TP.HCM sơ tán hơn 4.100 dân, Vũng Tàu sơ tán 1.205 dân

24/11/2018 - 06:58

PNO - TP.HCM sơ tán hơn 4.100 dân, Vũng Tàu tạm thời không đón khách du lịch, sơ tán 1.205 dân ở vùng nguy cơ có gió lốc mạnh thổi đến 10 địa điểm tập trung trên địa bàn.

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, đến 7g ngày 24/11, bão số 9 di chuyển theo hướng Tây mỗi giờ đi được khoảng 10 - 15 km.

TP.HCM so tan hon 4.100 dan, Vung Tau so tan 1.205 dan 
Dự báo đường đi của bão số 9

Vị trí tâm bão ở khoảng 10,6 độ Vĩ Bắc; 109,2 độ Kinh Đông, ngay trên vùng biển ngoài khơi các tỉnh từ Ninh Thuận đến Bà Rịa - Vũng Tàu và cách Phan Thiết 140 km, cách Vũng Tàu 230 km. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9 - 10 (75 - 100 km/giờ), giật cấp 12. Bán kính gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 khoảng 200 km tính từ tâm bão; bán kính gió mạnh cấp 10, giật cấp 12 khoảng 80 km.

Dự báo, đến 19g ngày 24/11, bão số 9 di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 10 - 15km. Vị trí tâm bão ở khoảng 10,5 độ Vĩ Bắc; 108,0 độ Kinh Đông, trên bờ biển các tỉnh từ Ninh Thuận đến Bà Rịa - Vũng Tàu. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8-9 (60 - 90km/giờ), giật cấp 11. Vùng nguy hiểm trên Biển Đông đến 19g ngày 25/11 (gió mạnh cấp 6 trở lên) từ vĩ tuyến 9,0 đến 13,0 độ Vĩ Bắc; phía Tây kinh tuyến 113,0 độ Kinh Đông.

TP.HCM trong chiều và đêm 24/11 có mưa rất to (phổ biến 200 - 250mm) và có khả năng dông, lốc xoáy và gió giật mạnh cấp 6-7.

TP.HCM bắt đầu sơ tán hơn 4.100 dân

Trước tình hình diễn biến phức tạp của cơn bão số 9, TP.HCM bắt đầu sơ tán hơn 4.100 dân tại các vị trí xung yếu bắt đầu từ 6g sáng ngày 24/11, dự kiến hoàn thành trước 12g cùng ngày.

TP.HCM so tan hon 4.100 dan, Vung Tau so tan 1.205 dan
Huyện Cần Giờ đã và đang dời tàu thuyền vào bờ tránh bão an toàn. Ảnh Lê Thoa

Thông tin từ UBND huyện Cần Giờ cho biết, bắt đầu từ 6g sáng ngày 24/11, huyện Cần Giờ tổ chức di dời dân tránh bão số 9. Theo kế hoạch, UBND các xã, thị trấn di dời các hộ dân có nhà ở đơn sơ, tạm bợ ven sông, biển, tại các khu vực xung yếu, vùng trũng thấp đến các địa điểm kiên cố an toàn; đặc biệt là người già, trẻ em, phụ nữ có thai, người tàn tật; đảm bảo tuyệt đối an toàn trong quá trình di dời dân.

Lực lượng canh gác bảo đảm an ninh trật tự ở các điểm bố trí di dời dân và những khu vực phải di dời dân đi; các khu neo đậu tránh bão; tổ chức chăm lo cuộc sống, đảm bảo an toàn thực phẩm cho các hộ dân tại nơi tạm cư tránh bão.

TP.HCM so tan hon 4.100 dan, Vung Tau so tan 1.205 dan
TP Vũng Tàu vận động người dân tránh bão

Bình Thuận: Bảo đảm an toàn cho khách du lịch

Cụ thể, đối với các cơ sở lưu trú du lịch xây dựng kiên cố, có thể chịu được bão cấp 11, 12: Di dời du khách từ nơi không an toàn đến nơi an toàn trong phạm vi của cơ sở. Nếu số lượng du khách lớn, phải thực hiện di dời du khách theo chỉ đạo của Ban Chỉ huy PCLB&TKCN địa phương.

Đối với các cơ sở lưu trú du lịch xây dựng bán kiên cố hoặc không kiên cố, gồm khu vực Bình Thạnh, Tuy Phong: Di dời khách đến các địa điểm UBND xã Bình Thạnh, Ban quản lý Khu du lịch Bình Thạnh - Tuy Phong hoặc các khu vực lân cận.

Khu vực Mũi Né: Di dời khách đến các địa điểm: Trường Tiểu học Mũi Né 4, Trụ sở khu phố Long Sơn và Doanh trại Quân đội C 19, UBND phường Mũi Né, Đồn Biên Phòng.

Khu vực Hàm Tiến: Di dời khách đến các địa điểm: Khu biệt thự Sealinks City, Khu biệt thự Minh Thành, Trường Hồ Quang Cảnh (xã Thiện Nghiệp) hoặc các khách sạn ở Trung tâm Phan Thiết và UBND phường Hàm Tiến.

Khu vực Tiến Thành: Di dời khách đến các địa điểm: Trường quân sự tỉnh,  các khách sạn ở Trung tâm Phan Thiết hoặc Lữ đoàn 681.

Khu vực Hàm Thuận Nam, di dời đến Trụ sở UBND xã Tân Thành, UBND xã Thuận Quý, Đồn Biên Phòng, Trường học, Nhà Văn hóa.

Khu vực La Gi: Di dời đến các địa điểm Trường THCS Tân Hải, xã Tân Hải, UBND xã Tân Tiến, Trường THPT Lý Thường Kiệt, THPT Bán công Nguyễn Huệ, phường Phước Lộc.

Vũng Tàu tạm thời không đón khách du lịch, sơ tán 1.250  dân

UBND TP Vũng Tàu, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai – Tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) TP Vũng Tàu đã tổ chức cuộc họp khẩn với các phòng, ban, đơn vị, đoàn thể, phường, xã nhằm triển khai phương án ứng phó cơn bão số 9.

Theo đó, TP Vũng Tàu dự kiến sẽ sơ tán 1.250 người vùng nguy cơ có gió lốc mạnh thổi đến 10 địa điểm tập trung trên địa bàn.

Từ chiều 23/11, TP Vũng Tàu đã có lệnh cấm người dân và du khách tắm biển; gấp rút kêu gọi, neo đậu tàu thuyền; các nhà hàng nổi bên sông không được đón khách cũng như không được tổ chức ăn uống trên các bè. Vũng Tàu yêu cầu người dân chủ động chằng chống nhà cửa để đảm bảo an toàn, đồng thời tạm dừng tất cả các công trình xây dựng, tháo dỡ cần cẩu, làm vệ sinh môi trường.

Tại huyện Đất Đỏ, UBND thị trấn Phước Hải đã phát loa và đến tận vùng dân cư dọc bờ biển vận động người dân dùng bao cát chằng mái nhà, kêu gọi hàng trăm ngư dân đánh bắt bằng thuyền thúng gấp rút trở vào bờ.

Thị trấn Phước Hải đã thuê xe cẩu giúp người dân đưa hơn 300 thuyền lên bờ kè. Khi bão gần đổ vào, hơn 3.000 người sẽ được di dời đến những nơi an toàn để tránh trú.

Ông Nguyễn Văn Trình, Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết, phương án phòng tránh bão phải đảm bảo tính mạng con người là trên hết, do vậy các địa phương phải chú trọng công tác di dời dân đến nơi an toàn. Đến 12 giờ trưa 24/11, tỉnh tạm thời không đón khách du lịch và các địa điểm du lịch không được tổ chức ăn uống.

TP.HCM so tan hon 4.100 dan, Vung Tau so tan 1.205 dan
Người dân Vũng Tàu chằng chống lại tàu thuyền

Toàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu còn gần 1.000 tàu cá đang hoạt động trên biển. Bộ đội Biên phòng tỉnh đã thông báo tình hình bão và yêu cầu các tàu khẩn trương về bờ, tìm nơi tránh trú an toàn. Tỉnh này cũng đã cấm tàu cá ra khơi từ đêm 22/11 và thông báo cho học sinh nghỉ học từ ngày hôm nay, 24/11.

Dự báo, đến 19g ngày 25/11, bão số 9 di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 10 - 15km, đi vào đất liền các tỉnh từ Ninh Thuận đến Bà Rịa - Vũng Tàu với cường độ mạnh cấp 7-8, sau đó suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở khoảng 11,2 độ Vĩ Bắc; 105,3 độ Kinh Đông, trên khu vực biên giới Việt Nam - Campuchia. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (40 - 50km/giờ), giật cấp 7. Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 3.

Do ảnh hưởng của không khí lạnh kết hợp với hoàn lưu bão số 9, ở vùng biển các tỉnh từ Quảng Trị đến Phú Yên có gió mạnh cấp 6, giật cấp 8; vùng biển từ Khánh Hòa đến Bà Rịa - Vũng Tàu (bao gồm cả huyện đảo Phú Quý) có gió mạnh cấp 6-7, sau tăng lên cấp 8, vùng gần tâm bão đi qua cấp 9-10, giật cấp 12. Biển động rất mạnh. Sóng trên biển vùng gần tâm bão cao 4-6m, vùng gần bờ cao 3-5m.

Từ trưa và chiều 24/11, trên đất liền các tỉnh từ Ninh Thuận đến Bà Rịa - Vũng Tàu có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 8-9; riêng vùng ven biển Bình Thuận và Bà Rịa - Vũng Tàu có gió mạnh cấp 7-8, giật cấp 10. Vùng ven biển các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh có gió mạnh cấp 6, giật cấp 7-8. Sâu trong đất liền các tỉnh Đông Nam Bộ có gió giật mạnh cấp 6-7 và nguy cơ dông mạnh, lốc xoáy trên toàn bộ khu vực Nam Bộ trong chiều 24/11.

Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 9 kết hợp với không khí lạnh, từ đêm 23/11 - 26/11 ở các tỉnh từ Thừa Thiên - Huế đến Bình Thuận, Nam Tây Nguyên và Đông Nam Bộ có mưa rất to (300 - 500 mm/đợt); Bắc Tây Nguyên và Tây Nam Bộ có mưa to (100 - 200 mm/đợt).

Từ ngày 24 - 27/11, trên các sông từ Quảng Trị đến Bình Thuận, các tỉnh miền Đông Nam Bộ và khu vực Tây Nguyên xuất hiện một đợt lũ. Đỉnh lũ trên các sông từ Quảng Trị đến Quảng Nam và khu vực Tây Nguyên khả năng ở mức báo động 1 - báo động 2 và trên báo động 2; các sông từ Quảng Ngãi đến Bình Thuận ở mức báo động 2 - báo động 3 và trên báo động 3. Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất vùng núi, ngập lụt vùng trũng thấp, đô thị tại các tỉnh trên. Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 1-2.

Thái Nam- Bảo Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI