảo (P.Linh Tây, TP.Thủ Đức) cho hay, nhà anh ở gần giao lộ Tô Ngọc Vân - Phạm Văn Đồng, nơi thường xảy ra các vụ mất cắp lưới chắn rác: “Có khi ngủ dậy, tôi thấy trước nhà mình có một khe hở sâu có thể lọt cả bánh chiếc xe máy do lưới chắn rác đã bị lấy đi. Chúng tôi thường lấy thùng xốp kê phía trước chỗ nguy hiểm này trong khi chờ cơ quan chức năng đến xử lý”.

Một nắp hố ga trên đường Lý Thường Kiệt (Q.Tân Bình, TP.HCM) bị kẻ gian lấy trộm
Một nắp hố ga trên đường Lý Thường Kiệt (Q.Tân Bình, TPHCM) bị kẻ gian lấy trộm

Trên đại lộ Đông Tây cũng liên tục xảy ra các vụ trộm nắp hầm ga thoát nước. Theo thống kê của đơn vị chức năng, trên đường Võ Văn Kiệt đã xảy ra tám vụ và trên đường Mai Chí Thọ đã xảy ra bảy vụ mất nắp hầm ga, ảnh hưởng xấu đến hệ thống thoát nước, gây mất mỹ quan đô thị, tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn giao thông. 

Thỉnh thoảng, người dân lưu thông trên Quốc lộ 1 đoạn qua TPHCM lại thấy một khoảng trống dài đến 4 - 5m ở dải phân cách. Đó là do kẻ trộm đã lấy cắp các bụi cây hoa giấy được trồng để trang trí và làm dải phân cách.

Theo đại diện Công ty Môi trường xanh - đơn vị quản lý và chăm sóc cây xanh trên Quốc lộ 1 - tính từ tháng 12/2020 đến nay, đã có hơn 2.000 gốc hoa giấy trên dải phân cách Quốc lộ 1 (đoạn từ cầu Bình Phước, TP.Thủ Đức đến ngã tư An Sương, Q.12) bị đào trộm. Đây là những gốc hoa giấy lâu năm, tốn nhiều thời gian và chi phí chăm sóc.

Cần mạnh tay ngăn chặn

Công ty TNHH MTV Thoát nước đô thị TPHCM đã gửi hàng loạt văn bản đến Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật TPHCM, UBND và công an các phường 4, 11, 12, 13, 15 (Q.Tân Bình) đề nghị phối hợp ngăn chặn nạn trộm nắp hầm ga. Nhưng đến nay, nạn trộm vẫn tiếp diễn.

 “Khi phát hiện mất cắp thiết bị như nắp hầm ga, lưới chắn rác, chúng tôi đều có văn bản gửi công an và chính quyền địa phương. Tuy nhiên, hiện tượng này vẫn tái diễn nhiều lần. Trong khi đó, lưới chắn rác, nắp hầm ga là các thiết bị rất đặc thù nên không khó truy tìm nếu có việc mua bán các thiết bị này trên thị trường” - đại diện Công ty TNHH MTV Thoát nước đô thị TPHCM cho hay.

Đội trưởng quản lý đồng hồ nước của một công ty cấp nước ở TPHCM ngao ngán: “Tình trạng này diễn ra trong nhiều năm, nhưng số vụ việc bị xử lý lại rất ít. Hiện nay, các đồng hồ nước đều có số hiệu và được các công ty cấp nước quản lý thông qua số hiệu này. Do đó, các đối tượng trộm cắp chỉ có thể bán cho vựa ve chai để đập làm sắt vụn chứ không thể bán để gắn cho nơi khác”.

Nếu bán ở dạng sắt vụn, một chiếc đồng hồ nước chỉ được vài chục ngàn đồng nhưng chi phí gắn một đồng hồ là khoảng 3,1 triệu đồng. Với các đồng hồ nước bị mất trộm, đơn vị cấp nước lắp đặt miễn phí cho người dân. Do đó, thiệt hại ngân sách từ các vụ mất cắp đồng hồ nước là tương đối lớn (chi phí lắp đặt 1.000 đồng hồ nước là khoảng 
3,1 tỷ đồng).

Ông Nguyễn Minh Hải nói: “Khi phát hiện đồng hồ nước bị mất, Công ty cổ phần Cấp nước Trung An gửi thông báo đến UBND xã, công an xã nơi đặt đồng hồ nước, kiến nghị địa phương phối hợp, tăng cường công tác an ninh để kịp thời phát hiện, xử lý và ngăn chặn tình trạng mất cắp đồng hồ nước, đồng thời tuyên truyền cho người dân nâng cao cảnh giác”.

Theo luật sư Trần Minh Hùng (Đoàn Luật sư TPHCM), có thể xử lý hình sự hành vi trộm cắp đồng hồ nước, các thiết bị công trình công cộng. Cùng với việc xử lý kẻ trộm cắp, cơ quan chức năng cần xử lý các đối tượng tiêu thụ tài sản do trộm cắp mà có. Chủ tiệm ve chai biết tài sản của đối tượng bán là do trộm cắp mà có nhưng vẫn mua thì sẽ bị xử lý về tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có theo điều 323 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.

“Tôi cho rằng, việc để tài sản công cộng bị mất cắp nhiều lần có phần trách nhiệm của công an, chính quyền địa phương. Hiện nay, camera đã được gắn khá phổ biến trên các tuyến đường, nơi công cộng nên việc theo dõi, xử lý các đối tượng trộm cắp là không khó. Do đó, cơ quan chức năng cần quyết liệt hơn nữa” - luật sư Trần Minh Hùng phân tích. 

 Sơn Vinh

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI