Toàn cảnh thế giới sau 6 tháng WHO tuyên bố COVID-19 là đại dịch toàn cầu

11/09/2020 - 20:00

PNO - Kể từ khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố COVID-19 là đại dịch toàn cầu vào ngày 12/3, dịch bệnh đã nhanh chóng lây lan và đảo lộn cuộc sống hàng ngày của con người.

Nỗi lo sợ về “làn sóng thứ hai” ở châu Âu

Từ cuối tháng 6, các quốc gia châu Âu đã tái mở cửa trường học, các doanh nghiệp và thúc đẩy nền kinh tế phục hồi sau đợt bùng phát dịch mạnh mẽ vào tháng 3 và tháng 4. Tuy nhiên, số ca nhiễm mới SARS-CoV-2 bất ngờ tăng mạnh từ giữa tháng 8, nhất là ở Tây Ban Nha, Pháp và Anh, cảnh báo về “làn sóng thứ hai” của dịch COVID-19.

Châu Âu lo sợ làn sóng thứ hai của dịch COVID-19.
Châu Âu lo sợ làn sóng thứ hai của dịch COVID-19

Hiện, các nước đã đẩy mạnh tăng cường xét nghiệm, số ca mắc mới COVID-19 vẫn còn duy trì ở mức thấp so với đợt bùng dịch đầu tiên, chủ yếu tập trung ở người trẻ tuổi, đối tượng có khả năng miễn dịch cao. Dẫu vậy, nhiều chuyên gia vẫn không giấu sự lo ngại chỉ còn là vấn đề thời gian trước khi virus lây lan trở lại người già, những người dễ bị tổn thương nhất.

Phó giám đốc y tế của Anh, Jonathan Nguyễn Văn Tâm, cho biết mọi người đã mất cảnh giác trong cuộc chiến chống lại virus vào mùa hè: “Chúng ta phải bắt đầu xem xét lại vấn đề này một cách nghiêm túc, đồng thời tăng cường cảnh báo nếu không Vương quốc Anh sẽ phải đối mặt với một chặng đường gập ghềnh trong vài tháng tới.”

Tương tự, Bộ trưởng Y tế Pháp Olivier Veran trong tuần này cũng nhấn mạnh tỷ lệ nhiễm mới đang có xu hướng tăng là vấn đề “đáng lo ngại", đồng thời dự đoán số bệnh nhân mắc COVID-19 sẽ diễn tiến nghiêm trọng trong vòng vài tuần tới.

Bên cạnh đó, nhiều bác sĩ châu Âu chia sẻ vẫn còn bị ám ảnh bởi làn sóng đầu tiên, e ngại các bệnh viện và đơn vị chăm sóc đặc biệt có thể bị quá tải trong khoảng thời gian tới.

Tái nhiễm và miễn dịch

Một số nghiên cứu gần đây cho thấy những người đã phục hồi sau đợt mắc COVID-19, tiếp tục bị tái nhiễm virus. Điều này làm dấy lên mối lo ngại về khả năng miễn dịch lâu dài của con người đối với loại virus này.

Trường hợp tái nhiễm đầu tiên được xác nhận là một công dân Hồng Kông (33 tuổi), có kết quả dương tính SARS-CoV-2 trong một cuộc kiểm tra sàng lọc tại sân bay, 4 tháng rưỡi sau khi hồi phục. Anh không có triệu chứng gì vào lần nhiễm thứ hai - điều mà một số chuyên gia đã ca ngợi như một dấu hiệu hy vọng, cho thấy hệ thống miễn dịch của anh đã học cách tự bảo vệ chống lại virus corona.

Một số nghiên cứu gần đây cho thấy những người đã phục hồi sau đợt mắc COVID-19, tiếp tục bị tái nhiễm virus
Một số nghiên cứu gần đây cho thấy những người đã phục hồi sau đợt mắc COVID-19, tiếp tục bị tái nhiễm virus

Nhưng các nhà khoa học cũng cảnh báo rằng rất khó để đưa ra kết luận rộng rãi chỉ từ một số ít trường hợp tái nhiễm trong số hàng triệu người đã nhiễm virus, đồng thời vẫn chưa xác định rõ liệu bệnh nhân tái nhiễm có khả năng lây truyền virus cho người khác không.

