Tổng thống Trump dọa bác bỏ gói hỗ trợ COVID-19 trị giá 892 tỷ USD

23/12/2020 - 13:46

PNO - Hôm 22/12, Tổng thống Donald Trump đe dọa không thông qua dự luật cứu trợ COVID-19 trị giá 892 tỷ USD, bao gồm khoản chi tiền mặt cho các cá nhân người Mỹ.

Các hoạt động của chính phủ Mỹ đang được tài trợ tạm thời cho đến ngày 28/12, chờ đợi 1,4 nghìn tỷ USD chi tiêu liên bang cho năm tài chính 2021 - vốn cũng là một phần của dự luật. Việc không thông qua một dự luật hoặc sử dụng quyền phủ quyết của Tổng thống Trump có thể dẫn đến việc chính phủ phải đóng cửa một phần.

Lời đe dọa từ tổng thống sắp mãn nhiệm của đảng Cộng hòa, người chỉ còn chưa đầy một tháng tại vị, đã gây xáo trộn cho nỗ lực - nhằm giúp đỡ những người có cuộc sống bị ảnh hưởng bởi đại dịch - của lưỡng đảng tại Quốc hội.

Ông Trump nói trong một video đăng trên Twitter: "Dự luật mà họ gửi đến bàn làm việc của tôi khác nhiều so với dự đoán. Đó thực sự là một thất bại".

Hạ viện và Thượng viện Mỹ đều đã thông qua dự luật với số phiếu áp đảo vào tối thứ Hai 21/12.

Tổng thống Trump cho biết, ông muốn Quốc hội tăng số tiền hỗ trợ lên 2.000 USD cho cá nhân hoặc 4.000 USD cho các cặp vợ chồng, thay vì mức 600 USD "thấp đến nực cười" đối với cá nhân như trong dự luật.

Ông Trump cũng phàn nàn về tiền viện trợ cho nước ngoài, Viện Smithsonian và ngành chăn nuôi cá, trong số nhiều khoản chi tiêu dự kiến tài trợ cho chính phủ Mỹ.

“Tôi cũng yêu cầu Quốc hội loại bỏ ngay lập tức những khoản lãng phí và không cần thiết khỏi đạo luật này, đồng thời gửi cho tôi một dự luật phù hợp, nếu không chính quyền tiếp theo sẽ phải tự đưa ra một gói cứu trợ COVID. Và có thể chính quyền đó sẽ lại là tôi”, Tổng thống Trump tuyên bố, tiếp tục khẳng định vô căn cứ rằng ông đã thắng cử.

Trong đoạn video trên Twitter, Tổng thống Trump tuyên bố không ký vào dự luật cứu trợ COVID-19  vừa được Quốc hội thông qua
Trong đoạn video trên Twitter, Tổng thống Trump tuyên bố không ký vào dự luật cứu trợ COVID-19 vừa được Quốc hội thông qua

Tổng thống Trump - dự kiến rời Nhà Trắng vào ngày 20/1 khi Tổng thống đắc cử Joe Biden tuyên thệ nhậm chức - đã không sử dụng từ "phủ quyết" trong tuyên bố của mình.

Một dự luật có thể được sửa đổi nếu lãnh đạo Quốc hội muốn thay đổi. Nếu Quốc hội không hành động, các lựa chọn của ông Trump là ký dự luật thành luật, phủ quyết hoặc không làm gì cả và để văn bản mặc nhiên trở thành luật.

Ngay cả khi dự luật được sửa đổi, việc đó khó xảy ra trước ngày 28/12 vì phải mất hàng tháng để các bên đồng thuận với hàng nghìn yếu tố, không chỉ trong phần viện trợ COVID-19 mà còn cả thỏa thuận trị giá 1,4 nghìn tỷ USD để tài trợ cho phần lớn hoạt động của chính phủ Mỹ.

Nếu giới lãnh đạo muốn sửa đổi dự luật, nó vẫn phải được cả Hạ viện và Thượng viện biểu quyết. Ngoài ra, nhiều đảng viên đảng Cộng hòa có thể không muốn hỗ trợ trực tiếp 2.000 USD cho người dân vì điều đó sẽ làm tăng chi phí của gói hỗ trợ lên hơn 1 nghìn tỷ USD.

Hai năm trước, chính phủ Mỹ đóng cửa một phần trong khoảng thời gian kỷ lục 35 ngày khi Quốc hội gửi cho ông Trump một dự luật chi tiêu chính phủ mà họ nghĩ rằng ông sẽ ủng hộ. Kết quả, Tổng thống Trump từ chối ký phê duyệt vì không đủ kinh phí xây dựng bức tường biên giới Mỹ - Mexico.

Trong một bài đăng trên Twitter, Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi cho biết, trong các cuộc đàm phán, đảng Cộng hòa không nói rõ mức hỗ trợ mà Tổng thống Trump muốn là bao nhiêu. Đồng thời, bà cũng tiết lộ các đảng viên đảng Dân chủ đã sẵn sàng đưa đề xuất của ông Trump về mức hỗ trợ 2.000 USD lên sàn Hạ viện để bỏ phiếu trong tuần này. Dù vậy, bà Pelosi không đề cập đến các mối quan tâm khác của ông Trump.

Khiếu nại của Tổng thống Trump được đưa ra trong lúc dự luật dài 5.500 trang vẫn đang được xử lý để gửi đến Nhà Trắng. Ông Trump dự kiến ​​sẽ rời văn phòng vào chiều thứ Tư 23/12 để đón lễ Giáng sinh tại dinh thự Mar-a-Lago của mình, ở bãi biển Palm, bang Florida.

Tấn Vĩ (theo Reuters)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI