Tình trạng thiếu ôxy đe dọa hệ thống y tế tại nhiều quốc gia

26/05/2021 - 17:17

PNO - Theo Cục Báo chí điều tra (BIJ) - một tổ chức truyền thông phi lợi nhuận có trụ sở ở London, Anh - do nhu cầu ôxy cho việc điều trị các ca nhiễm COVID-19 tăng lên đột biến trong thời gian qua, hàng chục quốc gia trên thế giới đang phải đối mặt với tình trạng thiếu ôxy nghiêm trọng, có nguy cơ “sụp đổ hoàn toàn” hệ thống y tế ở các nước này.

BIJ đã phân tích các số liệu do Liên minh Mỗi hơi thở đều có ý nghĩa (EBCC), Tổ chức phi chính phủ Path và Chương trình ​​Tiếp cận sức khỏe Clinton (CHAI) cung cấp để xác định những quốc gia đang có nguy cơ cạn nguồn ôxy sử dụng trong y tế cao nhất. Tổ chức này cũng nghiên cứu các dữ liệu về tỷ lệ tiêm ngừa COVID-19 trên toàn cầu.

Bình oxy trong một đơn vị cấp cứu tạm thời tại bệnh viện Steve Biko Academic ở Pretoria, Nam Phi
Bình oxy trong một đơn vị cấp cứu tạm thời tại bệnh viện Steve Biko Academic ở Pretoria, Nam Phi - Ảnh: AP

Qua đó, BIJ cho biết, có 19 quốc gia trên thế giới, trong đó có Ấn Độ, Argentina, Iran, Nepal, Philippines, Malaysia, Pakistan, Costa Rica, Ecuador và Nam Phi, hiện nằm trong danh sách các nước có nguy cơ cao về thiếu hụt ôxy, nhất là khi nhu cầu về ôxy để điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tăng mạnh cùng với sự bùng phát của đại dịch, trong khi có chưa đến 20% dân số ở những nước này được tiêm ngừa.

BIJ cho biết thêm, các nước châu Á khác như Lào và các quốc gia châu Phi như Nigeria, Ethiopia, Malawi và Zimbabwe, cũng đang có một nguồn cung ôxy khiêm tốn và có nguy cơ thiếu hụt cao nếu nhu cầu tăng lên. Theo Leith Greenslade - điều phối viên của EBC, ngay trước khi xảy ra đại dịch COVID-19, nhiều quốc gia trong số này đã ở trong tình trạng thiếu ôxy. Vì vậy, nhu cầu ôxy tăng mạnh do dịch bùng phát đã đẩy hệ thống y tế của các nước này đến bờ vực.

“Lẽ ra, các nước này phải thức tỉnh tước tình trạng thiếu ôxy trong hệ thống y tế từng xảy ra vào năm ngoái và tháng Giêng năm nay ở Brazil và Peru, để có những bước chuẩn bị thích hợp, và không để tình trạng này lặp lại như ở Ấn Độ trong thời gian vừa qua. Và nếu nhìn vào tình trạng thiếu ôxy ở các nước châu Á hiện nay, chúng ta cũng nên tiên liệu rằng tình trạng này cũng sẽ xảy ra ở một số thành phố lớn khác ở châu Phi”, Greenslade cảnh báo.

Khi phải đối mặt với đợt bùng phát dịch COVID-19 lần thứ hai, các bệnh viện ở Ấn Độ đã thông báo tình trạng thiếu ôxy nghiêm trọng. Đến giữa tháng 5, nước này cần thêm 15,5 triệu mét khối ôxy mỗi ngày cho bệnh nhân COVID-19, gấp 14 lần nhu cầu trong tháng 3, theo phân tích của BIJ. Để ứng phó với tình trạng này, Ấn Độ đã cấm xuất khẩu ôxy dạng lỏng và dạng nén. Tuy nghiên, các chuyên gia quan ngại rằng động thái này sẽ làm ảnh hưởng đến các nước nước láng giềng của Ấn Độ - gồm Pakistan, Nepal, Bangladesh, Sri Lanka và Myanmar - mà vài nước trong số này đang lệ thuộc vào nguồn ôxy do Ấn Độ sản xuất.

Bình dưỡng khí mới lắp đặt được lấp đầy tại Ramlila Ground ở New Delhi, Ấn Độ
Bình dưỡng khí mới lắp đặt tại Ramlila Ground, New Delhi, Ấn Độ - Ảnh: AFP

Các dữ liệu của BIJ cho thấy, Nepal hiện cần lượng ôxy gấp 100 lần so với hồi tháng 3. Nhu cầu về ôxy ở Sri Lanka cũng đã tăng gấp 7 lần so với thời điểm giữa tháng 3. Ở Pakistan - quốc gia đang hứng chịu đợt bùng phát dịch COVID-19 lần thứ ba - số lượng bệnh nhân bị nhiễm cần được thở ôxy tăng gần 60% so với đợt bùng phát dịch trước đó vào mùa hè năm ngoái, theo một bộ trưởng chính phủ của nước này. Vị bộ trưởng này cũng đã đưa ra cảnh báo về tình trạng thiếu ôxy nghiêm trọng ở Pakistan từ cuối tháng 4.

 “Nhu cầu ôxy tăng nhanh đã tạo thêm áp lực lên hệ thống y tế của các nước nghèo khó. Nhiều bệnh nhân đã bị tử vong do thiếu ôxy - một tình trạng đang diễn ra rõ rệt và hàng ngày ở những quốc gia như Ấn Độ - và tình hình sẽ càng tồi tệ hơn trong thời gian tới nếu việc tiêm ngừa vẫn diễn ra chậm chạp. Điều đáng nói là nhiều nước trong số này vẫn không xem ôxy là một nguồn vật tư y tế cần được ưu tiên như các loại dược phẩm thiết yếu khác”, Greenslade lên tiếng.

Để giải quyết tình trạng thiếu hụt ôxy dùng trong y tế, một số quốc gia đã yêu cầu các công ty sản xuất ôxy lỏng chuyển sang ưu tiên cung cấp cho các bệnh viện thay vì tập trung đáp ứng nhu cầu của khách hàng công nghiệp như trước. Hiện, ôxy y tế chỉ chiếm 1% sản lượng ôxy lỏng toàn cầu. Tuy nhiên, dữ liệu từ Gasworld Business Intelligence - tổ chức chuyên phân tích thị trường khí công nghiệp toàn cầu - cho thấy ngay cả động thái này cũng sẽ không giúp các nước đáp ứng đủ nhu cầu ôxy y tế trong thời gian tới.

Một chiếc xe tải chở đầy bình oxy để cung cấp cho các bệnh viện tư nhân ở Karachi, Pakistan
Một chiếc xe tải chở đầy bình oxy để cung cấp cho các bệnh viện tư nhân ở Karachi, Pakistan - Ảnh: AP

Cụ thể, ở Iraq, các công ty khí đốt hiện chỉ có thể sản xuất khoảng 64.000 mét khối ôxy lỏng mỗi ngày, tương đương 1/3 nhu cầu của bệnh nhân COVID-19 trên cả nước. Ở Colombia, ngành công nghiệp này cũng chỉ có thể cung cấp 450.000 mét khối mỗi ngày, chưa đủ để đáp ứng 2/3 nhu cầu. Tại Peru, các công ty khí đốt chỉ có thể đáp ứng được 80% lượng ôxy mà cả nước cần, nếu ưu tiên bán toàn bộ sản phẩm cho hệ thống y tế.

Tổ chức Y tế Thế giới, UNICEF, Ngân hàng Thế giới (WB), các nhà tài trợ và các tổ chức phi chính phủ khác đã tài trợ hàng trăm ngàn thiết bị tạo ôxy cho các nước để đáp ứng nhu cầu ôxy đang tăng cao. Tuy nhiên, các nhà sản xuất ở những nước này lại không có đủ năng lực vận hành. Năm ngoái, WB đã dành ra một ngân sách 160 tỷ USD để hỗ trợ cho các quốc gia phòng chống dịch COVID-19, và vừa bổ sung thêm 12 tỷ USD vào quỹ này trong tháng 5. Theo đó, các nước được tài trợ có thể sử dụng nguồn ngân sách này để nhập khẩu hoặc tăng cường sản xuất ôxy.

Unitaid và Wellcome cũng đã đóng góp 20 triệu USD vào quỹ hỗ trợ ôxy khẩn cấp cho các nước có thu nhập thấp. Trong khi đó, Quỹ Toàn cầu đã tài trợ 13,7 tỷ USD cho các quốc gia để sử dụng cho các chương trình ứng phó với đại dịch COVID-19, trong đó có việc mua máy tạo ôxy và xây dựng các nhà máy sản xuất ôxy phục vụ cho công chúng.

“Tuy nhiên, điều quan trọng hơn là các nước phải xây dựng các chiến lược tổng thể nhằm cung cấp ôxy cho hệ thống y tế cả nước, nhất là trong tình hình nhu cầu có thể tăng lên đột biến cùng với sự bùng phát của dịch COVID-19, trong đó cần phải đào tạo cho đội ngũ nhân viên y tế liên quan đến nghiệp vụ tiếp ôxy an toàn cho bệnh nhân, cũng như đội ngũ nhân viên bảo quản, bảo trì các thiết bị ôxy”, Greenslade khuyên.

Nhất Nguyên (theo the Guardian)

 

news_is_not_ads=

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEtulieuvi /strCate=tulieu

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEthegioilakyvi /strCate=thegioilaky
TIN MỚI

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEthegioivi /strCate=thegioi