Ngoài ra, khả năng miễn dịch của con người với COVID-19 tiếp tục được nghiên cứu, phần lớn tập trung vào các kháng thể chống lại virus. Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng quan tâm đến các tế bào lympho T - một loại tế bào bạch cầu - đóng vai trò quan trọng trong hệ miễn dịch, nhưng còn ít tài liệu chứng minh được lympho T hoạt động chống lại COVID-19 như thế nào.

Trẻ em và việc lan truyền COVID-19

Khi hàng triệu trẻ bắt đầu trở lại trường học, các chuyên gia cho biết các biến chứng nặng rất hiếm khi xảy ra ở trẻ nhỏ, thay vào đó hầu hết là các triệu chứng nhẹ hoặc không có triệu chứng nào.

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh châu Âu báo cáo: “Khi có triệu chứng, trẻ em thải ra số lượng virus corona tương tự như người lớn và có thể lây nhiễm sang người khác theo cách tương tự, nhưng vẫn chưa biết những trẻ không biểu hiện triệu chứng sẽ lây nhiễm ra sao."

Bên cạnh đó, một số nghiên cứu lại gợi ý rằng trẻ em ít có khả năng truyền bệnh hơn, vì chúng không bị ho hoặc hắt hơi, những triệu chứng làm tăng nguy cơ lây lan virus. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng cần có sự phân biệt giữa trẻ nhỏ với thanh thiếu niên - đối tượng dễ lây lan SARS-CoV-2 như người lớn.

Độ an toàn của vắc-xin COVID-19

Các chuyên gia lo ngại về hiệu quả của vắc-xin COVID-19.
Các chuyên gia lo ngại về hiệu quả của vắc-xin COVID-19

Đầu tuần này, WHO đã liệt kê 35 ứng viên vắc-xin COVID-19 đang thử nghiệm lâm sàng ở người trên toàn cầu. 9 trong số đó đang ở giai đoạn cuối của nghiên cứu, đòi hỏi thử nghiệm trên quy mô với hàng chục ngàn tình nguyện viên.

Tuy nhiên, các chuyên gia vẫn lo ngại về mức độ an toàn và hiệu quả của vắc-xin khi các siêu cường như Mỹ, Nga và Trung Quốc đang đẩy nhanh quá trình phát triển, nhằm trở thành nước sở hữu vắc-xin đầu tiên.

WHO khuyến khích các nước kiên nhẫn, cảnh báo việc đẩy nhanh tiến độ sẽ tổn hại đến sự an toàn và niềm tin của công chúng. Điển hình như công ty dược phẩm AstraZeneca và Đại học Oxford đã "tạm dừng" thử nghiệm vắc-xin của họ sau khi một tình nguyện viên phát bệnh không rõ nguyên nhân.

Hiện, WHO dự báo có thể đến giữa năm 2021, thế giới mới có vắc-xin COVID-19 và bắt đầu tiêm chủng rộng rãi.

Tranh luận đeo khẩu trang

Tại nhiều quốc gia trên thế giới, khẩu trang từ một vật dụng không cần thiết trở thành phụ kiện bắt buộc, sau khi các nhóm chuyên gia của WHO đặt ra nhiều nghi ngờ dịch COVID-19 có khả năng lây lan trong không khí. Vẫn chưa có khẳng định chính xác về phương thức lan truyền nhưng nhiều nhà khoa học tin rằng điều này hoàn toàn có thể xảy ra.

Nếu đúng như vậy, dù thực hiện các biện pháp xa cách xã hội ở cự ly gần cũng không đủ để bảo vệ mọi người khỏi bị lây nhiễm, nhất là trong không gian đông đúc, kém thông gió. Chính vì vậy, một số nước đã ban hành lệnh bắt buộc đeo khẩu trang trên đường phố.

Những phương pháp điều trị

Tính đến nay, chỉ có một loại thuốc đã được chứng minh trong các thử nghiệm lâm sàng giúp giảm tỷ lệ tử vong, chống viêm là corticosteroid, nhưng được khuyến cáo chỉ nên sử dụng cho những bệnh nhân nặng.

Còn các loại thuốc kháng virus, remdesivir, cũng đã được chứng minh làm giảm thời gian nằm viện, nhưng lợi ích của nó tương đối khiêm tốn.

Trong khi đó, bất chấp sự ca ngợi của Tổng thống Mỹ Donald Trump, loại thuốc hydroxychloroquine (thường dùng trong điều trị sốt rét), đã được chứng minh là không hiệu quả đối với COVID-19.

Chung Thu Hương (theo AP)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI