Tin mới vụ thợ lặn tử vong ở Formosa

26/04/2016 - 07:43

PNO - Nhiều diễn biến nóng xung quanh việc cá chết hàng loạt ở miền Trung nghi do xả thải.

Thợ lặn vào ngày cá chết nhiều

Khoảng 17h ngày hôm qua (24/4) anh Lê Văn Ngầy (SN 1970, quê ở Khánh Hòa), là công nhân của Công ty Nibelc (trụ sở đóng ở xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình) đã tử vong.

Anh Ngầy là thợ lặn dưới biển để thi công xây dựng đê chắn sóng cảng Sơn Dương, Formosa. Theo một thợ lặn cho biết, sau khi đi làm về thì trong người anh Ngầy thấy khó thở, mệt mỏi nên Công ty Nibelc đã đưa anh Ngầy đi khám.

Ông Nguyễn Thiếu (36 tuổi, quê Khánh Hòa) một thợ lặn biển phục vụ việc xây dựng đê chắn sóng cho cảng nước sâu Sơn Dương (thuộc dự án Formosa, Hà Tĩnh) cho biết: Kể từ ngày phát hiện cá biển chết hàng loạt, ông cùng nhiều người trong tổ lặn đều cảm thấy có dấu hiệu khác thường về sức khỏe sau mỗi ca làm việc.

"Mỗi lần lặn xong, lên bờ là cảm thấy mệt mỏi khác thường lắm. Da thì vàng hẳn lên và thấy choáng váng, tức ngực. Cứ như có thứ gì đó chạy rùng rùng trong người vậy" – ông Thiếu kể.

Tin moi vu tho lan tu vong o Formosa
Một thợ lặn tử vong, nhiều người thấy khó thở

Ông Thiếu cho hay, đây là lần đầu tiên ông có cảm giác lạ như vậy sau 3 năm lặn ở vùng biển cảng Sơn Dương này. Ông Thiếu nói ban đầu ông nghĩ chỉ mỗi mình có cảm giác như vậy. Nhưng khi trao đổi với anh em đồng nghiệp mới biết là ai cũng bị tương tự.

"Hôm đó khi xuống nước, tôi thấy nước biển có màu vàng đục bất thường, cá biển ít thấy đến lạ. Nhưng cứ nghĩ là do nước biển đục tạm thời nên chắc không sao. Tình trạng nước biển như vậy kéo dài trong cả mấy ngày liền ở vùng biển Sơn Dương này". – ông Thiếu cho biết thêm.

Chọn nhà máy hay cá tôm?

Dư luận hiện nghi vấn Công ty TNHH Hưng Nghiệp Formosa (Khu Kinh tế Vũng Áng, tỉnh Hà Tĩnh) xả thải gây hại môi trường. Bởi trước đó, Formosa đã nhập 297 tấn hóa chất độc hại để phục vụ thi công và súc rửa đường ống. Đơn vị này cũng xây dựng một đường ống xả thải khổng lồ chôn ngầm dưới biển.

Trong khi đang chờ kết luận chính thức từ các cơ quan chức năng thì hôm 25/4, ông Chu Xuân Phàm, Trưởng Văn phòng Formosa tại Hà Nội, đã phát biểu gây sốc.

"Hai cái này mình phải lựa chọn một, tôi muốn bắt cá, bắt tôm hay tôi muốn xây dựng một ngành thép hiện đại? Hồi xưa, khi giải phóng mặt bằng đã tính phương án hỗ trợ ngư dân đánh bắt cá chuyển sang nghề khác rồi, sao cứ phải đánh bắt quanh vùng biển này… Muốn bắt cá, bắt tôm hay nhà máy, cứ chọn đi. Nếu chọn cả hai thì làm Thủ tướng cũng không giải quyết được" - ông Chu Xuân Phàm trả lời báo chí.

Tin moi vu tho lan tu vong o Formosa
Người dân tỉnh Quảng Bình dọn dẹp cá chết trôi vào bờ

Phát biểu của ông Chu Xuân Phàm lập tức gây nên một làn sóng phẫn nộ từ người dân và cả các cơ quan chức năng. Ông Võ Tá Đinh, Giám đốc Sở TN-MT tỉnh Hà Tĩnh, cho rằng nhà đầu tư đã vào Việt Nam thì cần hiểu rõ quy định của luật pháp Việt Nam.

"Nếu xả thải ra môi trường, anh phải bảo đảm tiêu chuẩn theo quy định. Không phải anh đến đây muốn làm gì thì làm. Anh sang đây thì anh phải làm theo pháp luật Việt Nam. Nếu anh không tuân thủ thì chúng tôi yêu cầu anh dừng lại, nếu không đáp ứng yêu cầu thì các cơ quan sẽ xử lý” - ông Đinh bức xúc.

Đồng tình, ông Hồ Anh Tuấn, Trưởng Ban Quản lý Khu Kinh tế Hà Tĩnh, khẳng định: “Nhà nước mình là nhà nước pháp quyền, ai sang đây cũng phải theo luật pháp của ta, không có bất cứ ngoại lệ nào cả".

Vấp phải dư luận gay gắt, ngay trong chiều 25/4 ông Phàm giải thích: "PV hỏi tôi khi xây dựng nhà máy thì lượng cá tôm đánh bắt được ít và không được đánh bắt ở khu vực này. Tôi trả lời rằng, khi chúng tôi vào đầu tư thì được cấp đất và một diện tích biển để làm cảng.

Tỉnh đã giải phóng mặt bằng, người dân được tái định cư, hỗ trợ chuyển đổi nghề. Trong khu vực phạm vi cảng FHS người dân không thể vào đó đánh bắt vì tàu bè công suất lớn đi lại nhiều, lỡ xảy ra thì sao".

Chiều Mai (tổng hợp)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI